Những vụ tai nạn
Su-30 do Công ty hàng không Sukhoi của Nga sản xuất và đưa vào hoạt động từ năm 1996. Đây là loại máy bay chiến đấu đa chức năng, có tốc độ siêu âm, có thể đảm nhiệm cả nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn (chiếm ưu thế trên không) và nhiệm vụ cường kích (tấn công mặt đất).
Nga đã bán loại máy bay này cho không quân nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Algeria, Venezuela…
Trong 17 năm tồn tại, Su-30 chưa được tham gia chiến đấu lần nào để chứng tỏ sức mạnh của mình. Trong cuộc chiến tranh 5 ngày giữa Nga và Gruzia, các chuyên gia quân sự đã rất hi vọng Nga sẽ đưa Su-30 vào tham chiến, và khi đó khả năng thực sự của Su-30 sẽ được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, rất tiếc là Nga đã không điều bất cứ chiếc Su-30 nào tham gia chiến đấu.
Trong lịch sử vận hành, Su-30 đã vài lần gặp nạn.
- Một máy bay chiến đấu Su-30MK đã lao xuống đất và bốc cháy dữ dội trong khi biểu diễn tại Triển lãm hàng không Paris 1999. Sau khi phần đuôi bị bốc cháy, chiếc Su-30MK đã bay ngược lên trước khi rơi xuống đất và bốc cháy dữ dội. Hai phi công trên máy bay đã phóng dù thoát hiểm kịp thời và may mắn sống sót.
- Ngày 30/4/2009, cũng tại thành phố Jaisalmer thuộc bang Rajasthan, Ấn Độ, một máy bay chiến đấu Su-30MKI đã bị rơi khiến một phi công thiệt mạng.
- Ngày 30/11/2009, tiếp tục một máy bay chiến đấu SU-30MKI của Không quân Ấn Độ đã rơi cách thành phố Jaisalmer 40km trong khi máy bay đang thực hiện chuyến bay thường kỳ cách biên giới Pakistan 150km. Hai phi công đã kịp lao ra ngoài và không bị thương nhưng tất cả các chuyến bay của toàn bộ máy bay Su-30MKI đã bị tạm ngừng trước khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra tai nạn.
- Ngày 13/12/2011, máy bay phản lực chiến đấu Sukhoi-30MKI của Không quân Ấn Độ đã bị rơi gần thị trấn Maharashtra. Hai phi công nhảy dù ra ngoài an toàn. Vụ tai nạn xảy ra sau khi máy bay này cất cánh từ căn cứ không quân Lohegaon thuộc vùng ngoại ô của thành phố Pune. Địa điểm xảy ra tai nạn cách nơi xuất phát 20 km.
Theo các báo cáo sơ bộ, máy bay bị rơi do gặp phải trục trặc kỹ thuật. Đây là vụ tai nạn thứ ba của Su-30 trong biên chế của Ấn Độ.
- Ngày 20/02/2013, không quân Ấn Độ lại tiếp tục mất thêm 1 chiếc Su-30MKI ở bang Rajasthan nước này. Theo báo cáo, tai nạn xảy ra đêm 19/2 trong một chuyến bay huấn luyện. Tuy nhiên, ban chỉ huy Lực lượng Không quân Ấn Độ công bố vụ việc này xảy ra ngày 20/2. Vụ tai nạn này không gây thương vong về người. Không quân Ấn Độ đã không công bố nguyên nhân của tai nạn và vụ việc đang được điều tra. Đây là lần thứ 4 máy bay Su-30MKI của Không quân Ấn Độ gặp sự cố.
Xác chiếc máy bay Su-30MKI của Ấn Độ
- Ngày 28/2/2013, một máy bay Su-30 đã bị rơi tại vùng Khabarosk ở Viễn Đông Nga. Cơ quan điều tra cho biết ngay sau khi cất cánh, kíp lái đã báo cáo động cơ bên phải bị bốc cháy. Ngay lập tức, họ nhận được mệnh lệnh thoát hiểm. Cả hai phi công đều may mắn sống sót. Tuy nhiên, một người trong số đó đã bị thương.
Su-30 chất lượng kém?
Có thể thấy rằng, tai nạn máy bay có rất nhiều nguyên nhân: lỗi của hệ thống kỹ thuật, thao tác sai của con người và ảnh hưởng của thiên nhiên.
Trong số các nước sử dụng Su-30 thì Ấn Độ là nước gặp nhiều tai nạn nhất. Năm 2012, Ấn Độ đã bắt đầu lên tiếng phàn nàn về Su-30MKI, chỉ ra một số khiếm khuyết về công nghệ chế tạo trong hệ thống điều khiển điện tử và kiểm soát bay, do phía Nga không đưa ra phản ứng gì trong vụ việc trên nên Ấn Độ đã công khai những vấn đề này trước công chúng.
Ấn Độ cũng đã đề nghị Nga cải tiến thiết kế của động cơ AL-31F, loại động cơ này bất kể ở các máy bay Su-30 của Nga hay Su-30 MKI của Ấn đều nhiều lần phát sinh sự cố giống nhau. Các vụ tai nạn Su-30 MKI trong 3 năm qua đã chứng tỏ vấn đề này chưa hề có gì cải thiện.
Về phía Nga, sau khi một chiếc Su-30MKI bị rơi năm 2011, các chuyên gia Nga đã phải sang tận nơi điều tra và phát hiện đa số các máy bay chiến đấu Ấn Độ đậu ngoài trời. Nga kết luận sự chiếu xạ kéo dài của các tia cực tím đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thân máy bay và tính năng của các thiết bị.
Tuy nhiên, nhiều nước có điều kiện thời tiết khắc nghiệt chẳng kém gì Ấn Độ cũng đang sở hữu Su-30…nhưng sao họ không gặp phải thảm trạng như nước này?
Một số chuyên gia chỉ ra hai nguyên nhân Ấn Độ hay gặp phải tai nạn máy báy:
Quy trình đào tạo phi công của Ấn Độ chất lượng thấp. Sự thiếu hụt nghiêm trọng các máy bay huấn luyện sơ cấp làm không quân Ấn Độ phải cắt giảm 2/3 thời gian bay tập của phi công với các máy bay huấn luyện sơ cấp, đến mức mỗi người chỉ có 25 giờ bay tập, từ đó dẫn đến tình trạng 39% các vụ tai nạn máy bay là do thao tác sai.
Thứ hai là chất lượng một số thiết bị do Ấn Độ sản xuất được lắp trên các máy bay không đảm bảo. Lật lại hồ sơ sản xuất hoặc bảo trì của các vụ tai nạn từ năm 2004 - 2007 người ta mới nhận ra một sự thực kinh hoàng: trong 29 máy bay rơi thì có 26 chiếc do HAL (Công ty hàng không Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited) lắp ráp hoặc đại tu. Xa hơn nữa, trong giai đoạn 1992 - 2004, công ty này cũng góp phần lớn vào các vụ tai nạn máy bay: trong số 10 chiếc Mig-21 có liên quan đến HLA (lắp ráp 2 và đại tu 8) thì có 8 chiếc bị rơi; lắp ráp 3 và đại tu 5 chiếc Jaguar thì 6 chiếc tai nạn; đại tu 4 chiếc Mirage-2000 thì cả 4 chiếc đều… đâm xuống đất; đại tu 3 chiếc Mig-29 thì cả 3 cũng rơi nốt; chiếc Su-30MKI thiệt hại năm 2009 cũng là “sản phẩm hoàn hảo” của HAL.
Như vậy có thể thấy rằng, nếu bảo quản đúng quy trình, kiểm tra tỉ mỉ, huấn luyện bài bản và phi công xử lý tình huống nhanh nhạy, quyết đoán sẽ không chỉ hạn chế được rất nhiều tai nạn của Su-30 mà còn nâng cao sức mạnh chiến đấu của cỗ máy được mệnh danh là “hổ mang chúa” này.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!