LTS: Nhằm ôn lại những truyền thống hào hùng của Bộ đội Tăng Thiết giáp, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyến bài những trận đánh và những thành tích ấn tượng của lực lượng này trong các cuộc kháng chiến bào vệ Tổ quốc.
Kỳ 1: Chiến đấu như đặc công, lính tăng Việt Nam lập kỳ tích
Kỳ 2: Chỉ có ở VN: Trung đoàn xe tăng lột xác thành bộ binh cơ giới
Kỳ 3: Mỹ dùng chiến thuật "trâu rừng" tại VN - Gậy ông lại đập lưng ông
Kỳ 4: Trận đấu tăng "1 chọi 10": Kỳ tích của Bộ đội xe tăng Việt Nam
Phối hợp với các chiến trường khác trên toàn miền Nam, BTL Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh từ ngày 31.3.1972, trong đó mục tiêu chủ yếu là tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh để mở đường tiến đánh Kon Tum, mở rộng vùng kiểm soát của ta ở Tây Nguyên.
Sông Pô Kô vẫn chảy xuôi...
Tây Nguyên - phía VNCH gọi là Cao nguyên Trung phần là một dải các cao nguyên có độ cao 500-800 mét trải dài suốt mấy trăm ki-lô-mét, lại giáp giới với Lào và Căm-pu-chia nên còn được gọi là “Mái nhà của Đông Dương”.
Trong con mắt các nhà quân sự từ xưa đều đánh giá rất cao vị trí vùng đất này, họ cho rằng: “Ai làm chủ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ được miền Nam và cả Đông Dương”.
Chính vì vậy, Tây Nguyên trở thành vùng tranh chấp ác liệt giữa các bên, trong đó Đắc Tô-Tân Cảnh là điểm trọng yếu nhất bởi đó chính là căn cứ tiền tiêu của hệ thống phòng thủ Bắc Tây Nguyên bên phía VNCH.
Do vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, Tân Cảnh được xây dựng hết sức kiên cố và vững chắc theo tiêu chuẩn Mỹ.
Đồn trú ở đây gồm có Trung đoàn 42 (gồm 4 tiểu đoàn) của Sư đoàn bộ binh 22, Sở chỉ huy tiền phương sư đoàn, Thiết đoàn 14 (gồm 27 xe tăng và 14 xe bọc thép), cụm pháo binh sư đoàn (10 khẩu).
Cách đó 8 km về phía tây là căn cứ Đắc Tô 2 có 2 tiểu đoàn BB thuộc Trung đoàn 47, 1 chi đội thiết kỵ nhưng mức độ kiên cố thì kém hơn.
Xa hơn nữa là căn cứ biên phòng Bến Hét do lực lượng biệt kích đóng giữ. Với hệ thống công sự vật cản kiên cố, với lực lượng đồn trú hùng mạnh... bọn địch ở Tân Cảnh thường huyênh hoang: “Bao giờ sông Pô Kô chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh được Tân Cảnh”.
Chúng còn viết thành khẩu hiệu căng lên ở cổng chính của căn cứ.
Rạng sáng ngày 24.4.1972, ta đồng loạt tiến công căn cứ Tân Cảnh và Đắc Tô 2. Lực lượng tiến công Tân Cảnh là Trung đoàn bộ binh 66 được tăng cường Đại đội xe tăng 7 và một số bộ phận khác như đặc công, phòng không, tên lửa chống tăng B72...
Lực lượng tiến công Đắc Tô 2 là Trung đoàn 1 của Sư đoàn bộ binh 2. Do tạo được bất ngờ và lựa chọn hướng tiến công chính xác cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội, đến 8 giờ sáng quân ta đã cơ bản làm chủ Tân Cảnh.
Chiếc xe tăng số hiệu 377 và kỳ tích trong trận đánh Đắc Tô - Tân Cảnh ngày 24-04-1972.
Tuy nhiên, tại Đắc Tô 2 tình hình gặp nhiều khó khăn. Địch điều động 2 chi đội xe tăng (10 xe M41) từ Bến Hét theo đường 18 về phản kích đang từng bước đẩy lùi quân ta. Tình thế hết sức nguy cấp.
BTL chiến dịch quyết định điều 1 trung đội xe tăng lên chi viện cho bộ binh ta đánh địch phản kích. Lúc này, Trung đội xe tăng 3 đã hoàn thành nhiệm vụ trên hướng thứ yếu và đang ở gần Đắc Tô 2 nhất nên được chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ này.
Trận “1 chọi 10 lịch sử”
Trung đội xe tăng 3 do thiếu úy Nguyễn Nhân Triển chỉ huy gồm 3 xe tăng: 377, 354, 369 và 1 xe cao xạ tự hành ZSU57-2 số hiệu 472. Xe 377 có 4 thành viên: Nguyễn Nhân Triển-trưởng xe; Cao Trần Vịnh-lái xe; Nguyễn Đắc Lượng-pháo thủ và Hoàng Văn Ái-nạp đạn.
Ngay khi nhận nhiệm vụ Triển lập tức truyền lệnh đến toàn trung đội và lệnh cho lái xe tăng tốc độ hướng về Đắc Tô 2.
Con đường 18 nối Tân Cảnh với Đắc Tô 2 bị hư hỏng nhiều nên cơ động rất khó khăn, khoảng cách giữa các xe ngày càng giãn rộng.
Đến gần Đắc Tô 2, khi quan sát thấy bộ binh ta đang vừa rút lui vừa chống đỡ một cách tuyệt vọng trước đoàn xe tăng hung hãn của địch, sự sống còn của hàng trăm chiến sĩ như trứng để đầu đẳng...
Nguyễn Nhân Triển quyết định không chờ các xe sau đến mà chỉ huy xe lao thẳng vào đội hình địch. Như một con mãnh hổ lao vào giữa đàn sói, xe 377 nhanh chóng bắn cháy 2 xe M41 làm cho quân địch kinh hoàng.
Chúng không dồn ép bộ binh ta nữa mà tổ chức lại đội hình bao vây xe 377 lại và bắn trả liên tiếp. Xe 377 lợi dụng địa hình địa vật đánh trả kiên cường.
Tuy nhiên, “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Sau khi diệt thêm một số xe địch nữa thì xe 377 trúng 3 phát đạn và bốc cháy. Ngay cả khi khói đen đã bốc lên từ tháp pháo, các chiến sĩ BB vẫn thấy 1 phát pháo nữa được bắn ra thiêu cháy 1 xe tăng địch.
Đúng lúc ấy 2 xe 354 và 369 cơ động đến nơi tiếp tục tiêu diệt địch nhưng sau đó bị máy bay bắn hỏng. Đợt phản kích của địch bị chặn đứng, bộ binh ta lao lên làm chủ Đắc Tô 2.
Cho đến giờ, cũng không biết đích xác xe 377 đã bắn hạ bao nhiêu xe địch, chỉ biết rằng sau trận đánh địch bỏ lại 9 xác xe M41 cháy thui, trong đó xung quanh 377 là 7 chiếc, có chiếc chỉ cách 377 chưa đầy 100 mét.
Xác những chiếc xe tăng Mỹ do kíp xe 377 bắn cháy tại trận Đắk Tô.
Hậu chiến
Sau khi tìm kiếm không thấy, đồng thời tham khảo ý kiến các chiến sĩ bộ binh, đơn vị đi đến kết luận: “Tất cả 4 thành viên xe 377 đã hy sinh anh dũng trong xe”, ngày 01.5.1972 một tổ công tác được giao nhiệm vụ đi thu gom hài cốt của các liệt sĩ.
Sau khi loại bỏ hết những mảnh kim loại ngổn ngang họ gạt nước mắt cẩn trọng gom từng chút một tàn tro di cốt của các anh. Tất cả chỉ chưa đầy một ba lô.
Họ mang về đơn vị, chia làm 4 phần và mai táng các anh tại ngọn đồi phía đông bắc Thị trấn Tân Cảnh (nay đã quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Đắc Tô).
Nơi chiến địa khốc liệt ngày ấy hôm nay đã mọc lên một ngôi trường với cái tên “Trường Trung học cơ sở 24 tháng 4” - ngày diễn ra trận đấu “1 chọi 10” huyền thoại.
Còn chiếc xe 377 được đưa về tượng đài chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh. Nghe nói hôm đó, mặc dù hai chiếc máy ủi công suất lớn đã xúm vào kéo đến nỗi đứt cả dây cáp mà nó vẫn trơ như đá, vững như đồng không chịu nhúc nhích một ly.
Dường như nó muốn mãi mãi nằm lại nơi chiến trường đẫm máu ngày nào thì phải. Rồi có ai đó góp ý, Ban tổ chức đã biện một mâm lễ nhỏ và thành kính thắp hương khấn bái xin anh linh các liệt sỹ cho đưa chiếc xe của các anh về nơi trang trọng hơn.
Chẳng biết có phải các anh đồng ý hay không nhưng vừa tàn một tuần nhang, nó đã nhẹ nhàng theo những người lai dắt về vị trí hiện nay như một chú voi Tây Nguyên đã thuần dưỡng theo người quản tượng.
Xe tăng 377 tại Di tích Lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, Kontum).
Cũng trong lúc thu gom di cốt các anh, tổ công tác còn phát hiện một nắm cơm đã cháy đen nằm trên vành tháp pháo. Nắm cơm tiêu chuẩn sáng ngày hôm đó mà kíp xe vẫn chưa kịp ăn vì còn phải gấp gáp cơ động lên chi viện bộ binh.
Qua mấy nghìn độ lửa, những hạt cơm đã cháy thành than, đen ngời, rắn chắc như một tảng kíp-lê. Nắm cơm đó hiện nay nằm trang trọng trong bảo tàng lực lượng Tăng Thiết Giáp Việt Nam ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Nó nằm đấy, giản dị khiêm nhường song cũng đã lấy đi bao nước mắt của những người đã từng một lần tới thăm.
Tuyên dương hành động anh hùng và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, ngày 09 tháng 2 năm 2009, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định số 56/QĐ-CTN, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho kíp xe 377.
Dẫu có muộn màng một chút song chắc rằng ở cõi vĩnh hằng các anh cũng sẽ ngậm cười.