Tấm thẻ kim loại nhỏ bé ấy không đơn thuần chỉ là công cụ ghi tên tuổi quân nhân mà với chính phủ nó còn thể hiện trên đó cả một quyết sách quốc gia. Đối với thân nhân, thẻ bài còn được xem như là hài cốt nếu người lính tử trận mà thân xác không được mang về.
Một số mẫu thẻ bài quân nhân
Ý thức được việc nếu không may bị thương hoặc tử trận thì khi đó sẽ rất cần thông tin cá nhân. Những người lính thời xưa đã ghi tên tuổi, quê quán của mình lên những tấm gỗ và luôn mang theo người.
Theo những tài liệu nghiên cứu thì từ thế kỷ 17, Hải đội Hoàng Sa của triều Nguyễn đã “ vắt lưng” những tấm thẻ này lênh đênh trên biển trong những chuyến thực thi quyền chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Trong cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1851 - 1866) ở Trung Quốc, người ta cũng đã ghi nhận có những tấm thẻ gỗ ghi tên tuổi quê quán, đơn vị theo chân những nghĩa quân.
Trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 - 1865), những người lính thường ghi thông tin cá nhân và thông tin đơn vị mình lên các tờ tiền, ghi trong quần áo, ghi trên balo, khóa thắt lưng…đề phòng khi gặp bất trắc. Đó là thuở sơ khai của những tấm thẻ bài.
Nhu cầu về một tấm thẻ có độ bền vật lý đã khiến thẻ bài kim loại ra đời. Những chất liệu bạc, chì, đồng thau đã được sử dụng nhưng cuối cùng thép không gỉ (inox) là sự lựa chọn cuối cùng cho tới ngày nay. Vật liệu này có khả năng chống cháy, chịu lực va chạm và không bị mục khi chôn trong đất.
Thẻ bài bằng chất liệu inox của lính Hàn quốc trong chiến tranh Việt Nam
Thẻ bài trước Chiến tranh thế giới thứ 2 có nhiều hình dạng khác nhau: hình tròn, hình vuông, hình dầu dục nhưng sau đó Quân đội Mỹ và các nước đồng minh đã thống nhất sử dụng mẫu thẻ 2,9 x 5,1 cm được bo góc. Bộ thẻ bài hoàn chỉnh bao gồm một dây bi dài khoảng 75 cm, một dây bi ngắn dài tầm 12 cm, 2 thẻ bài và bộ ron cao su đi kèm nhằm tránh tiếng động leng keng phát ra khi di chuyển.
Một cặp thẻ bài của Thủy quân lục chiến Mỹ
Khi Quân đội Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam, những tấm thẻ bài đã theo chân người lính và trở thành vật bất ly thân. Tấm thẻ đó ghi tên tuổi, số an sinh xã hội, binh chủng phục vụ, nhóm máu, cỡ mặt nạ phòng độc, tôn giáo. Lính thường đeo 1 thẻ trên cổ và thẻ còn lại đeo dưới giày hoặc ở cổ tay.
Nếu người lính không may tử thương ngoài mặt trận mà không thể đem xác về thì đồng đội sẽ lấy 1 thẻ đem về còn thẻ kia nhét vào miệng nhằm tạo thuận lợi cho việc nhận diện hài cốt sau này. Với thân nhân của người mất thì việc nhận tấm thẻ bài có ý nghĩa như việc nhận hài cốt người thân.
Với chính phủ Mỹ, tấm thẻ bài còn thể hiện cả những quyết sách quốc gia, việc tham gia sâu vào chiến tranh Việt Nam thông qua việc tăng quân được thể hiện qua các con số ghi trên những tấm thẻ bài.
Sau chiến tranh những tấm thẻ bài không còn hiện diện nhiều, chúng phát lộ khi người dân làm vườn hay được đào lên bởi những người rà phế liệu. Thỉnh thoảng ta hay bắt gặp nó trong những cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, trong bộ sưu tập của những người sưu tầm kỷ vật chiến tranh hay đơn giản là được dùng làm móc chìa khóa.
Những "Tường Đá Đen” ghi tên lính Mỹ tử trận tại chiến trường Việt Nam và những trang web tra cứu thông tin từ những tấm thẻ bài có tác dụng góp phần làm vơi nỗi đau của những người Mỹ có thân nhân tử trận tại Việt Nam.
Ảnh trên là tấm thẻ bài của hạ sĩ Vestal Steve, Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 503 - Lữ đoàn dù 173 đã tử nạn tại Bình Định. Thông tin được tra cứu trên web VirtualWall.org cho biết anh ta chết do tai nạn vấp mìn hoặc chất nổ.
Thẻ bài lính Việt Nam Cộng Hòa thì thông tin đơn giản hơn, gồm có: Họ tên, năm nhập ngũ, số quân, loại máu, đôi khi gặp một số thẻ ghi cả quê quán.
Thẻ bài chiêu hồi (Hồi chánh viên)
Với những người sưu tầm kỷ vật chiến tranh thì thẻ bài là thứ hay gặp nhất. Thẻ bài phổ biến ở Việt Nam là thẻ bài lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng Hòa và của quân đội đồng minh như Hàn Quốc, Thái Lan, Úc… Họ sưu tầm theo binh chủng, tôn giáo và hơn nữa thì chơi những thẻ độc, thẻ hiếm như thẻ phản chiến, thẻ Chiêu hồi (Hồi chánh viên).
Giá cả thẻ bài thì tùy thể loại, tình trạng và tùy người bán. Nó dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, thẻ càng độc và hiếm thì giá càng cao.
Thẻ bài người Việt đi lính cho Pháp thời Chiến tranh thế giới thứ nhất
Thẻ bài phản chiến với dòng chữ “Nơi nào có tình yêu hiện diện thì nơi ấy sẽ có hòa bình” hoặc “Khi sức mạnh tình yêu vượt qua sức mạnh chiến tranh thì sẽ có hòa bình)
Quá trình lắp ráp một tấm thẻ bài quân nhân
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA