Sáng sớm ngày 14/8, chiếc tàu ngầm INS Sindhurakshak thuộc lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ đã gặp sự cố phát nổ và chìm tại hải cảng Mumbai. Ít nhất 18 thủy thủ còn mắc kẹt trong con tàu.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony sau đó đã xác nhận có thủy thủ hy sinh, tuy nhiên, không nói rõ con số thương vong. Một số nguồn tin suy đoán bi quan rằng có thể tất cả các thủy thủ mắc kẹt đã hy sinh. Các nỗ lực cứu hộ và điều tra nguyên nhân vụ nổ vẫn đang được tiến hành.
Hiện tại, các thợ lặn của Hải quân Ấn Độ đã vào được bên trong chiếc tàu ngầm bị nổ và tìm được thi thể của 2 thủy thủ, không thấy dấu hiệu sống sót của các thủy thủ còn lại.
Hả hê vì láng giềng gặp nạn
Vụ nổ tàu ngầm đã gây tổn hại nghiêm trọng cho Hải quân Ấn Độ, cả về người lẫn vật chất. Không chỉ người dân Ấn Độ mà rất nhiều người dân trên thế giới đang cầu nguyện cho sự sống của các thủy thủ mắc kẹt.
Tuy nhiên, trong phần bình luận bên dưới các bài viết về vụ tai nạn đăng trên các trang mạng lớn của Trung Quốc như Sina, Sohu hay Huanqiu, phần lớn là những lời lẽ tỏ rõ vẻ hả hê, những lời đùa cợt, ăn mừng, thậm chí phỉ báng Ấn Độ và lực lượng quân sự của nước này.
Rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra vui mừng, hả hê trước tai nạn của tàu ngầm Ấn Độ (Ảnh chụp từ phần bình luận của độc giả trên trang mạng Sina)
Nickname JuHua phát biểu: “Sướng! Ấn Độ sản xuất pháo hoa tốn kém thật, dùng cả tàu ngầm để bắn”
Một nickname khác là Waltonhuang cũng hả hê: “Tàu ngầm Ấn Độ có chế độ tấn công tự nổ, sắp tới còn định chế tạo cả tàu ngầm hạt nhân cơ đấy!”.
Thậm chí, có những lời lẽ vô cùng miệt thị và vô cảm: “Lũ theo đuôi Mỹ chỉ đến nước này thôi” hoặc “Thật hy vọng nó nổ thêm vài cái nữa, nhất là nếu nó nổ khi đang đến thăm Nhật, Mỹ”…
Đây chỉ là một phần nhỏ trong vô số những lời cười nhạo của người Trung Quốc trước tai nạn của nước láng giềng. Khi có những ý kiến phản bác, cho rằng không nên cười nhạo người đã chết hoặc nên rút kinh nghiệm thì đều bị “phủ đầu” bằng vô số lời chửi bới theo kiểu “não cạn” hay “mày là người Ấn” v..v.
‘Cười người mà không biết đến ta’
Tất nhiên, cũng có ý kiến của một số người Trung Quốc chỉ trích thái độ của những dân mạng trên, khi cười người mà không biết đến ta. Theo lời họ, tàu ngầm Trung Quốc cũng từng không ít lần gặp nạn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn vụ nổ tàu ngầm INS Sindhuraksha của Ấn Độ.
Một số đề cập tới vụ tai nạn ngày 16/4/2003 xảy ra với tàu ngầm 361 lớp Ming ngoài khơi tỉnh Liêu Ninh, khiến toàn bộ 70 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Tin này khi đó bị giấu nhẹm, cho đến lúc ngư dân phát hiện và lọt thông tin ra ngoài. Đến tháng 5/2003, chính quyền mới thừa nhận đó là tàu của Hải quân Trung Quốc gặp nạn.
Theo một số dân mạng khác, trước đó lâu hơn nữa, vào tháng 9 năm 1976, tàu khu trục 160 của Hạm đội Nam Hải Trung Quốc cũng phát nổ khi đang neo đậu tại Quảng Đông. 134 thuyền viên tử nạn, chỉ còn hơn 100 người sống sót và tất cả đều bị buộc xuất ngũ “không kèn không trống” và bắt buộc phải cam kết không tiết lộ bất cứ thông tin nào. Những người trích dẫn nguồn tin này ngay sau đó cũng nhận được sự “ném đá” thậm tệ của các thành viên khác.
Tình hình biên giới Trung - Ấn thời gian qua được đặt trong trạng thái căng thẳng. Mới đây, việc Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa càng khiến Trung Quốc bất an. Có lẽ chính vì điều này mà nhiều người Trung Quốc đã tận dụng cơ hội tàu ngầm Ấn Độ gặp nạn để cười cợt và tự huyễn hoặc mình.
Không phải tất cả, nhưng rất đông cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra hả hê. Từ đó, có thể thấy trong sâu thẳm trong tư tưởng của họ, Ấn Độ cũng giống như những người láng giềng khác đều sớm muộn bị coi là kẻ thù.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!