Lực lượng cứu thương được vũ trang
Cứu thương đường không là một đơn vị đặc nhiệm thuộc Không quân Mỹ. Theo truyền thống thì đa số lính cứu thương không mang theo vũ khí, và chỉ tập trung vào nhiệm vụ cứu người. Tuy nhiên, lính cứu thương đường không được vũ trang huấn luyện để chiến đấu như một lính đặc nhiệm thực thụ. Nhiệm vụ của lực lượng này là thực hiện cứu thương, tải thương trong những điều kiện nguy hiểm, thường là bên trong vùng địch chiếm đóng, thông qua phương tiện đường không.
Lịch sử của Cứu thương đường không bắt nguồn từ Chiến tranh thế giới thứ 2, khi một máy bay vận tải C-46 rơi xuống vùng rừng rậm dọc biên giới Trung Quốc - Miến Điện. 21 người trên máy bay sống sót, nhưng hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài. Một nhóm tình nguyện 3 người, gồm 1 sĩ quan và 2 lính cứu thương, nhảy dù xuống khu vực máy bay rơi. Và trong hơn một tháng sau đó, những người này vừa chữa trị cho những người bị thương, vừa dẫn cả nhóm băng qua rừng rậm quay trở lại với đồng đội. Đến năm 1947, lực lượng này chính thức được thành lập.
Tổng cộng chỉ có khoảng hơn 500 lính cứu thương đường không, và được phiên chế vào những phi đoàn cứu hộ riêng, hoặc những phi đoàn không vận đặc nhiệm. Trong các đơn vị này, lính cứu thương đường không chỉ chiếm một phần nhỏ so với các vị trí khác, như kỹ thuật viên, hậu cần, thông tin…Mặc dù chỉ có một số lượng rất nhỏ nhưng đây là lực lượng được tặng thưởng nhiều huân chương nhất trong Không quân Mỹ.
Tuyển chọn và huấn luyện
Cứu hộ đường không tuyển chọn tình nguyện viên trực tiếp từ dân thường, những người này phải đạt tiêu chuẩn thể lực nhất định sau khoá huấn luyện quân sự cơ bản kéo dài 6 tuần. Sau đó, họ sẽ trải qua hàng loạt khoá huấn luyện chuyên sâu kéo dài hơn 1 năm rưỡi, bao gồm:
Huấn luyện sơ cấp: khoá huấn luyện này tập trung vào việc rèn thể lực cho các khoá huấn luyện tiếp theo. Ngoài ra, học viên còn bắt đầu học các kỹ thuật sơ cứu cơ bản, sử dụng vũ khí, và kỹ năng lãnh đạo.
Nhảy dù cơ bản: học viên được đào về kỹ thuật nhảy dù tầm thấp.
Người nhái chiến đấu: khoá huấn luyện này đào tạo khả năng tác chiến, thực hiện nhiệm vụ dưới nước, cách thoát hiểm khi máy bay rơi xuống nước.
Sinh tồn: học viên được học cách định hướng và sinh tồn trong tự nhiên.
Nhảy dù nâng cao: học viên được huấn luyện kỹ thuật nhảy dù ở tầm cao, sử dụng dù lượn và bình oxy, nhảy dù ban đêm.
Chương trình huấn luyện chính: tại đây học viên được đào tạo kỹ thuật cứu thương nâng cao, kỹ năng chiến đấu nhóm, cách xâm nhập vào vùng địch hậu. Khoá huấn luyện bao gồm việc các học viên được cử đến thực tập tại các sở cứu hoả hay bệnh viện dân sự để thu thập kinh nghiệm thực tế.
Mặc dù tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào không quá cao, nhưng bù lại quá trình huấn luyện kéo dài, với nội dung rất rộng, bao gồm nhiều kỹ năng khác nhau. Do đó, tỷ lệ tốt nghiệp của Cứu thương đường không được xem là thấp thứ nhì trong số các đơn vị đặc nhiệm Mỹ, với 20% số học viên ban đầu tốt nghiệp. Con số này chỉ đứng sau Delta Force.
Nhiệm vụ
Đặc nhiệm cứu thương đường không được đào tạo với nhiều kỹ năng khác nhau do yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi. Họ thực hiện việc cứu thương trong những tình huống nguy hiểm cao độ, như sâu trong lãnh thổ đối phương, hoặc khi vẫn đang có giao tranh ác liệt gần nơi người gặp nạn.
Để tiếp cận vị trí đồng đội bị thương trong thời gian nhanh nhất, đơn vị này sử dụng phương tiện đường không như nhảy dù từ máy bay, dùng trực thăng. Nếu nhiệm vụ yêu cầu, họ có thể nhảy dù từ máy bay xuống nước và sau đó dùng thiết bị lặn tiếp cận mục tiêu một cách bí mật. Khi thực hiện kỹ thuật kết hợp này, tổng số thiết bị mà một người lính mang khi nhảy khỏi máy bay có thể lên đến 80 kg.
Là một đơn vị trực thuộc Không quân, Cứu hộ đường không thường tham gia việc tìm kiếm và cứu nạn phi công bị bắn rơi trong lãnh thổ đối phương trong mọi cuộc chiến mà Mỹ tham gia kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Khi thực hiện loại nhiệm vụ này, cứu thương đường không thường xuyên phải đụng độ với hoả lực đối phương. Trong cuộc chiến Triều Tiên, Cứu thương đường không là những người đầu tiên thực hiện thủ thuật truyền máu ngay trong trực thăng khi nó đang trên không. Cũng trong cuộc chiến này, đơn vị đã cứu 170 phi công bị bắn rơi trong lãnh thổ đối phương, cùng hơn 8.000 trường hợp khác.
Cứu thương đường không cũng thường xuyên tham gia hỗ trợ các đơn vị đặc nhiệm khác. Họ có thể cùng tham gia nhiệm vụ từ ban đầu, hoặc được gửi đến sau khi có lính đặc nhiệm bị thương. Tiêu biểu là trong chiến dịch của Delta Force và lính biệt động tại Moghadishu, Somalia, 1993, ngay sau khi chiếc Black Hawk đầu tiên bị bắn hạ, một nhóm cứu thương đường không tiếp cận xác máy bay giữa làn đạn của đối phương. Họ thiết lập một điểm cứu thương dã chiến và đưa toàn bộ người sống sót về đó để chữa trị. Trong quá trình đó, 1 lính cứu thương bị trúng đạn. Người này sau đó tự chữa trị vết thương của mình và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Ở gần đó, một nhóm lính biệt động đang giao tranh dữ dội với đối phương và chịu nhiều thương vong. Một lính cứu thương đường không khác đã băng qua mưa đạn, và kéo từng người bị thương về vị trí an toàn. Trong suốt 18 giờ sau đó, đơn vị vừa thực hiện việc trị thương, vừa chiến đấu đẩy lùi đối phương.
Ngoài ra, cứu thương đường không còn có thể được gửi đi cứu hộ binh lính bị thương của mọi binh chủng khác nếu điều kiện quá nguy hiểm cho lính cứu thương thông thường. Đơn vị này đặc biệt quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Mỹ sau sự kiện 11/9. Khi 2 quốc gia có chiến tranh, theo công ước quốc tế thì việc bắn vào lính cứu thương khi đang thực hiện việc cứu người có thể bị xem là tội ác chiến tranh. Trong khi đó, các kẻ thù hiện nay của Mỹ như Al-Qaeda hay Taliban dĩ nhiên không quan tâm đến các công ước này. Do đó, nhu cầu cho một đơn vị vừa có thể cứu người vừa có thể chiến đấu là rất cao. Theo ước tính, cứu thương đường không được điều động để thực hiện hơn 12.000 nhiệm vụ khác nhau kể từ sau sự kiện 11/9.
Bên cạnh hoạt động quân sự, đơn vị này cũng thường xuyên tham gia các hoạt động cứu hộ dân sự cả trong và ngoài nước Mỹ, hỗ trợ các sự mạng nhân đạo sau khi có thiên tai xảy ra.
Trang bị
Bên cạnh dụng cụ y tế, lính cứu thương đường không được vũ trang với hoả lực không kém gì các đơn vị đặc nhiệm khác, như súng trường tự động M4A1 hay HK416, súng phóng lựu M203. Họ cũng thường sử dụng mũ và quân phục tương tự lính đặc nhiệm. Loại mũ này nhỏ gọn hơn của lính bộ binh thông thường, không che 2 tai để dễ dàng sử dụng chung với tai nghe của bộ đàm. Trên mũ có tích hợp sẵn những chốt để gắn kính nhìn đêm hay đèn. Quân phục có thể là loại được gắn sẵn tấm đệm gối, để bảo vệ đầu gối khi họ quỳ cạnh người bị thương hay khi đang ngắm bắn.
Cứu thương đường không cũng di chuyển trên phương tiện vận chuyển đặc biệt. Ví dụ như trực thăng HH-60, đây là phiên bản nâng cao của Black Hawk, chuyên dùng cho các nhiệm vụ cứu hộ đặc biệt. Nó được trang bị vòi tiếp liệu trên không, tời kéo cứu hộ, cảm biến phát hiện tên lửa, radar địa hình và cảm biến hồng ngoại để có thể bay rất thấp trong mọi điều kiện thời tiết. Những phi công lái trực thăng này cũng nằm trong số những người xuất sắc nhất.