Ba ngày sau khi các tàu chiến Mỹ bắn 47 quả tên lửa hành trình vào nhiều mục tiêu là chiến binh Sunni ở phía Bắc Syria vào tuần trước, Lầu Năm Góc đã ký một thỏa thuận trị giá 251 triệu USD để mua thêm tên lửa Tomahawk từ Raytheon, một hợp đồng béo bở cho công ty và nhiều nhà thầu phụ.
Khi Mỹ ngừng hoạt động chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, giới thầu quốc phòng đã đối mặt với tình trạng cắt giảm ngân sách từ phía Lầu Năm Góc. Nhiều nhà thầu lớn đã phải cắt giảm lao động, hợp nhất với công ty khác và giảm tốc độ dây chuyền sản xuất do chi tiêu quốc phòng giảm xuống, báo hiệu thời gian khó khăn đã ở trước mắt.
Nhưng với việc Mỹ và đồng minh đã ném bom các chiến binh Nhà nước Hồi giáo và Al Qaeda ở Iraq, Syria, gồm 41 cuộc không kích kể từ ngày thứ Hai, các chuyên gia phân tích đã đánh giá nhiều nhà sản xuất vũ khí Mỹ và các nhà thầu quân sự khác sẽ được hưởng lợi lớn.
Theo Los Angeles Times, các chuyên gia phân tích nói rằng việc máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và không người lái của Mỹ và đồng minh liên tục ném bom IS đã gây tốn kém gần 1 tỷ USD và sẽ còn tốn hơn thế trong tương lai.
Điều nghiệt ngã là hàng chục vụ không kích của Mỹ đã nhắm vào những chiếc Humvee, xe bọc thép chống mìn MRAP và các loại xe khác do Mỹ sản xuất mà IS đã chiếm được khi tràn ngập các căn cứ quân sự và sân bay ở Iraq hồi đầu năm nay.
Chính quyền mới ở Bangdad đang nỗ lực xây dựng lại quân đội và sẽ cần phải mua nhiều chiếc xe thay thế những chiếc đã bị chiếm mất hoặc bị phá hủy.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã theo dõi chặt các diễn biến này. Cổ phiếu của nhiều nhà thầu lớn như Raytheon, Lockheed Martin Corp., Northrop Grumman Corp. và General Dynamics Corp. đều đã cao gần như kịch trần, vượt qua tốc độ tăng trưởng của chỉ số Standard & Poor's 500, nơi niêm yết cổ phiếu của nhiều công ty lớn.
Các nhà đầu tư kỳ vọng sự tăng lên của hoạt động mua bom và tên lửa có điều khiển, bên cạnh các vũ khí có giá đắt khác. Người ta cũng trông chờ việc quân đội sẽ mua các thiết bị trinh sát và giám sát phức tạp, khi Lầu Năm Góc tăng cường chuẩn bị cho một cuộc chiến được dự báo có thể kéo dài nhiều năm.
"Có nhiều lý do để tin rằng hoạt động chi tiêu quốc phòng sẽ tăng lên" - Wayne Plucker, một nhà phân tích hàng không không gian của công ty nghiên cứu Frost & Sullivan nói với LA Times - "Các công ty quốc phòng không chịu ảnh hưởng thiệt hại gì từ tình hình hiện nay".
Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington, ước tính rằng hoạt động không kích có thể gây tốn kém từ 2,4 tới 3,8 tỷ USD mỗi năm, nếu nhịp độ không kích như hiện nay được duy trì.
Quốc hội Mỹ cũng đồng ý phê chuẩn số tiền 500 triệu USD để mua vũ khí và huấn luyện cho các tay súng chống đối ở Syria, những người sẵn sàng hoạt động với tư cách một lực lượng trên bộ chống IS ở Syria.
Chi phí cho các hoạt động quân sự chống IS của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc họ muốn cuộc chiến kéo dài trong bao lâu, cường độ ra sao và liệu quân Mỹ có được bổ sung thêm nhân lực ngoài 1.600 cố vấn quân sự đang ở Iraq như hiện nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Lầu Năm Góc cần thêm tiền để chống IS. Giới chức Mỹ đã bắt đầu làm việc cùng Quốc hội để bàn về các biện pháp bơm tiền khẩn cấp cho quân đội.
Lầu Năm Góc hiện đang nằm dưới sức ép phải giảm bớt chi phí liên quan tới chiến tranh trong đợt đề nghị cấp vốn mới nhất cho năm tài chính 2015. Bộ Quốc phòng đã kêu gọi Quốc hội cung cấp 58,6 tỷ USD, ít hơn 20 tỷ USD so với năm trước đó.
Nhưng rồi các chiến binh IS đã quét qua Syria và chiếm hơn một chục thành phố, thị trấn lớn ở phía Bắc, phía Tây Iraq, buộc Nhà Trắng phải hành động.
Tổng cộng, Mỹ đã thực hiện hơn 250 cuộc không kích ở Iraq kể từ ngày 8/8. Cùng đồng minh, Mỹ cũng đã thực hiện 73 cuộc không kích ở Syria kể từ ngày 23/9. Máy bay Pháp và Mỹ cũng đã ném bom nhiều mục tiêu ở Iraq.
Tại Syria, Lầu Năm Góc và 5 đồng minh Arab gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Jordan, Bahrain và Qatar đang điều khiển những chiếc máy bay do Mỹ sản xuất và ném bom thông minh điều khiển bằng laser do Mỹ chế ra, bay tới mục tiêu.
Lầu Năm Góc nói rằng gần 200 quả bom ném xuống một chục mục tiêu ở Syria vào đầu ngày 23/9, ngày đầu tiên của hoạt động không kích mở rộng, là bom thông minh được dẫn đường chính xác.
Để thay thế các quả bom này, người ta sẽ phải nhờ công ty Boeing đăt mua các bộ cánh đuôi của bom, hoạt động nhờ hệ thống định vị GPS, sẽ biến một quả bom "ngu" không điều khiển thông thường thành bom thông minh.
Công ty đã bán gần 262.000 bộ phụ kiện như thế này, với giá 25.000 USD mỗi bộ. Hàng ngàn bộ phụ kiện này đã được bán cho Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Qatar và Bahrain.
"Các đối tác trong liên minh này đã mua khá nhiều vũ khí từ các nhà sản xuất Mỹ" - Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không ở tập đoàn Teal Group Corp. nói - "Sau một chiến dịch như thế này, họ sẽ mua thêm nhiều hơn."
Công ty Seal Science ở Irvine nằm trong số hàng ngàn nhà thầu nhỏ đã cắt giảm nhân công trong mấy năm gần đây. Công ty đã sản xuất các miếng đệm cao su được dùng trong tên lửa Tomahawk cũng như các máy bay chiến đấu F-16 và F/A-18.
Chủ tịch Seal Science là Gregory Bloom nói rằng các công ty quân sự lớn đã đề nghị ông tăng công suất để cung cấp đủ hàng cho họ. Điều này có nghĩa công ty sẽ tuyển thêm kỹ sư và kỹ thuật viên trong thời gian tới. "Chúng tôi đều gặp vấn đề trong việc tìm kiếm những người đã nghỉ làm sau đợt suy thoái diễn ra cách đây vài năm" - Bloom nói.