Đặc công "xuất quỷ - nhập thần" - Một trận đánh và 4 tủ hồ sơ

Chuyên gia Quân sự Minh Quân |

Báo Phương Đông ở Sài Gòn đăng một tít lớn “Chưa biết Việt Cộng đặt súng ở đâu” và “Tổng trấn Sài Gòn ra lệnh đóng tất cả các trạm xăng”.

Thế nào là đặc công căn cứ?

Trong Binh chủng đặc công có một lực lượng được gọi là đặc công căn cứ hay còn gọi là đặc công chuyên trách.

Đó là những đơn vị đặc công chuyên bám đánh những mục tiêu quan trọng của đối phương như sân bay, bến cảng, kho tàng... trên địa bàn có ý nghĩa chiến lược, chiến dịch.

Những đơn vị đặc công này thường luồn sâu, áp sát những căn cứ của địch, có khi họ ở ngay sát nách những mục tiêu mà họ được phân công bám đánh.

Đặc công chuyên trách có một lợi thế, do chuyên trách đối với một hoặc vài mục tiêu cụ thể nên các đơn vị đặc công này có điều kiện trinh sát nắm rất chắc về mục tiêu từ lực lượng, phương tiện, cách bố trí đến quy luật hoạt động...

Trên cơ sở đó, đơn vị đặc công căn cứ có thể xây dựng nhiều phương án tác chiến được chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, lực lượng này lại có những khó khăn riêng.

Vì bị đánh đi đánh lại nhiều lần nên địch thường xuyên thay đổi cách bố phòng, canh gác, cứ sau mỗi lần bị đánh, chúng lại mau chóng rút kinh nghiệm và đưa ra những cách đối phó mới hòng chống lại đặc công ta.

Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho việc điều nghiên, trinh sát để lên kế hoạch cũng như cho việc tiềm nhập thực hiện trận đánh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, có một đơn vị đặc công chuyên trách mà những chiến công của họ đã trở thành huyền thoại, đó là Đoàn Đặc công 10 - Đặc công Rừng Sác.


Mô hình chiến sĩ Đặc công Rừng Sác.

Mô hình chiến sĩ Đặc công Rừng Sác.

Trận đánh huyền thoại và 4 tủ hồ sơ

Trong các trận đánh huyền thoại của họ, có một trận đánh mà mãi đến khi chiến tranh kết thúc đối phương cũng vẫn không tìm ra được sự thật, đấy là trận đánh vào Kho xăng Nhà Bè đêm mùng 2 rạng sáng ngày mùng 3 tháng 12 năm 1973.

Kho xăng dầu Nhà Bè là một hệ thống kho hoàn chỉnh nằm cạnh sông Nhà Bè, là nơi để hàng của ba hãng nhiên liệu nổi tiếng Caltex, Shell và Esso.

Trong đó, Shell là kho lớn nhất, rộng 14 héc-ta. Hàng loạt kho chứa nguyên liệu lỏng (xăng, nhớt) phục vụ chiến tranh của các công ty tư bản nước ngoài nằm dọc sông Nhà Bè với sức chứa lớn, đủ cung cấp cho cả chiến trường Nam Ðông Dương.

Quân cảng Nhà Bè nằm giữa vùng tiếp giáp hai xã Phú Mỹ và Phú Xuân, là nơi Pháp, rồi Mỹ chuyên dùng nhập các hàng quân sự. Một bộ phận bến ke (quai) và bến đậu của cảng Sài Gòn nằm trên đất Tân Thuận với dãy kho hàng đồ sộ.

Lúc bấy giờ kho được ví như cái "dạ dày nhiên liệu" của Mỹ-nguỵ.

Do tầm quan trọng của nó, nên kho Shell được bảo vệ một cách đặc biệt: 12 lớp hàng rào song sắt, hàng rào chẻ ba thả dây thép gai bùng nhùng cao 3,5m rồi chó nghiệp vụ, ngỗng, mìn, pháo sáng, hệ thống đèn pha, tháp canh...

Ngoài việc Kho xăng Nhà Bè là một trong những kho được ưu tiên hàng đầu về phòng thủ với hệ thống cấu trúc “có chiều sâu”, với lực lượng trực chiến có phương tiện phản ứng cực nhanh, hiện đại.

Đặc biệt, nó còn là nơi có mạng lưới an ninh, cách quản lý nhân công hết sức chặt chẽ. Ai làm việc này ở đây phải được cấp thẻ đeo, sau khi đã được cơ quan Cảnh sát Quốc gia nghiên cứu lý lịch. Vào vòng hai phải có Giấy phép đặc biệt do cơ quan Cảnh sát khu cấp.

Vòng trong cùng, khu vực bồn chứa, chỉ có 7 công nhân được vào làm việc giới sự kiểm soát của 13 tên An ninh.

Cuối năm 1973, trong tình hình chiến trường ngoại thành Sài Gòn cần có những đột phá lớn, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định đánh phá Kho xăng Nhà Bè. Ðể thực hiện nhiệm vụ táo bạo này,  đội 5, Đoàn Đặc công 10 Rừng Sác đã được “chọn mặt gửi vàng”.


Các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm.

Các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm.

Ðể bảo đảm chắc thắng, có hiệu suất cao trong chiến đấu, tổ trinh sát do đồng chí Hà Quang Vóc phụ trách, đã 14 lần bơi qua lòng sông rộng, có mực nước sâu, luồn lách ở nhiều hướng.

Các anh đã vượt qua nhiều tuyến phòng thủ, khắc phục tất cả các loại vật cản, đột nhập vào Kho xăng Nhà Bè để nghiên cứu, tìm hiểu cách bố phòng và quy luật đi lại hoạt động của địch.

Sau nhiều ngày được giao thực hiện thật kỹ cho công tác chuẩn bị, đêm 2 rạng ngày 3 tháng 12 năm 1973, đội 5 của đặc công Rừng Sác đã tổ chức một mũi gồm  tám cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Hà Quang Vóc chỉ huy.

Mũi đã bí mật vượt sông Nhà Bè và cả hệ thống đồn bốt địch bố phòng, ngăn chặn vòng ngoài và nhiều tuyến phòng thủ kiên cố của chúng ở  bên trong.

Trong quá trình thâm nhập vị trí, các chiến sĩ đội 5, đặc công Rừng Sác đã ba lần chạm trán với địch, nhưng các anh đã mưu trí và lợi dụng sự sơ hở của chúng, đưa toàn bộ lực lượng vào đúng mục tiêu.

Họ đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất là đặt hàng loạt lượng thuốc nổ TNT có sức công phá lớn áp sát vào các bồn xăng lớn của địch.

Ðúng 2 giờ 15 phút sáng 3-12-1973, tất cả 43 bồn xăng của địch đã nổ tung, bốc cháy dữ dội, làm sáng rực chung quanh Nhà Bè và náo động cả TP Sài Gòn.


Hình ảnh kho xăng Nhà Bè bốc cháy khi bị Đặc công Rừng Sác tiến công, do phía Mỹ chụp.

Hình ảnh kho xăng Nhà Bè bốc cháy khi bị Đặc công Rừng Sác tiến công, do phía Mỹ chụp.

Ðể cứu hỏa, trung tướng ngụy quyền Sài Gòn Phạm Quốc Thuần, Tư lệnh Quân khu 3 và Quân đoàn 3 phải trực tiếp đến tận nơi để chỉ huy cứu chữa.

Lúc này dù trong đêm đen, nhưng chúng đã vội vã điều thêm lực lượng cứu hỏa từ Sài Gòn về, kể cả máy bay để yểm trợ. Tuy thế, dù huy động tối đa, song cũng không thể dập tắt được biển lửa ngày càng bốc cao và lan rộng cả lòng sông Sài Gòn.

Lửa cháy trong Kho xăng Nhà Bè và trên sông Sài Gòn kéo dài suốt 9 ngày đêm, thiêu hủy gần 200 triệu lít xăng, một tàu dầu 12 nghìn tấn, một nhà máy trộn nhớt...

Sáng hôm xảy ra trận đánh, trên trang đầu báo Độc Lập của Chính quyền Sài Gòn, nổi bật hàng chữ “Suốt 48 phút sáng Thứ Hai, ngày 3 tháng 12 năm 1973, kho xăng Nhà Bè bị pháo kích 49 quả đạn…”.

Ở Bộ Quốc phòng Quân đội Sài Gòn, ngay sau vụ nổ xảy ra, đã diễn ra một cuộc họp khẩn cấp.

Một “Uỷ ban điều tra hỗn hợp” được thành lập, gồm các quan chức tai to mặt lớn của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, Bộ chỉ huy Cảnh sát Biệt khu Thủ đô, Cục An ninh Quân đội, do tên Trung tướng Lê Nguyên Khang cầm đầu.

Tham dự cuộc họp này, có cả sự tham gia của Cơ quan tình báo Mỹ - CIA - tại Sài Gòn.

Đọc được những tin này, bộ đội đặc công Rừng Sác được trận cười hả dạ “Cho chúng mày mò kim đáy biển!”. Tuy nhiên, lúc đó các chiến sĩ ta vẫn chưa lường được giới chóp bu Sài Gòn đã đau đầu như thế nào.

Phải sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 mới thấy hết được điều đó: khi ta vào tiếp quản cơ quan Bộ Quốc phòng Sài Gòn (ở số 43 Gia Long, nay là 63 Lý Tự Trọng), chiến sĩ ta phát hiện hồ sơ “Vụ án kho Shell Nhà Bè” chất đầy đến bốn tủ sắt to!

Qua hàng trăm dấu hỏi trong bốn tủ sắt hồ sơ, chúng rút ra được một kết luận còn “bảo lưu”, nhưng chỉ mới suýt soát đúng một nửa: “Đây là một trận đánh do một nội tuyến kết hợp với đặc công Việt Cộng thực hiện” (kết luận trong biên bản mang ký hiệu 0481/TTLQ/ĐT).

Sự biến hóa "xuất quỷ - nhập thần" của những chiến sĩ đặc công Rừng Sác càng làm cho kẻ thù thêm “ăn không ngon, ngủ không yên” và đã góp phần không để làm thay đổi cục diện trên chiến trường.

Đây có thể coi là một trong những trận đánh tiêu biểu cho tiêu chí “đánh hiểm, thắng lớn” của Bộ đội Đặc công Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại