Su-30SM liên tiếp chói sáng, xứng đôi cùng với Su-30MK2 Việt Nam

Bình Nguyên |

Không trực tiếp tấn công IS, nhưng sự xuất hiện của những "ông ba mươi" Su-30SM tại Syria đã khiến khiến những cái "đầu nóng" trong lãnh đạo quân sự Mỹ-NATO phải giảm nhiệt.

Su-30SM chói sáng sau 2 màn trình diễn tuyệt hảo

Ở đâu ra mà Su-30SM có tới 2 màn trình diễn chói sáng? Chắc chắn sẽ có nhiều bạn đọc thắc mắc như vậy khi dòng tiêm kích đa năng này của Nga mới chỉ tham chiến lần đầu ở Syria. Xin thưa rằng:

Trước hết, đúng là Su-30SM lần đầu tham chiến ở Syria. Tất nhiên, các máy bay này chưa hề thực chiến tại Syria bởi chúng đóng vai trò trực ban phòng không và hộ tống các máy bay của KQ Nga xuất kích diệt các mục tiêu của IS và các lực lượng đối lập với TT Assad.

Các phi công Mỹ được lệnh "nhịn" máy bay Nga hết cỡ nếu vô tình, hoặc ngẫu nhiên chạm trán trên bầu trời Syria. Mỹ đã khôn ngoan tránh các xung đột trên không, bởi nếu bất kỳ bên nào ra tay trước, rất có thể sẽ bùng phát cuộc chiến giữa 2 cường quốc mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, ngoài các lý do chính trị, thì chỉ cần một số lượng nhỏ "ông ba mươi" Su-30SM như một nhân tố đặc biệt quan trọng, đã khiến các cái "đầu nóng" trong giới chức lãnh đạo quân sự Mỹ-NATO phải giảm nhiệt.

Gần đây nhất, Su-30SM xuất kích bám sát một máy bay không người lái tiến công MQ-9 Reaper của Không quân Mỹ trên không phận Syria, phi công Nga đã không khóa bắn mặc dù họ có thừa khả năng diệt nó, thậm chí chỉ cần dùng pháo 30mm là đủ.

Điều đáng nói, tốc độ bay hành trình của MQ-9 Reaper khá thấp, chỉ cỡ trên 300km/h (tối đa 482km/h), thế nhưng Su-30SM vẫn "lầm lũi" bay sau giám sát nó trong một thời gian dài, điều mà ít có máy bay chiến đấu thế hệ 4 nào của phương Tây làm được.

Chứng tỏ, độ ổn định về khí động học của Su-30SM cực tốt, nó có thể đánh chặn các mục tiêu bay siêu âm nhưng cũng lại là "khắc tinh" của các mục tiêu bay cỡ nhỏ, tốc độ chậm.


Su-30SM làm nhiệm vụ trực ban phòng không và hộ tống các máy bay của KQ Nga xuất kích diệt các mục tiêu của IS tại Syria.

Su-30SM làm nhiệm vụ trực ban phòng không và hộ tống các máy bay của KQ Nga xuất kích diệt các mục tiêu của IS tại Syria.

Thứ hai, màn trình diễn khác của Su-30SM thậm chí còn chói sáng hơn cả ở Syria. Đó là Su-30MKI của Ấn Độ (tiền thân của Su-30SM Nga) đã đả bại một trong những máy bay tiêm kích thế hệ 4+ hàng đầu châu Âu là EF-2000 Euro Fighter của Không quân Hoàng gia Anh.

Sẽ có người cho rằng gán chiến công của Su-30MKI cho Su-30SM là chưa thỏa đáng, nhưng khách quan mà nói thì chẳng có gì là khập khiễng ở đây cả.

Bởi lẽ, nhờ kế thừa những đặc tính khí động học tuyệt vời, radar hàng không nâng cấp cùng nhiều trang thiết bị mới, chắc chắn Su-30SM sẽ còn mạnh hơn cả Su-30MKI. Chính vì thế người ta đã ví Su-30SM như là "món quà quý" mà Ấn Độ tặng cho Nga.

Trước đó, Su-30MKI cũng khiến cho các máy bay tiêm kích F-15 "tơi tả" trong các cuộc tập trận chung Mỹ - Ấn, phi công Mỹ cũng phải lắc đầu lè lưỡi trước khả năng đánh quần vòng siêu hạng của Su-30MKI, điều mà các phi công Anh mới vừa được nếm trải.

Do vậy, nếu Việt Nam có quan tâm đến Su-30SM âu cũng là điều dễ hiểu.


Su-30MKI (tiền thân của Su-30SM) đã thắng tuyệt đối tiêm kích EF-2000 (phía xa) với tỷ số 12-0.

Su-30MKI (tiền thân của Su-30SM) đã thắng tuyệt đối tiêm kích EF-2000 (phía xa) với tỷ số 12-0.

Động lực nào thúc đẩy Việt Nam nên mua Su-30SM?

Như đã biết, các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 hiện có trong biên chế Không quân Việt Nam có khả năng tiêm kích phòng không, đánh đất bằng vũ khí có điều khiển chính xác, làm nhiệm vụ diệt hạm cũng tốt, nhưng chúng thiên về làm nhiệm vụ trên biển nhiều hơn.

Trong khi đó, khi những cánh én bạc huyền thoại MiG-21 "lui về ở ẩn", nhiệm vụ tiêm kích phòng không phần nào đặt lên các máy bay Su-22M/M4 và nhất là đối với Su-30MK2 trong khi chúng đáng ra phải được tập trung cho hướng biển nhiều hơn.

Thế nên, tất yếu trong thời gian gần, Không quân Việt Nam cần được bổ sung thêm các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ mới nhằm:

- Giảm bớt nhiệm vụ tiêm kích phòng không cho Su-22M/M4, vì đây vốn không phải là tính năng vượt trội của chúng để tập trung nhiệm vụ tiêm kích bom thiên về đánh biển, đánh đất theo đúng thiết kế và đặc tính kỹ chiến thuật của dòng máy bay này.

- Giảm tải nhiệm vụ tiêm kích phòng không cho các máy bay Su-30MK2. Địa hình nước ta trải dài, nhiều đồi núi, mặc dù đã được trang bị một số máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2, nhưng nhiệm vụ đặt ra với các đơn vị được trang bị loại máy bay này rất nặng nề.

Do vừa phải làm nhiệm vụ trọng tâm là sẵn sàng chi viện biển đảo, vừa phải trực ban phòng không và thực hành tác chiến quân binh chủng hợp thành trên đất liền, trong khi số lượng hiện có không nhiều, các đơn vị được trang bị Su-30MK2 chắc chắn sẽ rất vất vả.


Biên đội Su-30SM của Không quân Nga bay trình diễn.

Biên đội Su-30SM của Không quân Nga bay trình diễn.

Như vậy, máy bay tiêm kích mới mà Việt Nam nên mua sẽ phải là loại đa năng, có khả năng đối không, đối đất, đối hải tốt, nhưng thiên về tiêm kích phòng không và có khả năng đánh quần vòng, đánh gần tốt hơn.

Rõ ràng, sau những màn trình diễn chói sáng, với tính năng ưu việt Su-30SM đáp ứng hoàn hảo các yêu cầu kể trên, xứng đáng là cặp bài trùng hoàn hảo với các máy bay Su-30MK2 hiện có của Quân chủng PK-KQ.

Chỉ có điều, giá của Su-30SM có thể đắt hơn so với Su-30MK2 một chút, nhưng bù lại "tiền nào, của ấy", bởi nó kế thừa hoàn hảo những tính năng ưu việt nhất của Su-30MKI và còn được phát triển, nâng cấp lên một tầm cao mới.

Su-30SM và Su-30MK2 sẽ phối hợp, bổ sung cho nhau, trong đó Su-30SM có thể là lực lượng tạo ra đột biến, giúp chuyển hóa thế trận, sẵn sàng đánh bại bất cứ kẻ địch nào âm mưu xâm phạm vùng trời, vùng biển và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc.

Đồng thời, cặp bài trùng này sẽ cùng các lực lượng khác tạo thành thế trận phòng không quốc gia, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, theo đúng định hướng tiến thẳng lên hiện đại đã đề ra của Quân chủng PK-KQ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại