Báo cáo mật tiết lộ tình trạng bi đát của lực lượng tàu ngầm Ấn Độ

Bảo An |

(Soha.vn) - Vụ nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak ngày 14/8 đã gây tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng tàu ngầm Ấn Độ, trong khi theo báo cáo, sức chiến đấu của lực lượng này sẽ xuống thấp nhất trong lịch sử vào năm 2015.

Vụ nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak, một trong những thảm kịch tồi tệ nhất của Hải quân Ấn Độ kể từ khi tàu INS Khukri bị đánh chìm trong cuộc chiến tranh năm 1971 giữa Ấn Độ và Pakistan, xảy ra vào đúng thời điểm đội tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ đang trong “tình trạng vô cùng bấp bênh”, theo một báo cáo mật của Bộ Quốc phòng Ấn Độ.

Đây không phải là lần đầu tiên tai nạn xảy ra trong khoang của tàu ngầm Sidhurakshak. Một vụ nổ tương tự đã xảy ra khi con tàu neo tại Visakhapatnam vào tháng 2/2010, khiến 1 thủy thủ thiệt mạng và 2 người khác bị thương.

Điều đáng nói là thảm họa mới nhất này xảy ra với tàu ngầm Sidhurakshak đúng 7 tháng sau khi nó được đại tu tại nhà máy đóng tàu Zvezdochka của Nga với chi phí hơn 80 triệu USD.

Tàu ngầm INS Sindhurakshak trong đợt bảo dưỡng tại Nga.
Tàu ngầm INS Sindhurakshak trong đợt bảo dưỡng tại Nga.

Thêm vào đó, theo một báo cáo mật của Bộ Quốc phòng Ấn Độ được tiết lộ vào tháng 4 vừa qua, trong khi quốc gia láng giềng Trung Quốc đang tăng cường nhanh chóng khả năng của lực lượng dưới nước thì sức mạnh của đội tàu ngầm Hải quân Ấn Độ sẽ ở mức thấp nhất trong lịch sử vào năm 2015.

Hải quân Ấn Độ đang có 14 tàu ngầm đang hoạt động, bao gồm 1 tàu ngầm tấn công hạt nhân được thuê của Nga. Mặc dù vậy, nếu dựa trên khả năng hoạt động của các tàu thì “sức mạnh thực sự” của lực lượng tàu ngầm Ấn Độ còn kém hơn nhiều.

Một quan chức cấp cao của Hải quân Ấn Độ thừa nhận thảm họa nổ tàu ngầm Sindhurakshak đã làm suy giảm đáng kể khả năng chiến đấu dưới nước của lực lượng này. Bởi lẽ, khi các tàu ngầm lớp Kilo của Nga và tàu ngầm lớp HDW Type 209 của Đức ngừng hoạt động vào năm tới, Hải quân Ấn sẽ chỉ còn lại 6 đến 7 tàu ngầm, bao gồm chiếc tàu ngầm hạt nhân duy nhất INS Arihant được trang bị tên đạn đạo. Báo cáo cảnh báo rằng nước này “chưa bao giờ bị đặt vào tình trạng dễ bị tấn công như vậy.”

Ngược lại, Trung Quốc đang duy trì họat động của 45 tàu ngầm, bao gồm 2 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Bắc Kinh đang dự định đóng thêm 15 tàu ngầm tấn công lớp Nguyên (Type 041) được trang bị động cơ diesel mua từ Đức.

Tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc có thể được trang bị hệ thống động cơ đẩy không phụ thuộc không khí giúp nó có thể hoạt động dưới nước liên tục trong hơn 3 tuần. Khả năng này hiện tại không được trang bị cho các tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ.

Hải quân Ấn Độ đang vô cùng lo lắng vì quy mô đội tàu ngầm của nước này sẽ chỉ tương đương với Pakistan trong vòng 2 năm tới. “Trong khi khả năng dưới nước (của Hải quân Ấn Độ) đang bị xói mòn thì Hải quân Trung Quốc và Pakistan đang tăng cường sức mạnh đội tàu ngầm của họ”, báo cáo của Bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết.

Ấn Độ đang triển khai đóng 6 tàu ngầm lớp Scorpene tại nhà máy đóng tàu Mazagon Dock ở Mumbai, với công nghệ của công ty DCNS (Pháp) theo dự án có tên là P-75. Tuy nhiên, chiếc đầu tiên của lô tàu này không thể hoạt động trước năm 2016-2017, cho dù nó đã được biên chế cho Hải quân Ấn Độ vào năm ngoái.

Tàu ngầm Sindhurakshak nặng 2.300 tấn, gia nhập Hải quân Ấn Độ vào năm 1997. Đây là một trong 9 tàu ngầm lớp Sindhughosh (lớp Kilo) được mua từ Liên Xô trong những năm 1980. Nguyên nhân chính xác dẫn tới tai nạn trên tàu này vẫn chưa được xác định, trong khi Hải quân Ấn Độ ra lệnh thực hiện một cuộc điều tra để làm rõ vụ tai nạn.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony vào tháng 5 vừa qua thừa nhận những hạn chế của nước này trong khả năng triển khai một hạm đội hoàn chỉnh: “Có một số vấn đề hạn chế liên quan đến các tàu ngầm tiêu chuẩn.”

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại