Đặc nhiệm "Sấm rền"
Lực lượng đặc nhiệm của quân đội Ba Lan hiện nay gồm 3 đơn vị chính: trung đoàn biệt kích số 1, đội người nhái đặc nhiệm, và GROM, viết tắt của Grupa Reagowania Operacyjno Mobilnego hay Đội phản ứng cơ động đặc nhiệm. GROM tiếng Ba Lan còn có nghĩa là "Sấm rền". Đây là lực lượng đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố của Ba Lan, tương tự như Delta Force hay SAS.
Được thành lập vào năm 1991, nhưng đến 1994 chính phủ Ba Lan mới chính thức thừa nhận sự tồn tại của đơn vị này. Quân số của GROM vào khoảng 300 người. Mặc dù có tuổi đời khá non trẻ, GROM được những đơn vị nổi danh khác như SAS, SEAL đánh giá rất cao và thường được xem là đơn vị đặc nhiệm xuất sắc nhất trong số những nước Đông Âu cũ.
Tổ chức
Ban đầu GROM trực thuộc Bộ Nội vụ, tuy nhiên điều này vấp phải sự phản đối của quân đội vì các thành viên từ GROM đều được tuyển từ lục quân và hải quân. Vì vậy đến năm 1999 GROM trở thành một đơn vị quân đội và chịu sự chỉ huy của Bộ tư lệnh các lực lượng đặc nhiệm Ba Lan.
GROM hoạt động theo nhóm 4 người, mô phỏng theo SAS. Đặc biệt thành viên của GROM có cả nam và nữ. Đa số công tác trinh sát, theo dõi được thực hiện bởi các thành viên nữ. Ngoài ra, 75% thành viên GROM cũng được đào tạo về cứu thương.
Huấn luyện
GROM phát triển quy trình tuyển chọn và đào tạo với sự hỗ trợ của đặc nhiệm Mũ nồi xanh (Mỹ) và SAS (Anh). Tuổi đời trung bình của các thành viên GROM là khoảng 30 tuổi. Tất cả các ứng viên phải trải qua những bài kiểm tra cực kì khắc nghiệt về thể lực và tâm lý, trong đó sức mạnh tinh thần là tiêu chí số một. Chỉ có từ 1% đến 5% số người tham gia vượt qua được các bài kiểm tra này và chính thức tham gia chương trình huấn luyện của GROM.
Chương trình này kéo dài trong 3 năm và tiêu tốn trung bình 1 triệu USD mỗi người. Thành viên của GROM được huấn luyện để trở thành một sự kết hợp của Delta Force, SAS và SEAL. Một trong những ưu tiên chính là huấn luyện cận chiến, giải cứu con tin trong môi trường chật hẹp như trong phòng hay khoang máy bay. Cũng giống như Delta Force, những bài tập này đều sử dụng đạn thật và các chỉ huy thường đóng vai con tin. Trinh sát, hoạt động ngầm cũng là những nội dung huấn luyện chủ đạo.
GROM cũng được huấn luyện tác chiến trên biển, đột kích lên tàu biển hoặc giàn khoan, tác chiến dưới nước sử dụng bình hơi, nhảy dù, bắn tỉa và sử dụng chất nổ. Mọi thành viên GROM còn phải thông thạo ít nhất 2 ngoại ngữ. GROM còn có môn võ chiến đấu của riêng mình, do một võ sư lục đẳng huyền đai karate và jujitsu, bạn của chỉ huy trưởng đầu tiên của GROM, phát triển.
Nhiệm vụ
Trong thời gian đầu sau khi được thành lập, GROM chủ yếu được dùng cho các nhiệm vụ an ninh nội địa, nổi bật là truy quét các nhóm mafia Nga. Nhiều nhóm trong đó có thành viên là những cựu đặc vụ KGB. Hiện nay, bảo vệ các địa điểm chiến lược của quốc gia vẫn là một trong những nhiệm vụ chính của GROM, như các giàn khoan trên Biển Bắc.
Nhiệm vụ ở nước ngoài đầu tiên của GROM là tham gia các chiến dịch gìn giữ hoà bình ở Haiti năm 1994. Hơn 50 thành viên GROM được triển khai đến đây chỉ 6 tiếng sau khi chính phủ Ba Lan quyết định tham gia chiến dịch này. Đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ các yếu nhân của Liên Hiệp Quốc bao gồm Tổng thư ký Butrus-Ghali, đặc sứ Lakhdar Brahimi, cùng nhiều quan chức quốc tế cấp cao khác khi những người này đến Haiti.
Từ 1996 đến 1999, GROM đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cho đặc sứ của Tổ chức An ninh & Hợp tác Châu Âu (OSCE) William G. Walker khi ông này dẫn đầu phái đoàn giám sát hoà bình tại Kosovo năm 1998. Đặc sứ Walker đích thân đề nghị GROM bảo vệ cho mình.
Một trong những chiến công nổi bật nhất của GROM là việc bắt giữ tội phạm chiến tranh Slavko Dokmanovic, được gọi là “tên đồ tể vùng Vukovar”, do chịu trách nhiệm việc tàn sát 260 người Croatia trong nội chiến Nam Tư.
GROM nhiều lần giải cứu thành công con tin Ba Lan bị bắt cóc tại nước ngoài, bao gồm 4 kỹ sư Ba Lan tại Angola năm 1994, 2 sĩ quan Ba Lan bị người Serbi bắt và giữ làm lá chắn sống năm 1995 và 5 công dân Ba Lan bị bắt cóc tại Chechnya năm 1998.
GROM từng phối hợp tác chiến với đặc nhiệm Mỹ tại Iraq và Afghanistan và được đánh giá rất cao. GROM được triển khai đến Afghanistan để trinh sát và dọn đường cho các đơn vị chính quy khác của Ba Lan. GROM cũng tham gia bảo vệ các yếu nhân và đảm bảm an ninh tại các địa điểm quan trọng. Tại Afghanistan, GROM thường đóng quân chung với SEAL và có mối quan hệ hợp tác rất tốt với đơn vị này.
Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 2 năm 2003, GROM có 56 thành viên tham gia cùng liên quân đánh chiếm Iraq. Trên thực tế, đóng góp của GROM nói riêng và quân đội Ba Lan nói chung trong cuộc chiến này là rất quan trọng, mặc dù ít được công chúng biết đến.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của liên quân trong giai đoạn đầu của chiến dịch là đánh chiếm cảng Umm Qasr, biến nó thành một cửa ngõ cung cấp hậu cần. Không lâu sau khi chiến dịch bắt đầu, cảng này được chiếm giữ thành công, nhờ vào sự phối hợp giữa GROM và SEAL. Không có thương vong nào cho các thành viên GROM tham gia chiến dịch. GROM còn tham gia chiếm giữ đập Mukarayin gần Baghdad, do lo ngại Saddam có thể dùng nó để làm ngập thành phố.
Trang bị
Như nhiều đơn vị đặc nhiệm khác, GROM được quyền tự chọn vũ khí cho mình. Các loại vũ khí chính mà GROM thường sử dụng gồm tiểu liên MP5, súng ngắn Glock 19, CZ-85 hay SIG-Sauer P228, súng bắn tỉa PSG-1.