Nỗi lo không tặc
Tư lệnh không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev, ngày 5-11 cho biết Moscow quyết định đưa tên lửa phòng không tới Syria để ngăn chặn nguy cơ không tặc cướp máy bay trên lãnh thổ các nước láng giềng Syria và sử dụng để tấn công lực lượng Nga.
Động thái này diễn ra sau khi các nguồn tin an ninh Mỹ và châu Âu nhấn mạnh giả thuyết chiếc máy bay Nga rơi ở bán đảo Sinai - Ai Cập hôm 31-10 đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc những nhóm ủng hộ đặt bom.
“Chúng tôi đã tính toán mọi đe dọa tiềm tàng. Chúng tôi không chỉ điều chiến đấu cơ, máy bay ném bom và trực thăng mà còn cả hệ thống tên lửa phòng không tới Syria ” - ông Bondarev giải thích với báo Komsomolskaya Pravda (Nga).
Vị tướng này nói thêm: “Giả sử có một chiếc máy bay quân sự bị đánh cắp ở các nước láng giềng Syria và được dùng để tấn công chúng tôi, khi đó chúng tôi phải đáp trả”.
Cùng ngày, báo The Wall Street Journal dẫn lời giới chức Mỹ đưa tin Washington và các đồng minh đã nhất trí tăng cường cung cấp vũ khí nhằm trợ giúp quân nổi dậy Syria giữ vững trận địa, thách thức sự can thiệp của Nga và Iran.
Trước đó, kể từ khi Nga mở chiến dịch không kích tại Syria vào tháng qua, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các đối tác trong khu vực đã ráo riết tăng cường vũ trang cho quân nổi dậy ở miền Bắc Syria, trong đó có cung cấp tên lửa chống tăng TOW.
Loại vũ khí mà quân nổi dây Syria nhiều lần tha thiết “xin” là hệ thống phòng không vác vai (Manpad) cũng đã được Mỹ “phê duyệt” dù với số lượng có hạn. Manpad có thể tăng sức mạnh tấn công máy bay chiến đấu, đặc biệt là loại máy bay thả bom thùng.
Giới chức Nhà Trắng khẳng định bước đi này của Washington nhằm tạo ra những áp lực cần thiết lên chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đồng thời, Manpad cũng sẽ khiến chiến đấu cơ Nga phải dè chừng mỗi lần không kích.
Tranh thủ phe nổi dậy
Trong một diễn biến đáng chú ý, Quân đội Syria Tự do (FSA) ngày 5-11 bất ngờ tuyên bố đại diện 28 lữ đoàn thuộc lực lượng nổi dậy sẽ gặp đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga tại Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất vào cuối tuần tới.
Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lời ông Mahmoud Afandi, một trong những nhà điều phối của cuộc gặp, cho biết các bên sẽ thảo luận việc lập một trung tâm điều phối chung để chống IS và Mặt trận al-Nusra cũng như tìm giải pháp chính trị cho Syria sau khi IS bị đánh bại.
Theo ông Afandi, một vấn đề đáng chú ý khác là lời hứa bảo vệ FSA của Nga trước sự tấn công của quân đội Syria.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, các đại diện của 4 nhóm nổi dậy thuộc FSA đã bác tin nêu trên. Một đại diện FSA cho biết phía Nga đã tiếp xúc với những người Syria giả danh FSA.
Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng lên tiếng nói "không biết về bất cứ kế hoạch gặp gỡ nào giữa quan chức Nga và FSA ở Abu Dhabi".
Cùng ngày, theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga từ chối bình luận về thông tin khoảng 4.000 quân nhân nước này đang hiện diện ở Syria, tăng gấp đôi so với thời điểm Moscow bắt đầu không kích.
Ông Christopher Harmer, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu về chiến tranh (Mỹ), dự báo lực lượng quân sự Nga ở Syria có thể tăng lên tới 8.000 người.
Theo chuyên gia này, một khi có đủ lực lượng, Nga sẽ bắt đầu các chiến dịch quân sự trên bộ tại Syria. Ngoài ra, giới chức Mỹ còn khẳng định 85%-90% cuộc không kích của Moscow trong khoảng 1 tháng qua đánh trúng phe đối lập ôn hòa chứ không phải những mục tiêu IS.
Ảnh hưởng nhất thế giới
Tổng thống Nga Vladimir Putin lần thứ ba liên tiếp chiếm vị trí đầu bảng trong danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Mỹ Forbes.
“Tổng thống Putin là một trong rất ít người trên thế giới có đủ quyền lực để làm bất cứ điều gì ông muốn và thành công” - Forbes viết, đồng thời không quên khen ngợi ông chủ Điện Kremlin đã gầy dựng lại được ảnh hưởng của Nga ở nước ngoài.
Xếp thứ hai là Thủ tướng Đức Angela Merkel - từng đứng thứ năm trong danh sách năm 2014 và là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới 10 năm qua.
Mất 1 hạng so với năm trước, Tổng thống Barack Obama đứng thứ ba và là lãnh đạo Mỹ đương nhiệm đầu tiên rơi khỏi tốp 2 người đứng đầu.
Giáo hoàng Francis lần thứ ba liên tiếp chiếm vị trí thứ tư, theo sau là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người từng nằm trong bộ ba nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới.
Các vị trí tiếp theo là: tỉ phú giàu nhất thế giới Bill Gates (tài sản 79,2 tỉ USD), Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Larry Page, nhà đồng sáng lập Google từng chiếm vị trí thứ 19 trong số những người giàu nhất thế giới với tài sản 29,7 tỉ USD.
Ngoài ra, trong danh sách còn có Tổng thống Pháp Francois Hollande, nhà lãnh đạo tinh thần Iran Ali Hosseini Khamenei, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cựu Tổng thống Mỹ và là nhà hoạt động xã hội Bill Clinton, tỉ phú Mỹ Donald Trump...
28 trong số 73 người trong danh sách của Forbes là tỉ phú, 30% là người Mỹ và chỉ có 9 phụ nữ. Người trẻ nhất được bình chọn là ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, 31 tuổi.