Công nghiệp quốc phòng Brazil: Vũ điệu Samba từ Châu Mỹ Latin

Tâm Minh |

Nói đến Brazil thường người ta nghỉ ngay đến bóng đá. Nhưng ít ai biết rằng đây là một nước có nền công nghiệp quốc phòng kỹ thuật cao rất đáng ngưỡng mộ.

LTS: Kính thưa quý bạn đọc!

Thế giới bước vào thế kỷ 21 với rất nhiều biến chuyển đa chiều trong nổ lực sắp xếp lại trật tự sau cuộc chiến tranh lạnh.

Khi bối cảnh hai khối quân sự khổng lồ đối đầu nhau và răn đe phần còn lại của thế giới không còn nữa, các tranh chấp phát sinh và nguy cơ bùng phát thành xung đột cục bộ gia tăng buộc các quốc gia phải nâng cao năng lực tự chủ về mặt quốc phòng.

Qua đó, nhằm sẵn sàng chiến đấu và duy trì năng lực chiến đấu bảo vệ các quyền lợi của mình. Trong số đó, các quốc gia có nền tảng công nghiệp và nền kinh tế vững vàng đã có những bước đi đáng chú ý.

Đa số các nước có bước phát triển thần tốc về công nghiệp quốc phòng (CNQP) là các nước công nghiệp mới (NICS).

Loạt bài này giới thiệu nền kỹ nghệ quốc phòng của một số nước đáng chú ý như một lược thuật. Từ đó hầu rút tỉa kinh nghiệm cho quá trình phát triển CNQP Việt Nam trong chủ trương tự chủ và tiến thẳng lên hiện đại.

KỲ 1: Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ: Không phải dạng vừa đâu!

KỲ 2: Quốc phòng Nam Phi - Khúc KWAITO đến từ Nam Bán Cầu đã có mặt tại Việt Nam

 

KỲ 3: Công nghiệp quốc phòng Brazil: Vũ điệu Samba từ Châu Mỹ Latin

Các công ty CNQP của họ thuộc có thứ hạng khá cao trên thế giới như Embraer, Avibras, Odebrecht… Chúng ta cùng điểm qua các đặc điểm của nền quốc phòng mang tính bền vững cao từ quốc gia đã bắt đầu có chút danh tiếng về lĩnh vực này.

Dân sự đi trước, quân sự tiếp bước theo sau

Trái với hầu hết các nước công nghiệp mới, tất cả các công ty tham gia cấu thành nền CNQP Brazil đều rất mạnh về mảng sản phẩm dành cho thị trường dân sự.

Nhà nước đóng vai trò điều phối nền tảng tri thức và công nghệ này tham gia vào từng lĩnh vực trong sản xuất hàng quân sự như một hướng vừa để tiếp thu công nghệ nước ngoài và tự nghiên cứu bảo đảm thoả mãn nhu cầu trong nước.

Đồng thời việc đó cũng với mục đích kinh doanh xuất khẩu khi trào lưu xuất khẩu sản phẩm quân sự ngày càng gia tăng do nhu cầu đổi mới trang bị trong một thế giới ngày càng nhiều nguy cơ xung đột cục bộ.


Máy bay huấn luyện sơ cấp kiêm tấn công hạng nhẹ A-29 Super Tucano của Embraer trong biên chế không quân Indonesia.

Máy bay huấn luyện sơ cấp kiêm tấn công hạng nhẹ A-29 Super Tucano của Embraer trong biên chế không quân Indonesia.

Nhập khẩu sản phẩm quân sự nhất định phải bao gồm chuyển giao công nghệ; nhập khẩu để phát triển và tự chủ công nghệ.

Hiện Brazil là nước dùng khá nhiều các vũ khí trang bị kỹ thuật có nguồn gốc nhập khẩu nhưng được họ nhân bản trên nền tảng chuyển giao công nghệ.

Minh chứng cho xu hướng này là chương trình F-X2 đấu thầu mua sắm 36 máy bay tiêm kích cho không quân chiến thuật trị giá 4,5 tỷ USD. Các điều kiện ràng buộc của gói thầu là phải chuyển giao công nghệ để họ tự sản xuất trong nước các máy bay này.

Cho đến nay Brazil vẫn kiên định với lập trường đó mặc dù không có nhà thầu nào đáp ứng hoàn toàn yêu cầu trên.

Tất cả các loại pháo binh mà Brazil dùng đều có xuất xứ từ Anh, Mỹ nhưng được sản xuất nhượng quyền trong nước…

Xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng đi từ đơn giản đến phức tạp; xuất khẩu để phát triển công nghệ đã tự chủ.

Nói đến công nghệ hàng không quân sự Brazil, người ta nghỉ ngay đến Embraer với máy bay huấn luyện sơ cấp Super Tucano. Đây là một sản phẩm thành công và đã khiến thế giới biết tới công nghệ hàng không của nước này.

Tiếp nối thành công đó, họ tiếp tục tấn công vào thị trường máy bay vận tải quân sự hạng trung, môt phân khúc ít cạnh tranh nhất với các dự án nửa vời của các cường quốc vốn đang để một máy bay ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ là C-130 vẫn chiếm lĩnh thị trường.

Sản phẩm trình làng kịp thời tiếp theo là KC-390, một máy bay vận tải quân sự hạng trung tiên tiến có giá thành vận hành thấp, dùng động cơ thông dụng, giá hợp lý và tính năng vận hành tốt đang có sẵn trên thị trường hàng không dân sự.

Nó dự kiến sẽ là một máy bay phổ biến vì dễ bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành do tính phổ biến của nền tảng động lực trên máy bay Airbus A-320 và Boeing 737 mà nó có hầu hết những điểm tương đồng.

Đây được xem là một bước leo thang khôn ngoan và kịp thời của ngành công nghiệp hàng không Brazil mà Nga cùng Ấn Độ với chương trình MTA/Ilyushin IL-214 chưa hề có mẫu thử đầu tiên hay Antonov với An-178 chỉ mới bắt đầu.

Ngoài ra, nó không còn có đối thủ khả dĩ cạnh tranh xuất khẩu trong cùng phân khúc trong khi nhu cầu về máy bay vận tải hạng trung đang rất lớn.

Nếu các đơn vị thuần tuý phục vụ mục đích quốc phòng nhưng không tự chủ được hoạt động thì Brazil sẽ chấp nhận giải thể chứ không chấp nhận dùng ngân sách cố nuôi sống nó để chờ nhu cầu trong nước phát sinh.

Engesa, một công ty sản xuất xe tăng và xe bọc thép khá tiếng tăm của Brazil đã phải chọn con đường giải thể khi các sản phẩm không thể đáp ứng yêu cầu của Quân đội Brazil và cũng không thể xuất khẩu để tự nuôi sống bản thân.


Tên lửa đẩy VLS-03 do IAE nghiên cứu phát triển.

Tên lửa đẩy VLS-03 do IAE nghiên cứu phát triển.

Đầu tư nghiên cứu đột phá vào lĩnh vực công nghệ cao.

Brazil là một trong số ít các nước công nghiệp mới có chương trình nghiên cứu không gian của riêng mình.

Dù sinh sau đẻ muộn so với các cường quốc nhưng họ làm việc đầy quyết tâm khi thành lập Agência Espacial Brasileira (AEB) và Instituto de Aeronáutica e Espaço (IAE) từ những năm 1950, 1960.

Đây là các tổ chức nghiên cứu không gian phục vụ đa mục đích thuộc nhà nước Brazil. Lợi thế cạnh tranh trên thị trường phóng vệ tinh thương mại của Brazil là họ có một bãi phóng Alcântara nằm ngay đường xích đạo cho giá thành phóng thấp nhất.

Tuy các nỗ lực tự phóng vệ tinh cho riêng mình của IAE đến nay hoàn toàn thất bại. Nhưng thế giới luôn ghi nhận nỗ lực của đất nước này trong tiến trình làm chủ công nghệ được xem là cực khó trong kỹ thuật hàng không này.

Hiện nay, thành quả mà AEB đạt được cũng như các nước công nghiệp mới khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Hàn Quốc… là tự chủ sản xuất vệ tinh các loại.


Vệ tinh MAPSAR (Multi-Application Purpose SAR) khảo sát và quản lý rừng Amazone bằng radar khẩu độ tổng hợp được phát triển bởi AEB.

Vệ tinh MAPSAR (Multi-Application Purpose SAR) khảo sát và quản lý rừng Amazone bằng radar khẩu độ tổng hợp được phát triển bởi AEB.

Diện mạo hôm nay và đầy ắp triển vọng tương lai.

Chúng ta cùng điểm qua các đơn vị chủ yếu tham gia cấu thành nền kỹ nghệ phục vụ quốc phòng của đất nước Brazil.

Avibrás, một đơn vị đầu ngành của nền CNQP Brazil, chuyên sản xuất tên lửa, pháo phóng loạt, chất nổ, UAV, hệ thống thông tin chỉ huy và tác chiến và vài loại xe bọc thép quân sự hạng nhẹ.

Đây là một đơn vị nặng về mảng quân sự hơn, nhưng vẫn có các hoạt động dân sự hay lưỡng dụng để tự nuôi sống bộ máy nhân sự như kỹ thuật xử lý bề mặt, xe lai dắt toa tàu hoả, vật liệu nổ...


Tên lửa chống hạm tương lai cho quân đội Brazil do Avibrás phát triển 100% trong nước.

Tên lửa chống hạm tương lai cho quân đội Brazil do Avibrás phát triển 100% trong nước.

CBC là công ty sản xuất súng và đạn dược lâu đời ở Brazil. Họ sản xuất đạn súng bộ binh cho quân đội.

Nhưng đồng thời, sản phẩm chủ yếu của họ vẫn là các loại súng săn bán trong nước và xuất khẩu như một mặt hàng ưa chuộng tại Mỹ khi nó kế thừa danh tiếng từ Remington.

Orbisat/ FAPEB là đơn vị sản xuất kinh doanh các sản phẩm điện tử kỹ thuật cao như thiết bị liên lạc vệ tinh.

Nhưng đồng thời, họ cũng sản xuất thiết bị truyền tin quân sự, UAV và radar quân sự dùng cho phòng không và canh phòng hoả tuyến cũng như radar hàng hải và radar dân sự khác…


Radar Saber M-60 của Orbisat do FAPEB phát triển.

Radar Saber M-60 của Orbisat do FAPEB phát triển.

Odebrecht/Mectron là một tập đoàn rất lớn phụ trách đa ngành nghề có quy mô toàn cầu bao gồm đóng tàu, năng lượng, phát triển hạ tầng cơ sở và công nghệ trong đó có công nghệ quốc phòng.

Mectron là thành viên của tập đoàn Odebrecht phụ trách phát triển radar hàng không và tên lửa đối không, tên lửa chống tăng và các loại vũ khí hàng không khác…


Các loại tên lửa đối không và chống tăng của Mectron/Odebrecht.

Các loại tên lửa đối không và chống tăng của Mectron/Odebrecht.

Helibras là chi nhánh sản xuất trực thăng của Eurocopter tại Nam Mỹ. Các sản phẩm sản xuất tại đây có đặc thù và ký hiệu riêng cho thị trường này.

Polaristec là công ty sản xuất các động cơ turbine loại nhỏ dùng cho tên lửa hành trình và UAV tầm xa. Đây là công ty nhà nước còn non trẻ, được thành lập với ý đồ chiến lược nội địa hoá phần máy động lực trong kỹ thuật hàng không.

Đây là mảng mà Brazil cũng như các nước thế giới thứ 3 khác còn thiếu và yếu. Đây là đơn vị chịu sự quản lý của viện kỹ nghệ hàng không không gian ITA (Instituto Tecnológico de Aeronáutica).

Turbomachine là công ty sản xuất tên lửa chiến thuật non trẻ của Brazil được thành lập cùng chương trình với Polaristec.

Đây là công ty dưới quyền của ITA với nhiệm vụ phát triển tên lửa chiến thuật nội địa hoá 100% cho không quân và hải quân, lục quân Brazil và cho mục đích xuất khẩu bên cạnh các công ty sẵn có như Avibrás.

TGM là công ty sản xuất turbine hơi tầm cỡ toàn cầu dùng cho các nhà máy điện công suất lớn.

INACE và EMGEPRON lần lượt là hai công ty tư nhân và nhà nước chuyên đóng các loại tàu dân sự lẫn quân sự Đây là các đơn vị phụ trách các hạm tàu mặt nước cho hải quân Brazil ngoài các sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, INACE còn xuất khẩu các sản phẩm, thiết kế và công nghệ tàu tuần giang sang các nước lân cận như Colombia…

Taurus là một công ty sản xuất súng cá nhân lưỡng dụng dùng trong cả lực lượng cảnh sát Brazil và trong quân đội cũng như xuất khẩu.

Embraer là công ty kỹ nghệ hàng không hàng đầu Brazil và thế giới với các sản phẩm hàng không dân dụng mà chủ yếu là các loại máy bay thương mại nổi tiếng và xuất khẩu đi hơn 100 nước với 60 hãng hàng không sử dụng khai thác.

Ngoài ra, Embraer còn có các sản phẩm dành cho mục đích quân sự như máy bay KC-390, A-29 Super Tucano, EMB 145 AEW&C, EMB 145 MULTI INTEL…


Các sản phẩm quân sự của Embraer.

Các sản phẩm quân sự của Embraer.

Lời sơ kết

Brazil là một nước có nền CNQP tuy chưa phủ lấp hết tất cả các nhu cầu trong quân đội như Thổ Nhĩ Kỳ hay vài nước công nghiệp mới khác. Nhưng họ có nền tảng duy trì và phát triển rất vững chắc.

Mọi công ty tham gia cấu thành nền sản xuất phục vụ mục đích quốc phòng đều là đơn vị sản xuất kinh doanh từ tự nuôi sống bộ máy nhân sự đến có lãi và phát triển vượt bậc. Về nền tảng, có thể coi họ có tầm sánh ngang Nhật.

Đó là một nền móng mà các cường quốc như Nga, Trung Quốc chưa chắc có thể có được.

Tạo lập một nền tảng sản xuất kinh doanh có khả năng phục vụ mục đích quốc phòng là bước đi xuất sắc để duy trì lực lượng nhân sự kỹ thuật. Vì nhu cầu quốc phòng là một loại nhu cầu không ổn định.

Nếu chỉ có các đơn vị thuần tuý sản xuất sản phẩm quân sự thì nền sản xuất quốc phòng đó đứng trước nguy cơ bám ngân sách quốc phòng, dù có sở hữu những giải pháp công nghệ bậc nhất.

Bài học Nam Phi vẫn còn đó khi một nền sản xuất quốc phòng hàng đầu không có ngân sách để bám víu đã chuyển hoá thành nền công nghiệp phụ trợ và bị thâu tóm khi sở hữu giải pháp công nghệ cao nhưng sức mạnh tài chính có hạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại