MiG-29K - tiêm kích tàu sân bay cho Không quân Hải quân Việt Nam?

Hoàng Minh |

Ngoài các lực lượng như trực thăng săn ngầm và máy bay tuần thám, KQ Hải quân sẽ cần một loại máy bay tiêm kích để thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt. Liệu MiG-29K có thích hợp?

Trong quá trình hiện đại hóa quân đội, lực lượng Không quân Hải quân (KQHQ) của Việt Nam cũng được tăng cường các trang thiết bị hiện đại như trực thăng săn ngầm Ka-28 hay máy bay tuần thám biển DHC-6.

Tuy nhiên, còn một vị trí đặc biệt quan trọng vẫn chưa được khai thác, đó là máy bay tiêm kích. Song song với việc mua sắm và trang bị Su-30 cho Không quân, lực lượng KQHQ cũng sẽ cần những máy bay tiêm kích hiện đại để tham gia vào thế trận hiệp đồng trên biển.

Một lựa chọn đáng được xem xét vào thời điểm hiện tại chính là dòng máy bay tiêm kích trên tàu sân bay MiG-29K.


MiG-29K với tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến RVV-AE. Ảnh: Airliners.net.

MiG-29K với tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến RVV-AE. Ảnh: Airliners.net.

MiG-29K có gì đáng chú ý?

MiG-29K (K - Корабельный, trên hạm) là máy bay đa nhiệm, có khả năng vận hành trong mọi điều kiện thời tiết, được thiết kế để vận hành trên các tàu sân bay do Nga chế tạo.

Phiên bản MiG-29K có nhiều điểm khác biệt với MiG-29 thông thường.

MiG-29 là máy bay tiêm kích hạng trung, được dùng để chặn kích máy bay đối phương, bảo vệ các khu vực tại hậu phương.

MiG-29 được trang bị tổ hợp điều khiển hỏa lực Phazotron RLPK-29, với radar N019 Sapfir và máy tính Ts100.02-02 , cho phép máy bay phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 70km ở bán cầu trước và 35km ở bán cầu sau.

Ngoài ra loại máy bay này còn có tổ hợp laser đo xa và trinh sát hồng ngoại S-31E2, gần giống loại OLS-27 trên dòng máy bay Su-27. MiG-29 có thể sử dụng các tên lửa như R-27 và R-73, cũng như các loại bom và rocket không điều khiển.

Nhìn chung, MiG-29 nguyên gốc tập trung vào khả năng không chiến đánh chặn, giống như máy bay Su-27S/P.

Trong khi đó, MiG-29K được phát triển trên nền tảng máy bay tiêm kích đa năng MiG-29M và có sửa đổi để phù hợp với vai trò tiêm kích tàu sân bay.

Điểm mấu chốt là MiG-29K có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, như chặn kích báy bay đối phương, tiến công các mục tiêu mặt đất và tàu chiến đối phương bằng các loại vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao.

Để làm được điều này, nhà sản xuất đã thay radar N019 Sapfir bằng radar Zhuk-ME, được phát triển trên nền tảng N010 Zhuk.

Nhờ đó, MiG-29K có thể phát hiện máy bay tiêm kích đối phương từ khoảng cách 120km, gấp rưỡi phiên bản MiG-29B. Zhuk-ME cũng nhìn thấy một chiếc xe tăng từ cách 25km, hay tàu khu trục từ khoảng cách 300km, điều mà N019 Sapfir không thể làm được.

Kích thước khung thân của MiG-29K cũng được tăng lên, giúp máy bay mang được thêm 1,2 tấn dầu so với MiG-29B. Kết hợp với động cơ RD-33K cải tiến, MiG-29K có bán kính chiến đấu khoảng 850km, so với con số 710km của bản gốc.

MiG-29K có thể sử dụng toàn bộ kho vũ khí hiện đại của Nga, với tên lửa không đối không RVV-AE, tên lửa chống hạm Kh-31AD, tên lửa chống radar Kh-31PD, tên lửa Kh-25, Kh-29 và các loại bom có điều khiển.

Số lượng giá treo vũ khí cũng được tăng lên 8, so với chỉ 6 giá treo trên MiG-29B.

Buồng lái của MiG-29K cũng được hiện đại hóa, với 3 màn hình LCD đa năng (7 màn hình trên phiên bản MiG-29KUB). Máy bay được trang bị hệ thống điều khiển điện tử fly-by-wire, tăng độ tin cậy và an toàn hơn nhiều so với bản gốc không có fly-by-wire.

Nhìn chung, từ một loại tiêm kích thế hệ 4 cũ kỹ như MiG-29, tập đoàn MiG đã cho ra đời một loại tiêm kích đa năng thế hệ 4+, đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng hiện nay.


MiG-29K trên tàu sân bay Kuznetsov của Nga.

MiG-29K trên tàu sân bay Kuznetsov của Nga.

Lựa chọn sáng giá cho KQHQ Việt Nam

Có nhiều lý do khiến MiG-29K là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí tiêm kích trong lực lượng KQHQ Việt Nam tương lai.

Thứ nhất, MiG-29K là loại máy bay đa nhiệm, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong xu thế hướng tới tác chiến biển đảo của Việt Nam, các loại máy bay tiêm kích đa năng với hệ thống vũ khí hiện đại sẽ là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Với bán kính tác chiến 850km, hoặc hơn 1300km nếu mang thùng dầu phụ, MiG-29K có thể thực hiện những đòn đánh rất bất ngờ và hiểm hóc vào lực lượng của đối phương từ những hướng khó lường nhất.

Máy bay có thể cất cánh từ những căn cứ dọc chiều dài đất nước, bay bám biển với sự trợ giúp của mạng lưới dẫn đường, áp sát mục tiêu và tấn công với các loại vũ khí có tầm bắn từ 70-110km, sau đó thoát ly và trở về sân bay một cách an toàn.

Thứ hai, so với Su-30MK2 hay Su-30SM, MiG-29K có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn. Loại máy bay này có thể triển khai từ những sân bay dã chiến, với độ dài đường băng ngắn và không có sự chuẩn bị từ trước.

Thậm chí MiG-29K cũng có thể xuất kích từ những đoạn đường cao tốc tốt hơn Su-30. Cùng chung ưu điểm này là MiG-35, nhưng MiG-29K có một khả năng vượt trội hơn người anh em của mình.

Hệ thống cánh của MiG-29K có thể gập lại để giảm diện tích chiếm dụng trên tàu sân bay. Nhờ đó, với cùng một diện tích mặt sàn, số lượng MiG-29K được triển khai sẽ lớn hơn MiG-35.

Điều này sẽ rất có ích khi cất giấu máy bay, chờ thời cơ xuất kích tiến công đối phương.

MiG-29K được trang bị móc hãm để rút ngắn khoảng cách hạ cánh. Ở nhiều nước, các sân bay quân sự đều được trang bị hệ thống cáp hãm tương tự tàu sân bay để dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, điều này có thê giúp đối phương phát hiện căn cứ dã chiến của MiG-29K. Do vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể yêu cầu nhà sản xuất loại bỏ thiết bị này.

Thứ ba, phiên bản huấn luyện MiG-29KUB cũng được trang bị đầy đủ các hệ thống radar và vũ khí, bảo đảm giữ nguyên khả năng tác chiến so với bản MiG-29K một chỗ ngồi. Đây là một ưu điểm không có mặt trên phiên bản MiG-29 thông thường.

Nó phù hợp với lực lượng KQHQ Việt Nam nói riêng và KQ nói chung, vốn đang trọng dụng mẫu tiêm kích hai chỗ ngồi như Su-30, thay vì loại một chỗ ngồi như Su-27.

Thứ tư, hiện nay MiG-35 vẫn chưa có khách hàng đặt mua, nhất là sau khi thất bại tại cuộc đấu thầu MRCA của Ấn Độ. Gần đây nhất chỉ có Ai Cập tỏ ý sẵn sàng mua 46 máy bay MiG-35, nhưng các cuộc thương thảo vẫn chưa đi tới đâu.

Điều đó khiến giá bán của MiG-35 bị đội lên khá cao, không kém gì những tiêm kích hạng nặng như Su-30. Về phần mình, MiG-29K đang có hàng loạt đơn hàng từ phía KQHQ Nga và Ấn Độ.

Nhờ đó, chi phí sản xuất sẽ được giảm đi rất nhiều và Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng tận dụng ưu thế giá các đơn đặt hàng này.


Liệu MiG-35 sẽ có triển vọng sáng sủa ở Việt Nam?

Liệu MiG-35 sẽ có triển vọng sáng sủa ở Việt Nam?

Vẫn còn một số điểm bất cập

Đầu tiên chính là việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ cho máy bay. Hiện nay Việt Nam chủ yếu vận hành các loại tiêm kích phản lực của Sukhoi như Su-22, Su-27 và Su-30.

Việc trang bị MiG-29K sẽ buộc Quân chủng PKKQ đầu tư huấn luyện nhân sự (phi công và cán bộ kỹ thuật) cho dòng máy bay hoàn toàn mới, cũng như mua sắm trang thiết bị phù hợp với loại máy bay này.

Bên cạnh đó, MiG-29K sử dụng kết cấu cánh gập nên yêu cầu bảo dưỡng cũng cao hơn so với máy bay cánh cố định.

MiG-29K gần giống với một loại tiêm kích hạng trung, nên chi phí vận hành sẽ cao hơn nhiều so với những chiếc MiG-21 hay Su-22 một động cơ. Cùng với đó là bài toán về tiêm kích đánh chặn thay thế MiG-21 cũng chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

MiG-29K xứng đáng được xem xét nếu Việt Nam có nhu cầu hiện đại hóa và nâng cao năng lực tác chiến cho Không quân Hải quân. Trong tình hình MiG-35 vẫn còn quá xa vời, việc trang bị MiG-29K xem chừng là một lựa chọn khả dĩ và hợp lý nhất hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại