Hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Không quân Trung Quốc Shen Jinke cho biết một số máy bay chiến đấu và một máy bay cảnh báo sớm của nước này đã tham gia tuần tra định kỳ tại vùng ADIZ. Báo cáo không tiết lộ thời điểm chính xác các chuyến bay diễn ra hay chúng có đối đầu với chiến đấu cơ nước ngoài hay không.
Ông Shen miêu tả các chuyến bay vào ngày 28/11 như là “một biện pháp phòng vệ và phù hợp với thông lệ quốc tế", đồng thời cho biết Không quân Trung Quốc sẽ duy trì tình trạng báo động cao và sẵn sàng thực hiện những biện pháp để bảo vệ không phận quốc gia.
Trong khi Trung Quốc bất ngờ tuyên bố thành lập vùng phòng không làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực, các nhà phân tích nhận định rằng động cơ của Bắc Kinh không nhằm khuấy động một cuộc đối đầu trên không mà là chiến lược dài hạn hơn nhằm củng cố những tuyên bố chủ quyền trên các khu vực tranh chấp bằng cánh đánh dấu những lãnh thổ này là riêng của họ.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc không ngăn chặn các chuyến bay của nước ngoài, bao gồm 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ bay qua vùng phòng không vào ngày 26/11, cho thấy sự lúng túng của Bắc Kinh. “Bắc Kinh cần thay đổi cơ chế công bố thông tin để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tâm lý châm ngòi bởi Washington và Tokyo”, tờ Hoàn Cầu nhận định.
Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết các máy bay của họ đã tiến hành các chuyến bay vào vùng ADIZ mà không thông báo cho Trung Quốc, tuy nhiên, họ không gặp phải bất cứ trở ngại nào.
Các nhà phân tích nghi ngờ khả năng kỹ thuật của Trung Quốc trong việc thực thi các quy định đã áp đặt tại vùng phòng không, do thiếu máy bay trang bị radar cảnh báo sớm và khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc có một kế hoạch dài hạn để giành được sự công nhận đối với vùng phòng không bằng những cảnh báo thường xuyên và có thể cuối cùng là hành động vũ lực.
“Với những hoạt động ghi nhận hiện tại trong khu vực phòng không, sẽ không xảy ra điều gì trong tương lai gần”, June Teufel Dreyer, chuyên gia về Trung Quốc tại đại học Miami (Mỹ), nhận định, “sau đó, vùng phòng không sẽ dần được giám sát chặt chẽ hơn. Người dân Nhật Bản sẽ tiếp tục biểu tình, nhưng không đủ để thách thức. Điều này có thể đánh bại Nhật Bản và thay đổi hiện trạng trong khu vực.”
Shen Dingli, chuyên gia về các vấn đề an ninh khu vực tại trường Đại học Fudan ở Thượng Hải, nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép với Tokyo cho tới khi Nhật Bản thay đổi quyết định quốc hữu hóa các quần đạo tranh chấp và đàm phán với Bắc Kinh.
“Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài các biện pháp đối đầu”, ông Shen cho biết. “Nếu Nhật Bản tiếp tục không thừa nhận tranh chấp, Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp mạnh tay hơn.”