ĐÁP ÁN:
Phải chăng Hoa Kỳ ít coi trọng phòng thủ bờ biển?
Trong lịch sử, Hoa Kỳ vẫn có một lực lượng phòng thủ bờ biển hoàn thiện với các pháo đài kiên cố nhằm bảo vệ các hải cảng quan trọng. Vào cuối thế kỷ 19, họ đã bắt đầu hình thành các khẩu đội pháo để bảo vệ các thương cảng quan trọng của họ.
Năm 1882 đánh dấu Hoa Kỳ chính thức có các khẩu đội pháo bờ biển đầu tiên với loại pháo cỡ nòng 10 inches được đưa vào trang bị hàng loạt để bảo vệ bờ biển, hải cảng trước các cuộc tấn công của kẻ thù giả định.
Đến 1901, Hoa Kỳ chính thức thành lập Quân chủng Pháo bờ biển, gọi là United States Army Coast Artillery Corps. Lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, hải cảng trước các cuộc tấn công bằng tàu chiến và máy bay địch.
Họ vận hành các khẩu đội pháo bờ biển, pháo phòng không, tàu rải thuỷ lôi và pháo đặt trên các toa tàu hoả. Quân chủng này tích cực tham gia cả hai cuộc Chiến tranh thế giới và phát triển ngày càng hiện đại.
Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, vì sự thay đổi Học thuyết Hải quân Hoa Kỳ mà lực lượng này chỉ còn lại các khẩu đội phòng không bờ biển. Đến năm 1950 thì United States Army Coast Artillery Corps chính thức giải tán.
Sau đó, các lực lượng pháo phòng không vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển.
Sự phát triển này là căn cứ trên Học thuyết Chiến tranh khi nước Mỹ lúc bấy giờ xác định họ luôn đối mặt với 2 cuộc chiến tranh là: chiến tranh chống Chủ nghĩa xã hội lan ra khắp thế giới và cuộc chiến tranh xâm lược nước Mỹ.
Với sự lớn mạnh của hải quân Hoa Kỳ, nhiệm vụ chiếm lĩnh mặt nước trên các đại dương không còn là vấn đề với họ.
Tuy nhiên, sự phát triển của lực lượng không quân chiến lược cũng như lực lượng tên lửa tấn công hạt nhân liên lục địa của Liên Xô, luôn đặt nước Mỹ trước nhu cầu phòng thủ trên không hơn là phòng thủ mặt nước gần bờ.
Thực tế, lực lượng phòng thủ ven bờ của Mỹ phát triển và biến tướng đi thành lực lượng tên lửa phòng không ven bờ. Họ phát triển các loại tên lửa rất tiên tiến thời bấy giờ như MIM-3 Nike Ajax, MIM-14 Nike Hercules, LIM-49 Zeus…
Các tên lửa này hoặc mang đầu đạn rất lớn, hoặc mang đầu đạn hạt nhân để đánh thẳng vào đội hình các máy bay ném bom Liên Xô khi nó tiếp cận tấn công nuớc Mỹ bằng chỉ một phát bắn hay đánh chặn các tên lửa vượt đại châu mang đầu đạn hạt nhân.
Khi mà pháo bờ biển dần đi vào các bảo tàng và các pháo đài vang bóng một thời dần trở thành phế tích, các tên lửa như MIM-3, MIM-14 với đầu đạn công suất cao và phương thức dẫn đường bằng sóng radio cũng có thể đánh vào các tàu chiến nếu nó buộc phải làm thế.
Nó vừa làm nhiệm vụ chính là phòng không nhưng vẫn có thể thay thế tốt hơn vai trò của các khẩu pháo bờ biển trước đó khi cần thiết.
Tức ở một mức độ sơ khai, cũng có thể xem các tên lửa như MIM-3 hay MIM-14 là các tên lửa có thể chống tàu phóng từ bờ đầu tiên của Hoa Kỳ cho đến nay.
Theo thời gian, sự lớn mạnh của các biên đội tàu sân bay Hoa Kỳ cùng các liên đội không quân hạm mà nó mang theo cũng làm giảm bớt nguy cơ về một cuộc tập kích ồ ạt bằng máy bay vào nước họ.
Thay vào đó, nguy cơ chính đối với Hoa Kỳ lớn dần với các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Chính vì thế, lực lượng phòng thủ bờ biển Hoa Kỳ lại chuyển dần sang nhiệm vụ chính là đánh chặn các ICBM với các thế hệ tên lửa Nike khác nhau.
Cho đến giữa năm 1972, khi hiệp ước ABM được ký kết giữa Liên Xô và Mỹ, các hệ thống tên lửa mà Hoa Kỳ dày công phát triển này lại bị loại biên.
Ngày nay, khi Nga và cả Trung Quốc đang vươn mình ra các đại dương, trong điều kiện ngân sách ngày càng eo hẹp, vị thế độc tôn của Hải quân Hoa Kỳ đang có nguy cơ không còn như ở nửa cuối thế kỷ 20.
Việc Hải quân Hoa Kỳ cho khôi phục lại hoạt động của Hạm đội 4 vào năm 2009 cho thấy họ đánh giá cao nguy cơ vùng nước gần nước bờ biển của Hoa Kỳ, nơi mà họ sẽ khó bình định trong tương lai.
Ngày 15 tháng 10 năm 2014, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ lúc bấy giờ lại đề nghị Lục Quân Hoa Kỳ phụ trách các công tác phòng thủ bờ biển với các tên lửa dẫn đường tầm xa để giải phóng bớt nhiệm vụ cho Hải quân.
Nếu ý tưởng này được kế tục, lực lượng tên lửa bờ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục trong quá trình thai nghén.
Từ học thuyết
Hải quân Hoa Kỳ cho đến trước khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc được xem như mô thức rập khuôn của Hải Quân Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng của Hải Quân Nhật đã làm thay đổi sâu sắc Học thuyết Hải quân Hoa Kỳ để dẫn họ theo lối đi riêng đến tận ngày nay.
Các thiết giáp hạm xung kích trên biển đã dần nhường chỗ cho các biên đội tàu sân bay chiếm lĩnh mặt nước và bầu trời trên biển. Nó giúp đẩy các cuộc xung đột trên biển và trên không ra xa nước Mỹ hơn.
Câu mở đầu cho sứ mệnh hải quân hoa kỳ rằng “Sứ mệnh của Hải quân là duy trì, huấn luyện và trang bị cho các lực lượng hải quân sẵn sàng chiến đấu và có khả năng chiến thắng chiến tranh, ngăn chặn hành động gây hấn và duy trì sự tự do trên biển”.
Các tân binh luôn phải thuộc lòng rằng “Sứ mệnh của Hải quân Hoa Kỳ là bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ và đồng minh của chúng ta trong việc đi lại tự do trên đại dương và bảo vệ quốc gia chúng ta chống lại kẻ thù của quốc gia chúng ta”.
Như vậy có thể khẳng định hải quân Hoa Kỳ mang sứ mệnh chiến đấu toàn cầu.
Với việc thành lập các hạm đội sau chiến tranh với vùng nước phụ trách trãi rộng khắp tất cả các đại dương trên thế giới, Hải Quân Hoa Kỳ khẳng định nhiệm vụ chiếm lĩnh và kiểm soát toàn bộ mặt nước các đại dương thế giới, trong đó có Đại Tây Dương và Thái Bình Dương tiếp giáp nước Mỹ.
Nhiệm vụ kiểm soát mặt nước và các lực lượng vũ trang khác trên mặt nước được giao cho các bộ tư lệnh với lực lượng được cung cấp từ các hạm đội trú đóng khắp nơi trên thế giới.
Sự kiện 11/9/2001, lại một lần nữa làm thay đổi Học thuyết Quân sự Hoa Kỳ. Họ xác định lại mục tiêu chiến đấu của Quân đội Hoa kỳ là cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ nước Mỹ và đồng minh.
Lực lượng tên lửa bờ Hoa Kỳ lại thêm một lần không có cơ hội hình thành.
Kết luận
Như vậy, từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, bất kỳ lực lượng quân sự nào muốn tiếp cận nước Mỹ từ biển bắt buộc phải vượt qua sức mạnh toàn cầu của Hải Quân Hoa Kỳ đang chiếm lĩnh và bảo an tất cả các đại dương.
Do đó, nhiệm vụ diệt tàu mặt nước có thể gây phương hại cho Hoa Kỳ là nhiệm vụ của các hạm đội Hải Quân mà nòng cốt là các biên đội tàu sân bay và liên đội không quân hạm, không quân hải quân.
Họ sẽ đánh trả các cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang Hoa Kỳ ở những nơi càng xa biên giới nước Mỹ càng tốt. Cho nên lực lượng tên lửa bờ đối với Hoa Kỳ là không cần thiết.
CÔNG BỐ TRAO GIẢI:
Có tới 4 bạn gồm Khac Nhan Le, Lê Chí Hiếu, Thi, Nguyễn Xuân Tiến, lọt qua vòng sơ khảo với những câu trả lời tương đối hoàn chỉnh.
Sau khi cân nhắc kỹ, Nhóm chuyên gia quân sự quyết định chọn ra 2 câu trả lời tốt hơn của các bạn đọc Khac Nhan Le và Lê Chí Hiếu để bỏ phiếu.
Kết quả, bạn Khac Nhan Le được 2 phiếu, bạn Lê Chí Hiếu được 3 phiếu. Xin chúc mừng bạn Lê Chí Hiếu được trao giải lần này. Chúng tôi cũng đánh giá cao và trân trọng sự đóng góp nhiệt tình của các bạn Khac Nhan Le, Thi, Nguyễn Xuân Tiến và nhiều bạn khác.
Chuyên gia quân sự Nam Hoài, người bỏ phiếu cho bạn Khac Nhan Le cho biết:
"Tôi bỏ phiếu cho bạn ấy dù câu trả lời chưa phải là hoàn hảo nhất, mà vì bạn có cái nhìn toàn diện về địa - chính trị - quân sự" điều mà bất kỳ ai chuyên về quân sự đều phải thuộc nằm lòng. Một phiếu này nhằm khuyến khích bạn.
Thật tiếc là bạn ấy chưa bung hết sức, nhẽ ra bạn có thể viết sâu hơn để vượt hẳn lên. Dù sao thì tôi cũng tôn trọng kết quả bỏ phiếu, bởi bạn Lê Chí Hiếu cũng rất xuất sắc.
Qua đây, mong các bạn khi trả lời câu hỏi hãy cố gắng hơn, hãy vượt qua Lê Chí Hiếu và bạn đọc Thi - những người luôn có tên trong danh sách bình chọn cuối cùng. Chúng tôi luôn chào đón các bạn".
Dưới đây là câu trả lời của 4 bạn
Bạn đọc Khac Nhan Le (14h23, ngày 26-10-2015 · TP HCM):
1, Về mặt địa lí:
Nước Mĩ thuôc châu Mĩ nhằm tách xa và riêng biệt đồi với phần còn lại của thế giới. Các nước châu Mỉ thì không có nước nào là kẻ thù trực tiếp hoặc đủ khả năng để tấn công nước Mĩ.
Trừ Cuba, cho nên khi Liên xô đặt tên lửa ở đây thì Mĩ rất quyết liệt ngăn chặn (tuy nhiên ngày nay Cuba và Mĩ đã bình thường hóa quan hệ).
2, Về mặt quân sự:
Các nước còn lại trên thế giới nếu muốn tấn công Mĩ thì quá xa, hoặc không đủ khả năng quân sự.
Tuy nhiên một vài nước vẫn có thể tấn công Mĩ bằng tên lửa xuyên lục địa, (Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran ) hoặc tàu chiến, máy bay ném bom tầm xa hoặc tàu ngầm, tàu sân bay (cái này chỉ có Nga làm được).
Biết rõ điều đó nên Mĩ đã xây dựng 1 loạt hệ thống phòng thủ tầm xa nhiều tầng nhiều lớp (bao gồm radar, vệ tinh, tàu sân bay, tên lửa đánh chặn....) vây quanh các nước được xem là kẻ thù của Mĩ như: Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran... và các căn cứ quân sự thì nằm khắp nới trên thế giới.
Khi phát hiện bị tấn công:
- Hệ thống phòng thủ tầm xa sẽ kích hoạt và tiêu diệt ngay đối tượng.
- Hệ thống tấn công (các căn cứ quân sự trong và ở nước ngoài): Tàu sân bay, máy bay ném bao, tên lửa xuyên lục địa... sẽ tấn công phủ đầu đối thủ để đồi thủ không còn khả năng tấn công tiếp.
3, Về mặt Chính trị:
Với học thuyết quân sự "phòng thủ từ xa" nước Mĩ luôn luôn tìm cách tiếp cận và ngăn chặn (bằng chính trị như cấm vận Triều Tiên và cả vũ lực như tấn công Iraq) các nước đối địch tìm cách phát triển vũ khí có thể tấn công nước nước Mĩ như Irac, Iran, Triều tiên...và ngay cả một số nước là đồng minh như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật.
Ngoài ra với một liên minh quân sự Nato hùng hậu thì việc 1 quốc gia nào có ý định tấn công nước Mĩ thì cần phải cân nhắc lại.
Điều đó nhằm bảo vệ nước Mĩ từ xa và từ trước, hiện nay Mĩ đang làm được điều đó nên có lẽ họ không cần phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển
Bạn đọc Lê Chí Hiếu (19h31, ngày 26-10-2015):
Thật thú vị khi biết Mỹ và Australia lại không có lực lượng chống tàu chiến bằng tên lửa bờ.Tuy nhiên điều này rất dễ hiểu và hợp lý đối với một quốc gia có phương châm chiến lược quân sự là "Hải- không quân" mạnh như Mỹ.
#.Hải quân:
Không có gì ngạc nhiên khi Hải quân Mỹ xếp đầu bảng. Cho đến nay Hải quân Mỹ sở hữu nhiều tàu nhất so với bất cứ hải quân nào khác trên toàn cầu. Mức độ đa dạng trong nhiệm vụ và trách nhiệm của lực lượng này cũng là lớn nhất thế giới.
Không một hải quân nào khác có tầm vươn toàn cầu lớn bằng của Hải quân Mỹ - lực lượng thường xuyên hoạt động ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, cũng như Địa Trung Hải, Vùng Vịnh Persian, và vùng Sừng châu Phi.
Hải quân Mỹ cũng triển khai tàu viễn xứ ở Nhật Bản, châu Âu và vịnh Persian để có thể phản ứng nhanh trong các tình huống bất ngờ.
Hải quân Mỹ có 288 tàu chiến đấu, trong đó 1/3 đang được triển khai vào bất cứ thời điểm nào. Hải quân Mỹ sở hữu 10 tàu sân bay, 9 tàu tấn công đổ bộ, 22 tuần dương hạm, 62 khu trục hạm, 17 tàu hộ vệ, và 72 tàu ngầm.
Ngoài số tàu này, Hải quân Mỹ còn có 3.700 máy bay, và nhờ đó là lực lượng không quân lớn thứ 2 thế giới (sau lực lượng Không quân độc lập cũng của Mỹ).
Với 323.000 nhân viên thường trực và 109.000 nhân viên dự bị, đây là lực lượng hải quân lớn nhất xét về mặt nhân lực.
Điều khiến Hải quân Mỹ nổi bật nhất là 10 tàu sân bay của họ – nhiều hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại. Tàu sân bay của Mỹ không chỉ nhiều mà còn to hơn nhiều.
Riêng một chiếc tàu sân bay lớp Nimitz có năng lực mang số lượng máy bay nhiều gấp đôi chiếc tàu sân bay nước ngoài lớn nhất kế tiếp.
Trong khi tàu sân bay của các nước khác chỉ tập trung vào chở máy bay tiêm kích thì tàu sân bay Mỹ lại bảo đảm cân đối nhiều loại máy bay khác nhau để giúp Mỹ bảo đảm ưu thế trên không, khả năng tấn công mặt đất, trinh sát, chống tàu ngầm cũng như trợ giúp nhân đạo hay cứu trợ thảm họa.
Với 31 tàu đổ bộ đường biển, Hải quân Mỹ được coi là hạm đội “cá sấu” lớn nhất thế giới (cách gọi dựa trên hình dáng của tàu đổ bộ khi cập bờ - ND), có khả năng vận chuyển và đổ bộ lên các bờ biển của đối phương.
Chín tàu đổ bộ tấn công lớp Tarawa và Wasp có thể mang trực thăng chở quân cũng như đóng vai trò của tàu sân bay cỡ nhỏ, được trang bị phi cơ phản lực cường kích AV-8B Harrier và cả máy bay tiêm kích-ném bom F-35B.
Hải quân Mỹ có 54 tàu ngầm tấn công hạt nhân, gồm các tàu lớp Los Angeles, Seawolf, và Virginia. Hải quân Mỹ cũng chịu trách nhiệm về việc thực hiện răn đe hạt nhân chiến lược trên biển cho nước này, với 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio.
Hải quân Mỹ cũng có 4 tàu ngầm lớp Ohio đã loại bỏ tên lửa hạt nhân và được chỉnh sửa để mang 154 tên lửa tấn công trên bộ Tomahawk.
Hải quân Mỹ vốn có vai trò truyền thống là phòng thủ tên lửa đạn đạo, tác chiến không gian và trợ giúp nhân đạo/cứu trợ thảm họa. Kể từ tháng 10/2013, 29 tuần dương hạm và khu trục hạm có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo.
Vài tàu trong số này đã được triển khai tới châu Âu và Nhật Bản. Hải quân Mỹ cũng giám sát không gian nhằm hỗ trợ cho các lực lượng quân sự Mỹ, theo dõi các vệ tinh của các nước đối thủ tiềm tàng.
Và cuối cùng, các tàu sân bay và tàu đổ bộ hiện tại của Mỹ cộng với các tàu bệnh viện USNS Mercy và USNS Comfort tạo ra năng lực cứu trợ thảm họa mà Mỹ đã huy động trong vài năm trở lại đây ở Indonesia, Haiti, Nhật Bản và Philippines.
#, Không quân:
Sức mạnh số 1 thế giới của Không quân Mỹ (USAF) là điều không phải bàn cãi. Lực lượng này có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tác chiến trên không và ngoài không gian.
Thành phần của USAF bao gồm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu con thoi bí ẩn X-37B cũng như các loại máy bay chiến đấu và hỗ trợ khác.
USAF có 5.600 máy bay trong biên chế, gồm tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, tiêm kích tấn công kết hợp JSF F-35, tiêm kích thế hệ 4 và 4 (F-15, F-16), máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit, B1 và B-52, phi cơ vận tải quân sự C-5, C-17 và C-130, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C, E-3, máy bay tiếp dầu và các phương tiện bay không người lái khác.
USAF có các căn cứ trên khắp nước Mỹ cùng một số căn cứ khắp toàn cầu.
Quân số của USAF khoảng 312.000 người, ít hơn so với Không quân Trung Quốc. USAF là lực lượng đầu tiên trên thế giới đưa tiêm kích tàng hình vào hoạt động sẵn sàng chiến đấu. Họ đã lên kế hoạch mua sắm đến 1.763 chiếc tiêm kích tàng hình F-35.
Kế hoạch mua sắm 100 máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới trong chương trình LRSB.
Bên cạnh đó, USAF đang tập trung phát triển mạnh các máy bay tấn công không người lái tầm xa có khả năng tàng hình. Ngoài ra, trong tay họ còn một quân bài chiến lược khác là 450 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa LGM-30 Minuteman.
Qua đó chúng ta nhận thấy việc tên lửa chống hạm được bố trí quá mạnh qua hải và không quân là tương quan quá lớn đối với bất kỳ một quốc gia nào muốn dùng chiến hạm tấn công vùng biển Mỹ. Tuy nhiên đó chưa phải là lý do duy nhất.
1. Lý do thứ 2: Hiện nay tên lửa tầm trung và gần có trên các chiến hạm chưa có thể tiếp cận đất biển Mỹ khi mà hệ thống chống tiếp cận từ xa và hệ thống phòng thủ toàn cầu với đặc điểm khoa học và điện tử tiên tiến đang hoạt động rất hiệu quả.
Còn khi chiến hạm sử dụng tên lửa hành trình tầm xa thì không một tên lửa phòng thủ bờ nào có thể diệt hạm từ khoảng cách quá lớn như vậy.
2 .Lý do thứ 3: Với địa thế và lực lượng đồng minh đông đảo và rất mạnh của Mỹ trên thế giới là một vũ khí răn đe rất hữu hiệu với bất cứ lực lượng chiến hạm nào trên thế giới.
3. Lý do thứ 4: Nhìn về lịch sử đã từ khá lâu lắm rồi chưa có chiến tranh xâm lược trên đất Mỹ.Do đó học thuyết của họ gần như không có định nghĩa phòng thủ bằng mọi cách, mọi giá.
Hệ thống phòng thủ bờ là kết quả của Liên Xô và các nước khác ngoài Mỹ sau này chịu ảnh hưởng sâu sắc của Liên Xô và Nga bây giờ.
4. Lý do thứ 5: Địa lý bờ biển của Mỹ gần như ít phải quan tâm tới việc "tác chiến nước nông" như Việt Nam và các nước khác.
Xin lỗi nếu ai đọc bài của tôi thấy hơi dài nhưng cái chính bạn chỉ cần thấy lực lượng Hải quân và Không quân của Mỹ là đủ hiểu.
Bạn đọc Thi (10h16, ngày 27-10-2015):
Câu hỏi này chỉ nên giới hạn ở thời điểm hiện tại, tương lai khi Trung Quốc và Nga mạnh lên hoặc Mỹ yếu thế đi, ai biết được Mỹ sẽ có lực lượng này!
Ở thời điểm hiện tại, trả lời cho câu hỏi: Tại sao Hoa Kỳ không có lực lượng tên lửa bờ? Theo ý kiến cá nhân tôi thấy có vài lý do chính:
- Thứ nhất: Cho đến thời điểm hiện tại và tương lai gần thì Hoa Kỳ đang và vẫn sẽ là cường quốc số 1 hiện nay, chính sách ngoại giao, quân sự hay nhiều mặt khác đều ở thế cường quốc.
Trong lĩnh vực quân sự nói riêng, Hoa Kỳ không những hoàn toàn có đẩy đủ nguồn lực để thực hiện việc phòng vệ từ xa mà có cả khả năng răn đe số 1, bảo vệ nước Mỹ trước bất kỳ nguy cơ nào chứ không đợi đến mức địch tiến gần đến họ.
- Thứ 2: Vị trí địa lý và quan hệ với các nước gần Mỹ. Một mình Hoa kỳ tiếp giáp với 2 đại dương bao la, rõ ràng, khoảng cách địa lý cho bất kỳ nước ở châu lục khác tấn công bằng Hải quân là điều gần như không thể.
2 nước lớn tiếp giáp với Hoa Kỳ đều là đồng minh và sân sau của họ. Duy chỉ có Cuba có thể coi là mối nguy lớn nhất thì họ đã cắm ở đây 1 căn cứ quân sự lớn, đồng thời cũng cấm vận và nắn gân bất cứ nước nào có ý định vũ trang cho Cuba chống lại họ.
- Thứ 3: Thực hiện phương án phòng vệ từ xa, Hoa Kỳ có đủ tất cả các lực lượng để phối hợp đảm trách. Các lực lượng này đều có liên kết dữ liệu thống nhất mà Hoa Kỳ dầy công lập ra và thử nghiệm, với kinh nghiệm của hàng trăm cuộc tập trận lớn nhỏ, rồi các trận chiến tranh thực tế....rõ ràng chẳng nước nào bằng được cường quốc Hoa Kỳ.
- Thứ 4: Thực hiện khả năng răn đe. Hoa Kỳ có đủ nguồn lực để thực hiện, không chỉ về quân sự mà còn cả về kinh tế và nhiều vấn đề khác.
Hoa Kỳ lập ra cả một NATO, khối đồng minh quân sự đông đảo và rất mạnh, cho đến chiêu bài "viện trợ" với vỏ bọc bên ngoài "nhân văn và cao cả" để lấy lòng và duy trì vị thế của Hoa Kỳ.
Bạn đọc NGUYỄN XUÂN TIẾN (12h04, ngày 27-10-2015):
Hoa kỳ là cường quốc quân số 1 thế giới nhưng họ lại không có lực lượng tên lửa bờ vì những lý do sau:
1. Thứ nhất: do tư duy xây dựng hải quân Mỹ theo hướng tác chiến xa bờ
- Cụ thể là vận dụng binh lực, cần chú trọng nhất là "hiện diện tuyến đầu" và "tác chiến tuyến đầu".
Binh lực "tác chiến tuyến đầu" của hải quân Hoa Kỳ sẽ duy trì tự do hàng hải trên "vùng biển chung", tạo môi trường an ninh, thể hiện quyết tâm của Washington trong nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, thúc đẩy sự thịnh vượng toàn cầu.
Định hướng Hải quân Mỹ năm 2020 sẽ duy trì 120 tàu chấp hành nhiệm vụ "hiện diện tuyến đầu", trọng điểm là khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á-Thái Bình Dương, hiện nay đã có khoảng 97 chiến hạm "tuyến đầu" được bố trí ở Nhật Bản, đảo Guam, Singapore và Tây Ban Nha.
- Chiến lược trên biển mới của Hoa Kỳ sẽ thấy rằng, mặc dù khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây đã khiến chi phí dành cho quân đội của nước này có phần dè xẻn hơn, song ý đồ duy trì quyền thống trị trên biển của Washington vẫn không hề giảm đi chút nào.
- Với khái niệm mới về "thâm nhập toàn khu vực" nhằm nâng cao khả năng tác chiến của Quân đội Mỹ, có thể tự do thâm nhập vùng biển thậm chí là đất liền của nước khác, bảo đảm địa vị số 1 thế giới của hải quân Hoa Kỳ, đánh bại mọi đối thủ.
Các chuyên gia quân sự nhận định, trong vòng 30-50 năm nữa, vẫn chưa có cường quốc hải quân nào có thể đuổi kịp chứ đừng nói là vượt qua Hải quân Hoa Kỳ.
2. Thứ hai: Do chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Hải quân từng quốc gia khác nhau cho nên tổ chức, bố trí lực lượng để tạo ra sức mạnh hoàn toàn khác nhau.
- Định hướng Hải quân Hoa Kỳ sẽ duy trì hơn 300 chiếc tàu chiến, trong đó có 11 tàu sân bay, 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo và 33 tàu tác chiến đổ bộ; lực lượng của cảnh sát biển sẽ duy trì 91 chiếc, khi có chiến tranh sẽ do Hải quân quản lý.
- Ngày 25 tháng 2 năm 2003, Tuần duyên được đặt dưới quyền của Bộ Nội an Hoa Kỳ. Tuần duyên báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Nội an Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong thời chiến Tuần duyên được đặt dưới quyền của Bộ Quốc phòng và sẽ trở thành một lực lượng quân sự của Bộ Hải quân.
3. Thứ 3: trong chiến tranh hiện đại thì chiến tranh vũ khí công nghệ cao sẽ mở màn cuộc tấn công, các cuộc tấn công phủ đầu, chóng vánh.
Các vũ khí công nghệ cao như tên lửa, tên lửa hành trình, bom thông minh,… được phóng đi từ máy bay, tàu mặt nước, tàu ngầm.
Nhằm mục đích giành quyền làm chủ trên không, làm chủ chiến trường, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, đánh quỵ khả năng chống trả của đối phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tiến công trên bộ, trên biển, đổ bộ đường không.
Với hệ thống tên lửa đánh chặn trên đất liền được triển khai khắp nơi trên thế giới, đảm bảo cho Mỹ có một chiếc ô phòng thủ từ xa, các hệ thống rada cảnh báo sớm giúp Mỹ phát hiện các mục tiêu bay từ xa, trên biển hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis được triển khai trên các tàu khu trục được triển khai rộng rãi, còn công tác trinh sát chống ngầm của Mỹ hiện nay thuộc hàng số 1 thế giới chưa nước nào có thể vượt qua.
Nói tóm lại do được đầu tư bài bản Hải quân Mỹ hiện nay đã trở thành một lực lượng nòng cốt của Quân đội Mỹ trong các hoạt động và sứ mệnh quân sự trải dài khắp các đại dương trên toàn cầu.
Là lực lượng số 1 trên thế giới hiện nay, được đánh giá trong tương lai gần chưa có nước nào có thể sánh kịp.
Trân trọng,