Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ: Không phải dạng vừa đâu!

Tâm Minh |

Những bước đi hợp lý, dứt khoát của Thổ Nhĩ Kỳ đã mang lại cho họ một bước tiến thần tốc bắt kịp mặt bằng chung của thế giới về công nghiệp quốc phòng.

Lột tả chân thực nhất của những bước phát triển thần tốc về công nghiệp quốc phòng (CNQP) Thổ Nhĩ Kỳ là hình ảnh năm 2000 họ nhận những chiếc máy bay F-4E 2020 Terminator nâng cấp từ Israel, việc mà họ chưa thể tự chủ được cho quân đội mình.

Mặc dù lúc đó, họ đã có thể lắp ráp những chiếc F-16 cho riêng mình và Ai Cập dưới sự chuyển giao từ Lockhed Martin.

Đến năm 2010, Turkish Aerospace Industries Inc. (TAI) được uỷ nhiệm sản xuất, xin nhấn mạnh là sản xuất, hoàn chỉnh 20 chiếc F-16 Block 52 cho KQ Ai Cập ngoài các hợp đồng nâng cấp F-16 cho Jordani và Pakistan và sản xuất cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ…

Chỉ trong 10 năm, đó là một bước đại nhảy vọt.

Sản xuất trong nước thoả mãn tối đa nhu cầu trong nước

Trong nỗ lực tự sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, nền CNQP Thổ Nhĩ Kỳ với một số công ty có lịch sử gần 1 thế kỷ như MKEK hay các công ty mới, đều luôn sánh bước cùng quân đội.

Ngày nay, hầu hết các công ty này đều đã khẳng định được năng lực sản xuất và chất lượng đáng tin cậy của các sản phẩm làm ra. Trong đó:

MKEK sản xuất hầu hết các loại hoả khí gồm thuốc nổ, vỏ đạn bán thành phẩm cho đến các loại đạn pháo, đạn súng cối… và các loại đạn khác cùng với súng trường, pháo, súng ngắn...

Họ chỉ thiết kế chế tạo một số mặt hàng thiết yếu cần tính đặc thù. Ngoài ra, họ mua bản quyền thiết kế từ nước ngoài để sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu nếu có thể.

Aselsan chuyên về khí tài điện tử tiên tiến. Họ sản xuất hầu hết các khí tài điện tử từ thiết bị thông tin liên lạc đến các hệ thống radar cho phòng không, không quân và hải quân, hệ thống quang điện tử, thiết bị trắc lường thuỷ âm…

Havelsan chuyên sản xuất hệ thống tích hợp cho điện tử hàng không cũng như hệ thống thông tin chỉ huy tác chiến. Đây là một lĩnh vực vô hình nhưng vô cùng quan trọng mang tính sống còn với quân đội hiện đại.

Sản phẩm của họ tích hợp trên tất cả các máy bay, tàu chiến, xe tăng và hệ thống thông tin chỉ huy toàn Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Roketsan chuyên sản xuất các hệ thống tên lửa. Cũng như các công ty khác, họ chỉ tự thiết kế một số sản phẩm tiêu biểu.

Bên cạnh đó, họ còn mua các thiết kế và công nghệ nước ngoài để sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước. Hiện nay, họ sản xuất các hệ thống phòng không tầm ngắn Hisar-O và Hisar-A dùng các khí tài điện tử của Aselsan.

Ngoài ra, họ còn là đơn vị chính phụ trách phát triển hệ thống phòng không tầm xa tương lai cho quân đội sau cuộc đấu thầu T-LORAMIDS đổ vỡ năm 2014.

Các đạn phản lực và hệ thống dùng đạn phản lực của Roketsan rất đa dạng. Trong đó phải kể đến họ tên lửa SOM bao gồm SOM-A, SOM-B1, SOM-B2 và SOM-J rất tiên tiến, tiệm cận với mặt bằng công nghệ của các cường quốc Đức, Nga, Mỹ.

TAI là một tập đoàn kỹ nghệ hàng không, đáp ứng hầu hết các nhu cầu về tổ hợp hàng không trong nước trừ máy bay F-35 chưa thể tiếp nhận công nghệ do các giới hạn từ Lockhed Martin.

Thành tựu nổi bật của TAI là sản xuất trực thăng vũ trang T-129 từ thiết kế của Agusta Westland, F-16 từ nhượng quyền của Lockhed Martin cũng như máy bay vận tải C-235…

Ngoài ra, họ còn sản xuất vệ tinh viễn thông, viễn thám, các UAV cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu

Otokar chuyên sản xuất các phương tiện bọc thép, bên cạnh các sản phẩm dân sự truyền thống hoặc lưỡng dụng. Các loại xe bao gồm xe bọc thép bánh xích và bánh lốp, xe tăng, pháo tự hành…

Ngoài các sản phẩm quốc phòng dành cho lục quân, không quân thì hải quân cũng có cách phát triển tương tự khi hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đã tự đóng mới được các khinh hạm rất hiện đại cho riêng mình cũng như các tàu ngầm Type 204 có xuất xứ thiết kế từ Đức.


Trọng pháo do MKEK tự sản xuất.

Trọng pháo do MKEK tự sản xuất.

Xây dựng sản phẩm từ các yếu tố nước ngoài và trong nước

Hầu hết các sản phẩm quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đều có dùng các phụ tùng, phụ kiện ngoại nhập. Đó là cách nhanh chóng xây dựng sản phẩm bắt kịp mặt bằng chung của thế giới.

Gần đây nhất chúng ta chứng kiến họ thất bại trong nổ lực mua công nghệ, thiết kế động cơ của xe tăng Type-10 của Mitsubishi để trang bị cho các xe tăng Altay và pháo tự hành T-155 Firstina. Họ đành trước mắt quay về với các động cơ nhập khẩu từ MTU.

Với máy bay, họ dùng thiết kế, động cơ và các thành phần khác nhập khẩu.

Với xe tăng, xe bọc thép, họ mua thiết kế và tư vấn kỹ thuật, động cơ và truyền động từ Hàn Quốc và Đức. Pháo và các hệ thống điều khiển khác sản xuất trong nước.

Với súng hoả lực cá nhân: đa số họ dùng thiết kế của nước ngoài để sản xuất. Khẩu súng trường trang bị trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là bản sản xuất trong nước của súng HK-33E.

Với radar và các thiết bị điện tử, họ mua linh kiện siêu cao tần từ MAG (Mỹ) và tích hợp xây dựng hệ thống trong nước.


Hệ thống radar tầm trung Kalkan của Aselsan.

Hệ thống radar tầm trung Kalkan của Aselsan.

Nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài như một điều kiện bắt buộc khi mua sản phẩm quốc phòng và sản xuất theo giấy phép

Khi thực hiện gọi thầu mua sắm các trang bị quốc phòng cho quân đội, bao giờ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đính kèm yêu cầu chuyển giao sâu rộng công nghệ sản xuất các sản phẩm đó cho các công ty trong nước như một yêu cầu bắt buộc, bất kể quốc tịch nhà thầu.

Việc đổ vỡ gói thầu T-LORAMIDS là một ví dụ minh chứng cho điều đó. Khi không đạt được mục đích nhận chuyển giao công nghệ để tự chủ sản phẩm về sau bất chấp áp lực từ các nước NATO, họ lập tức huỷ bỏ gói thầu.

Từ những hợp đồng mua sắm máy bay F-16, CN-235, AW-129…cho quân đội. Nay họ đã tự chủ được các sản phẩm này dù phải nhập các linh kiện đặc dụng.

Thậm chí các máy bay F-16 đã được sản xuất xuất khẩu sang Ai Cập hay các hợp động nâng cấp, bảo dưỡng loại máy bay này cho hầu hết các quốc gia trung đông vốn không thân thiện với Israel.

Điểm đặc biệt đáng chú ý của Thổ Nhĩ Kỳ là khi họ mua các tổ hợp chiến đấu trên không, trên biển hay trên mặt đất thì đạn dùng cho các tổ hợp đó chắc chắn sẽ được sản xuất nhượng quyền trong nước.

Thậm chí các bộ phận bỗ trợ gắn ngoài như các pod chuyên dụng hàng không, các hệ thống sonar kéo theo hay đạn tên lửa đều được sản xuất trong nước.


Hệ thống máy định vị nguồn phát thụ động và chế áp điện tử mặt đất Koral của Aselsan.

Hệ thống máy định vị nguồn phát thụ động và chế áp điện tử mặt đất Koral của Aselsan.

Tiến đến xuất khẩu thành phẩm

Chúng ta bắt đầu chứng kiến trào lưu xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khi các xe bọc thép đa dụng Cobra biên chế trong quân đội Gruzia ngang dọc tại chiến trường Nam Ossetia năm 2008

Thực tế đến ngày nay, chúng ta có thể thấy các xe bọc thép sản xuất tại Singapore bởi liên doanh ST Engineering cùng Otokar, Thổ Nhĩ Kỳ để bán đến các thị trường xa xôi và nhỏ bé như Đông Nam Á sau khi đã có mặt cả trong quân đội Israel và Mỹ.

Về hàng không quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ đã vươn xa đến tận Hàn Quốc khi sản xuất hoàn toàn bộ khung thân cho chương trình máy bay trực thăng lưỡng dụng Surion.

Ngoài ra, các công ty như Roketsan còn sẵn sàng xuất khẩu các bán thành phẩm cho các nước xây dựng sản phẩm của riêng mình như động cơ tên lửa, lõi nhiên liệu…

Tham gia vào chuổi giá trị - cung cấp phụ tùng lắp ráp từ đơn giản đến phức tạp

Hiện nay, TAI cung cấp các cấu kiện lắp ráp từ đơn giản như cánh tà, cánh đuôi cho các máy bay của Boeing, Airbus, Sirkosky, Agusta Westland, Eurocopter đến nguyên bộ khung vỏ cho máy bay Surion.

Thậm chí cung cấp khung máy bay F-16 cho các xưởng lắp ráp của Lockhed Martin trên toàn thế giới hay một số chi tiết đơn giản trong chương trình F-35.

Việc có hay không tham gia vào chuổi giá trị sản phẩm toàn cầu quyết định tính sống còn lâu dài của các công ty kỹ nghệ cao phục vụ mục đích quân sự.

Song hành cùng dân sự chính là xây dựng và kiện toàn nền móng của nền sản xuất để sẵn sàng phục vụ quốc phòng khi cần thiết. Một công ty sẽ nhất định gắp khó khăn khi chỉ sản xuất các sản phẩm quân sự vì nhu cầu loại đó không liên tục.

Việc duy trì lực lượng kỹ thuật và thiết bị công nghệ cũng như phát triển sẽ rất khó khăn nếu không có thu nhập thường xuyên. Mà thu nhập thường xuyên chỉ có thể đến từ các sản phẩm phục vụ dân sự.

Thật vậy, chúng ta chắc từng chứng kiến những tập đoàn đi vào ngõ cụt như Failchild hay sự vất vả của các đơn vị lừng danh như Sukhoi, Saturn khi phải thâm nhập vào thị trường dân sự để nuôi sống bộ máy nhằm sẵn sàng cho các mục tiêu sản phẩm quân sự.


Trực thăng vũ trang T-129 của TAI.

Trực thăng vũ trang T-129 của TAI.

Sukhoi đã phải cầu viện đến các công ty kinh nghiệm hơn như Boeing để phát triển máy bay hành khách SSJ-100 hay Saturn phải mua các cấu kiện chính từ Snecma để xây dựng động cơ PowerJet SaM146.

Đây những là minh chứng hùng hồn cho nền CNQP Nga đầy kiêu hãnh cũng phải đi tìm con đường dân sự để duy trì lực lượng.

Trưởng thành trong môi trường tư bản cạnh tranh, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ luôn ý thức được điều đó. Không công ty nào trong chuổi các công ty rường cột của nền CNQP Thổ Nhĩ Kỳ không có các sản phẩm phục vụ nhu cầu dân sự.

Ngay cả các công ty sản xuất súng đạn như MKEK hay tên lửa như Roketsan vẫn phải có sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sự.

Roketsan có dịch vụ kiểm nghiệm công nghệ nhiệt mà các công ty Trung Quốc vẫn ưa dùng trong khi MKEK thì không khó để tìm các sản phẩm súng săn và đạn súng săn trên các kệ hàng tại Mỹ, Châu Âu và trong nước.

Cung cấp dịch vụ vận hành bảo dưỡng, nâng cấp cải tiến

Đây cũng là một dịch vụ mang tính duy trì và kiện toàn lực lượng, trang bị của các công ty.

Không một sản phẩm quốc phòng có dù ít dù nhiều các thành phần xuất xứ nhập khẩu nào trong biên chế quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mà các công ty của họ không có dịch vụ bảo dưỡng, thậm chí nâng cấp cải tiến và huấn luyện vận hành.

Họ thực hiện dịch vụ này cho cả quân đội Mỹ đóng tại Châu Âu và Trung Đông cũng như cho các nước Trung Đông dùng vũ khí phương tây.

Lời sơ kết

Phát triển công nghiệp quốc phòng, một lĩnh vực luôn đi đầu về côn nghệ của nhân loại, không hề là điều dễ dàng với các nước có nền tảng sản xuất công nghiệp thấp.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn giải pháp đúng đắn đi tắt đón đầu để gắn mình vào một nền công nghệ toàn cầu vừa kinh doanh phục vụ dân sinh, vừa phục vụ an ninh quốc gia.

Qua đó, họ đủ sức kiện toàn nền tảng công nghệ cho việc từng bước tự chủ công nghệ quốc phòng thoả mãn nhu cầu trong nước và cạnh tranh xuất khẩu.

Những bước đi hợp lý, dứt khoát của Thổ Nhĩ Kỳ đã mang lại cho họ một bước tiến thần tốc bắt kịp mặt bằng chung của thế giới phương tây về công nghệ quốc phòng. Thành quả đó xứng đáng cho rất nhiều nước trên thế giới học hỏi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại