"Đại chiến" Hoa Đông: Non tay, TQ tự làm chìm tàu, chết lính

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Trong cuộc chiến trên biển Hoa Đông, tên lửa, chứ không phải máy bay, sẽ xác định ai nắm ưu thế trên không.

Việc Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông đã đẩy căng thẳng tại khu vực này lên cao, có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện.

Một bài viết khá thú vị trên trạng mạng popularmechanics.com đã giả định kịch bản của cuộc chiến này như sau:

Giai đoạn 1: Cuộc xâm nhập của UAV

Máy bay không người lái (UAV) là một công cụ hoàn hảo để gây leo thang xung đột. Giới lãnh đạo có thể không ngần ngại gửi chúng vào khu vực nguy hiểm vì không lo mất phi công. Lãnh đạo của nước còn lại cũng dễ dàng ra lệnh bắn hạ UAV. Vì rốt cuộc thì nó cũng chỉ là một cỗ máy vô tri.

Kịch bản giao tranh xảy ra ở độ cao 15km. Một UAV không vũ trang loại W-50 của Trung Quốc được gửi đi để giám sát vùng nhận dạng. Từ tháng 9/2012, truyền thông Trung Quốc đã cho biết việc Cục hải dương Trung Quốc sẽ tăng cường việc sử dụng UAV trong vai trò giám sát hải dương tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông, và một loạt căn cứ mới đã xuất hiện trong năm 2013.

Tiêm kích đánh chặn hạng nặng F-15J
Tiêm kích đánh chặn hạng nặng F-15J

Không quân Nhật Bản được trang bị máy bay thám sát trên không E-767, có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách hơn 300km. Nó phát hiện W-50 đang hoạt động trên vùng trời bên trên Senkaku. Các chiến đấu F-15J được lệnh xuất kích và bắn hạ W-50. Các radar tầm xa vượt đường chân trời của Trung Quốc từ đất liền có thể phát hiện được F-15J, tuy nhiên, chúng không thể cung cấp toạ độ chính xác. Thay vào đó một máy bay thám sát hàng hải Y-8X được Trung Quốc phái đi để có thể cung cấp thông tin chính xác hơn về F-15J.

Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng phát lệnh xuất kích cho các đơn vị Su-30 và J-10, tất cả đều được vũ trang đầy đủ. Để tránh bị phát hiện, máy bay Nhật tắt radar của mình và chỉ sử dụng thông tin chỉ dẫn từ E-767 để tiếp cận đội hình Trung Quốc. Nhưng các radar quét điện tử chủ động trên J-10 phát hiện được F-15J. Bộ cảnh báo radar trên F-15J phát tín hiệu báo động. Tuy nó chưa cảnh báo việc máy bay Trung Quốc khai hoả tên lửa và dẫn bắn, nhưng phi công Nhật bắt đầu cảm thấy căng thẳng. Khi các phi đội Trung Quốc áp sát để gây sức ép lên các máy bay Nhật, sự căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Tốc độ cao của những chiến đấu cơ này đã khiến thao tác của một phi công phía Nhật thiếu chính xác. Chiếc F-15J va vào một chiếc J-10 trên không.

Cú va chạm kích động cả 2 bên lao vào giao chiến. Phía Nhật sử dụng tên lửa AAM-3, còn của Trung Quốc là PL-11. Trận không chiến kết thúc sau vài phút, nhưng với thương vong cho cả 2 bên. Hai nước đều cho rằng mình là nạn nhân và đối phương đã khơi mào trước.

Giai đoạn 2: Chiến tranh lặng lẽ leo thang

Cả 2 bên đều là những cường quốc quân sự. Mặc dù có tên chính thức là Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, quân đội nước này trên thực tế có sức mạnh hàng đầu tại Châu Á. Trung Quốc trong những năm gần đây đã đầu tư rất nhiều tiền của để đuổi kịp Mỹ và Nhật. Nhưng nhìn chung Nhật Bản được trang bị tàu chiến và máy bay hiện đại hơn. Mỹ có hiệp định phòng thủ chung với Nhật Bản và có nghĩa vụ giúp đỡ khi Nhật bị tấn công nhưng trong nội bộ nước Mỹ vẫn đang tranh cãi xem vụ không chiến trên có được xem là một vụ tấn công hay không. Mặt khác, cả Nhật và Mỹ đều đã tham chiến ở những nơi khác và không muốn khơi mào một cuộc chiến nữa.

Khoảng lặng ngay sau trận không chiến che giấu ý đồ khác của Trung Quốc. Quân đội nước này hiểu rằng họ khó có thể đánh bại không quân Nhật Bản. Do đó trong khi mà các hoạt động ngoại giao đang diễn ra dồn dập để xoa dịu căng thẳng, Trung Quốc bí mật triển khai loại vũ khí khác. Những tàu ngầm diesel-điện bắt đầu được sử dụng để rải mìn. Chúng rất yên lặng và khó bị phát hiện ở vùng nước nông. Mục đích là để ngăn tàu chiến Nhật và Mỹ tiến gần Senkaku, và tạo lợi thế cho Trung Quốc nếu nước này muốn đổ quân chiếm đảo. Ngoài ra, nó cũng giúp ích nếu xảy ra không chiến vì Mỹ và Nhật không thể tận dụng các radar hiện đại trên tàu chiến của mình. Nó cũng gây khó khăn cho việc giải cứu các phi công bị bắn rơi.

Mìn là thứ mà Trung Quốc có rất nhiều. Theo ước tính của phía Mỹ thì Trung Quốc có hơn 50.000 quả mìn hải quân, với hơn 30 chủng loại khác nhau như mìn kích nổ bằng từ tính, bằng âm thanh, áp lực nước, mìn kích nổ từ xa, mìn di động, và mìn trang bị tên lửa đẩy. Chúng là những vũ khí thông minh, có thể được lập trình để nổi lên khi có tàu với tín hiệu từ tính và âm thanh nhất định đi ngang qua. Chúng cũng có thể được kích hoạt từ xa. Những quả mìn này nằm vô hại dưới đáy biển cho đến khi nhận được lệnh, đó là khi mà Trung Quốc ra lời cảnh báo mọi tàu thuyền phải tránh xa khỏi vùng biển tranh chấp.

 	Tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ

Tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ

Hải quân Mỹ là bậc thầy trong tác chiến chống tàu ngầm. Họ phát hiện ra hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc và tìm cách buộc chúng phải nổi lên. Những tàu ngầm nhỏ, tốc độ chậm của Trung Quốc không phải là đối thủ của các tàu ngầm hạt nhân tấn công tốc độ cao của Mỹ. Trong khi đang cố gắng lẩn tránh tàu ngầm Mỹ một cách tuyệt vọng, thuyền trưởng bên phía Trung Quốc phạm sai lầm và tự gây tai nạn khiến toàn bộ thuỷ thủ đoàn thiệt mạng.

Để trả đũa, Trung Quốc ra lệnh kích nổ toàn bộ số mìn đã rải. Một số tàu chiến Mỹ bị bốc cháy với nhiều thiệt hại nhân mạng. Các đồng minh Đài Loan và Nhật Bản yêu cầu Mỹ nhanh chóng tấn công bằng không kích và tên lửa hành trình vào các cơ sở của hải quân Trung Quốc để làm suy yếu nó. Thông tin rò rỉ từ Washington cho thấy một hành động đáp trả mạnh tay đang được ủng hộ. Hiểu rõ rằng nếu Mỹ và Nhật Bản có thời gian để tập hợp lực lượng thì thiệt hại có thể rất lớn, Trung Quốc quyết định ra đòn phủ đầu trước.

Giai đoạn 3: Tên lửa

Trọng tâm của cuộc xung đột vẫn ở quần đảo đang tranh chấp, tuy nhiên ngọn lửa chiến tranh đã lan rộng. Tên lửa, chứ không phải máy bay, sẽ xác định ai nắm ưu thế trên không.

Trung Quốc bắt đầu cuộc tấn công phủ đầu bằng hàng đàn UAV Harpy từ đất liền. Harpy được Israel bán cho Trung Quốc từ 2004. Với tầm bay gần 500km, những chiếc Harpy được thiết kế để dò tìm tín hiệu từ radar phòng không và lao vào chúng, kích nổ đầu đạn nặng 2kg của mình.

Máy bay ném bom B-52
Máy bay ném bom B-52

Mỹ và Nhật Bản trả đũa ngay lập tức. Các tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom B-52, phối hợp cùng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công hệ thống phòng không của Trung Quốc. Các mục tiêu cố định bị đánh trúng nhưng Trung Quốc đã kịp cất giấu các hệ thống radar cơ động của mình. Mỹ triển khai các chiến đấu cơ tàng hình F-22 để quét sạch các máy bay Trung Quốc trên vùng trời. Tuy nhiên Trung Quốc không xuất kích, và không có trận không chiến nào diễn ra.

Thay vào đó, Trung Quốc phóng đi hàng loạt tên lửa chiến thuật, bao gồm cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Chúng được phóng từ sâu bên trong nội địa và nhắm đến các căn cứ quân sự của Nhật và của Mỹ trong khu vực. Hàng trăm tên lửa phóng cùng lúc làm quá tải hệ thống chống tên lửa và gây thiệt hại lớn cho các căn cứ. Hạm đội Mỹ và Nhật cũng là mục tiêu của các tên lửa diệt hạm siêu thanh phóng từ tàu ngầm hay trên bờ. Phía Mỹ nhận ra rằng họ không thể áp sát bờ biển Trung Quốc mà không phải chịu thiệt hại nặng.

Hạm đội Mỹ do đó phải lùi ra xa và dựa nhiều vào vũ khí tầm xa. Giao tranh tiếp diễn với cả 2 bên trả đũa qua lại mà không bên nào giành được chiến thắng cuối cùng. Quần đảo tranh chấp trở thành một chiến trường mà không bên nào có thể tuyên bố chủ quyền tuyệt đối.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại