Thông tin trên được Tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (trụ sở tại Canada) trích dẫn một nguồn tin từ hãng sản xuất động cơ Salyut của Nga tiết lộ.
Năm ngoái, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc 100 động cơ AL-31FN, phiên bản cũ của động cơ phản lực hiện đại AL-31M. Những động cơ này sẽ được tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô của Trung Quốc sử dụng để sản xuất thêm các tiêm kích J-10A.
Trung Quốc hiện tại đang thiếu những vật liệu cần thiết để sản xuất đủ máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như J-10A và J-10B. Bắc Kinh cũng đang nỗ lực mua thêm động cơ mới từ Nga vì quốc gia châu Á này không thể sửa chữa các động cơ cũ do Nga sản xuất.
Cho dù Trung Quốc đã thành lập một cơ sở sửa chữa động cơ AL-31F nhập khẩu từ Ukraine nhưng tập chí Kanwa Defense Review cho rằng cấu trúc của động cơ AL-31F rất khác so với AL-31FN và tất cả các máy bay chiến đấu của Trung Quốc sử dụng động cơ AL-31FN phải gửi đến Nga để sửa chữa.
Trung Quốc hy vọng có thể trang bị động cơ nội địa như WS-10A Taihang cho các máy bay chiến đấu của họ bao gồm J-10B và J-11B nhưng theo Kanwa, Bắc Kinh vẫn cần nhập khẩu thêm những động cơ hiện đại từ Nga để làm cơ sở thiết kế trong tương lai.
Cách đây không lâu, trên các trang mạng quốc phòng Trung Quốc đăng tải một bảng tham số kỹ thuật cho thấy động cơ WS-15 và WS-10A của nước này có nhiều điểm vượt trội động cơ AL-31F của Nga. Theo đó, động cơ WS-10A của Trung Quốc có lực đẩy khi có đốt sau là 12.600 kg, lớn hơn động cơ AL-31F của Nga (12.258 kg). Trong trường hợp không có đốt sau, lực đẩy của hai loại động cơ trên tương ứng là 7.350 kg và 7.620 kg. Không chỉ có lực đẩy lớn hơn, WS-10 còn có lượng đối lưu khí lớn hơn động cơ AL-31F của Nga (119 kg/s so với 112 kg/s).
Tuy nhiên, với việc phải tiếp tục nhập khẩu động cơ AL-31F, AL-31FN và sắp tới là động cơ AL-31M, có thể thấy trên thực tế, Trung Quốc vẫn chưa có tiến bộ gì trong sản xuất động cơ WS-10.
Động cơ AL-31M hiện tại đang được sử dụng cho máy bay chiến đấu Su-27SM và Su-34 của Nga. So với động cơ AL-31F, lực đẩy tối đa của AL-31M có thể tăng từ 12.500 kg lên 13.500 kg. Tuổi thọ của động cơ AL-31M cũng tương đương với AL-31F với 4.000 giờ bay nhưng lượng nhiên liệu tiêu hao ít hơn so với loại động cơ cũ.
Nếu hợp đồng mua động cơ AL-31M được ký kết, Trung Quốc có thể trang bị loại động cơ này cho máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 để thử nghiệm. Với loa phụt điều khiển vector lực đẩy, AL-31M cũng có thể cải thiện khả năng linh hoạt cho tiêm kích trên hạm J-15 của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không mua AL-31M với số lượng lớn mà sẽ sử dụng nó để thiết kế động cơ nội địa mới.