5 "mãnh thú" trên bầu trời Syria

Hải Vy |

Nhiều loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới đã lần đầu tiên tham chiến trên bầu trời Syria.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), nhà phân tích Dave Majumdar đã điểm danh 5 mẫu máy bay chiến đấu tiên tiến nhất đang thực hiện nhiệm vụ tại Syria.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Cuộc chiến trên bầu trời Syria đã ghi nhận lần tham chiến đầu tiên của nhiều loại máy bay chiến đấu tiên tiến trên thế giới.

Không dưới 3 mẫu chiến đấu cơ mới của Mỹ và Nga đã lần đầu tiên trút “cơn mưa” vũ khí xuống đầu những kẻ khủng bố.

Đồng hành với chúng là những chiến đấu cơ kỳ cựu, thường là lực lượng trụ cột của cả 2 phía trong cuộc chiến.

Trên thực tế, phần lớn các máy bay này đều được phát triển từ những năm 1970 và đang đảm nhiệm hầu hết phi vụ xuất kích trong các chiến dịch trên không của cả Nga và Mỹ.

Mặc dù các máy bay chiến đấu ưu tú Su-25 Frogfoot, Su-24 Fencer, F-16 và A-10 đều đang đảm đương phần lớn trọng trách nhưng bài viết này sẽ tập trung vào các loại máy bay tiên tiến nhất đang tham chiến.

1. F-22 Raptor

Được thiết kế tàng hình, có khả năng bay tầm cao và có thể đạt tới tốc độ siêu âm nhưng F-22 chưa từng bắn hạ máy bay chiến đấu nào của đối phương.

Thay vào đó, nó được sử dụng như phương tiện tấn công tốc độ cao, có thể tiêu diệt các mục tiêu mà gần như không hề hấn gì.

Ngoài ra, với khả năng bay tầm cao và các cảm biến tiên tiến trên máy bay, các chỉ huy Mỹ còn dùng F-22 làm phương tiện thu thập thông tin tình báo, chỉ huy và kiểm soát.

Nhà thiết kế chưa từng dự liệu rằng máy bay của họ sẽ được dùng theo cách đó, song những khả năng của F-22 trong vai trò này đã trở nên dễ nhận thấy kể từ khi kíp thử nghiệm hoạt động đầu tiên của Không quân Mỹ tiếp xúc với mẫu máy bay vào năm 2002.

Ngay cả khi F-22 chưa từng bắn rơi được chiếc máy bay nào của đối phương trên bầu trời thì nó cũng đang chứng minh được giá trị rất lớn của mình ở Syria.

 

F-22 tấn công Trung tâm chỉ huy và kiểm soát của IS ở Syria

2. EA-18 Growler

Được phát triển từ mẫu tiêm kích 2 chỗ ngồi F/A-18F Super Hornet với khả năng đã được chứng minh, EA-18G Growler là máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng, được thiết kế để phá vỡ hệ thống radar và liên lạc của đối phương.

Trong vai trò này, Growler tỏ ra vượt trội với hệ thống cảm biến mạnh mẽ, trong đó có thiết bị thu tín hiệu băng rộng ALQ-218 và các pod gây nhiễu ALQ-99.

Không chỉ bảo vệ máy bay khác, Growler còn hỗ trợ cho lực lượng trên bộ của Mỹ và đồng minh bằng cách phá vỡ các hệ thống liên lạc, thậm chí là vô hiệu hóa kíp nổ bom của đối phương.

Song, Growler vẫn là mẫu máy bay khá mới. Trong những năm tới, khả năng của nó sẽ còn được tăng cường hơn nữa với hệ thống gây nhiễu thế hệ mới tích hợp khả năng tác chiến mạng.

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ cũng đang trang bị cho Growler hệ thống liên kết dữ liệu TTNT tốc độ cao, cho phép 1 nhóm gồm 3 chiếc Growler có thể định vị mục tiêu chính xác để triển khai tấn công.

3. Su-34 Fullback

Su-34 được thiết kế để thay thế cho các máy bay chiến đấu thời Chiến tranh Lạnh Su-24 Fencer của Nga, khi chúng ngày càng già yếu.

Su-34 tận dụng được hết các ưu thế của dòng Flanker, với khả năng phòng thủ không-đối-không mạnh mẽ.

Ngoài tên lửa tầm ngắn R-73 dùng cho các cuộc không chiến ở cự ly gần, Su-34 còn trang bị tên lửa không-đối-không tầm xa dẫn đường bằng radar R-77.

Radar trên máy bay có thể cảnh báo kíp lái khi có mối đe dọa đang tiến đến từ phía sau.

Su-34 có bán chính chiến đấu khoảng 1.100km và có thể tăng tầm hoạt động nếu được tiếp liệu.

Nòng cốt trong hệ thống cảm biến trên máy bay là radar quét mảng pha điện tử thụ động Leninets B-004. Hệ thống này sử dụng công nghệ radar mảng pha cơ bản như trên các biến thể Flanker khác nhưng được tối ưu hóa cho các hoạt động tác chiến không-đối-đất.

Không rõ chính xác hệ thống này mang lại những khả năng gì nhưng theo một số nguồn tài liệu, nó cho phép Su-34 có thể tấn công mục tiêu không-đối-không cách xa trên 120km và các mục tiêu không-đối-đất cách xa gần 100km.

Ngoài ra, có thể nó còn có khả năng lập bản đồ và chỉ thị mục tiêu di động trên mặt đất như các hệ thống tương tự của phương Tây nhưng điều này chưa thực sự rõ ràng.

Hiện nay, Su-34 có vẻ đang có màn thể hiện rất tốt ở Syria.

 

Sức mạnh máy bay ném bom Su-34

4. Su-30SM Flanker-H

Su-30SM là chiến đấu cơ đa nhiệm được thiết kế để bổ trợ cho tiêm kích Sukhoi Su-35S Flanker-E.

Trong chiến dịch không kích của Nga tại Syria, Su-30SM chủ yếu đảm nhiệm vai trò máy bay chiến đấu không-đối-không để yểm trợ cho các chiến đấu cơ khác.

Tuy nhiên, mẫu máy bay này có khả năng tấn công không-đối-đất mạnh mẽ do nó được phát triển từ Su-30MKI – phiên bản thiết kế riêng cho Ấn Độ.

Su-30SM đã được “Nga hóa” nhiều tính năng và cải tiến hệ thống điện tử hàng không nhưng nó vẫn giữ được khả năng tấn công, dù hiện tại đang được dùng làm tiêm kích chiếm ưu thế trên không.

 

Siêu tiêm kích Su-30SM xuất kích đánh IS

Su-30SM trang bị radar quét mảng pha thụ động Bars-R, phiên bản cải tiến của radar Bars trên tiêm kích Su-30MKI.

Phiên bản của Nga loại bỏ nhiều thiết bị nước ngoài (như của  Israel và Pháp) nhưng vẫn giữ màn hình hiển thị HUD góc rộng do Pháp sản xuất.

Song, với các lệnh trừng phạt của châu Âu, Nga gặp khó khăn về nguồn cung cấp một số linh kiện điện tử cho các máy bay mới.

Trong những năm tới, màn hình HUD của Pháp nhiều khả năng sẽ được thay thế bằng một loại tương tự do Nga sản xuất, hiện có trên các máy bay chiến đấu Su-35.

5. Dassault Rafale

Máy bay chiến đấu Rafale là mảnh ghép hoàn thiện danh sách những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất đang hoạt động tại Syria và Iraq.

Được phát triển vào những năm 1980 để thay thế các tiêm kích Mirage 2000, máy bay chiến đấu Rafale hiện phục vụ trong Không quân và Hải quân Pháp.

Không được như “người tiền nhiệm” Mirage 2000, cho tới gần đây Rafale vẫn không gặt hái nhiều thành công trên thị trường xuất khẩu nhưng đã bắt đầu có chuyển biến.

Trở ngại đối với Rafale là mức giá đắt đỏ, phần lớn do Pháp tự phát triển hầu hết các hệ thống trên máy bay.

Mặc dù Rafale nhận được vài lời chê bai vì động cơ nhưng đây lại là mẫu máy bay rất có năng lực.

Giống như Nga, Pháp sử dụng loại radar quét mảng pha điện tử thụ động mang tên Thales RBE2 nhưng sau này sẽ thay thế bằng radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA).

Quá trình sản xuất các biến thể Rafale trang bị radar AESA mới đã được bắt đầu.

Ngoài ra, Rafale còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tuyệt vời SPECTRA, cho phép lập trình lại và hoạt động rất hiệu quả.

Bên cạnh đó là các pod chỉ thị mục tiêu Damocle nhưng chúng đang được thay thế bằng một phiên bản mới do có tính cạnh tranh kém so với các pod Sniper của Lockheed Martin và LITENING của Israel.

Năng lực của Rafale còn được tăng cường bởi những loại vũ khí do chính Pháp sản xuất.

Nhìn chung, đây là một mẫu máy bay chiến đấu tuyệt vời.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại