Chuyên gia Liên Xô "tâm phục khẩu phục" chiến thuật của bộ đội tên lửa VN

Thiên Minh |

Tư lệnh Binh chủng Phòng không Liên Xô chỉ thị cấp dưới nghiên cứu chiến thuật độc đáo của bộ đội tên lửa Việt Nam “để đúc kết viết thành tài liệu giáo án huấn luyện phổ biến cho toàn binh chủng”.

Tiết lộ về đoàn tàu tuyệt mật đưa "rồng lửa" SA-75M về Hà Nội

2 trung tâm huấn luyện đặc biệt của chuyên gia tên lửa Liên Xô ở Việt Nam

Trận đánh đầu tiên của “Rồng lửa Thăng Long” qua lời chuyên gia Liên Xô

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, để chủ động tìm đánh địch, nhằm gây cho địch bị bất ngờ, Bộ Tư lệnh tên lửa đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho phép thực hiện chiến thuật "cơ động phục kích" trong việc sử dụng tên lửa phòng không SA-75M để đánh địch.

Vấn đề này đã nảy sinh cuộc tranh luận có phần gay gắt giữa các sĩ quan tham mưu của Bộ Tư lệnh tên lửa và Đoàn chuyên gia Liên Xô của Trung tâm Huấn luyện Trung đoàn tên lửa 236. Phía Việt Nam đã lý giải nếu bố trí tên lửa ở các vị trí cố định thì dù có bắn rơi được một vài máy bay của địch, nhưng lập tức sẽ bị địch dùng lực lượng lớn đánh hủy diệt.

Đại tá Daica A.B - kỹ sư trưởng - chuyên gia của trung đoàn tên lửa 236 nhớ lại: "Các sĩ quan và binh lính Liên Xô - chuyên gia, giáo viên của Trung đoàn tên lửa 236 là quân số của Quân đoàn tên lửa phòng không Quân khu Mátxcơva. Chúng tôi bố trí tên lửa phòng không ở các trận địa cố định quanh vùng Matxcơva thành thế liên hoàn.

Cho nên khi các đồng chí Việt Nam nêu vấn đề cho tên lửa phòng không cơ động để phục kích đánh địch, lúc đầu, tôi không tin chiến thuật cơ động tên lửa SA-75M để phục kích đánh địch sẽ đạt hiệu quả. Vì rằng có thể "lợi bất cập hại", tên lửa SA-75M sản xuất ra để bố trí cố định, nếu thường xuyên di chuyển, bộ khí tài sẽ bị "xộc xệch" làm cho các khối vi điện tử hoạt động thiếu chính xác.

Nhưng qua thực tế chiến đấu ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng chiến thuật cơ động phục kích là hoàn toàn đúng. Để khắc phục tình trạng "xộc xệch" của bộ khí tài, nhất là Cabin "điều khiển" và dàn ăngten tìm kiếm, phát hiện khi kéo qua các đoạn đường đầy ổ gà, hố bom, các đường đồi núi gập ghềnh, các đường ruộng lầy lội; các đồng chí Việt Nam đã huy động nông dân đem rơm, rạ và các bó cỏ để đệm dưới các đoạn đường xấu, khi đưa các bộ khí tài này vào trận địa.

Có trường hợp, tôi chứng kiến do các trận địa mới xây dựng chưa kịp làm đường để đưa các bộ khi tài vào trận địa, hàng trăm nông dân cùng bộ đội khiêng bổng các bộ khí tài vào trận địa để kịp đánh địch.

Mục đích chính của không quân Mỹ là liên tục đánh phá các mục tiêu đã chỉ định, nhưng khi phát hiện ra trận địa tên lửa, phía Mỹ nhanh chóng tập trung lực lượng với số lượng đông gấp bội để tiêu diệt. Vì vậy, chiến thuật cơ động phục kích đã đem lại hiệu quả cao. Nó đã vô hiệu hóa phần lớn các số liệu trinh sát đường không của Mỹ, tạo ra thế bất ngờ, làm cho không quân của Mỹ không kịp chống đỡ"

Các chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Quân đội nhân dân

Các chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ Việt Nam chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Quân đội nhân dân

Sử dụng các tổ hợp tên lửa gồm biên chế thu gọn phục kích máy bay địch là chiến thuật được bộ đội tên lửa sử dụng rất rộng rãi. Các tổ hợp thu gọn này chỉ có khoảng 2-3 bệ phóng (biên chế đầy đủ là 6 bệ phóng), rút bớt xe trinh sát, chỉ thị mục tiêu và các bộ phận phụ khác nhằm đạt độ cơ động cao và tốc độ triển khai - thu hồi nhanh, kín đáo, bí mật. Những trận địa phục kích được bố trí tại những vị trí mà không quân địch không ngờ tới, đánh máy bay địch bất ngờ và hiệu quả.

Sau mỗi trận đánh, các tổ hợp tên lửa được bộ đội ta nhanh chóng thu hồi và rút khỏi trận địa, thay vào đó là trận địa giả gồm những quả tên lửa bằng tre và cót ép được sơn và ngụy trang như tên lửa thật. Thông thường, ngay ngày hôm sau địch sẽ triển khai đánh phá trận địa mà chúng phát hiện. Tuy nhiên, chúng không ngờ đã lọt vào cái bẫy chết người của bộ đội ta. Việc hạ thấp độ cao để đánh phá tổ hợp tên lửa khiến máy bay địch lọt vào giữa vùng hỏa lực của pháo phòng không đã được bố trí xung quanh trận địa tên lửa giả. Các chuyên gia Liên Xô từng tham chiến tại Việt Nam đã rất ấn tượng với cách nghi binh sáng tạo này khi mà chính họ, nhìn từ xa cũng không thể phát hiện đâu là trận địa tên lửa giả, đâu là trận địa tên lửa thật.

(Theo Quân đội Nhân dân)

Đại tá M.N.Xưganốp – Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện cho Trung đoàn tên lửa 236, người đã cùng đồng chí Trần Nhẫn, Quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 236, đồng chỉ huy trận đánh ngày 24/7/1965, phát biểu sau trận đánh: "Ở Liên Xô và các nước thành viên khối Vácxava, tên lửa SA-75M được bố trí cố định ở các trận địa liên hoàn, nhưng khi đưa sang Việt Nam, các đồng chí Việt Nam đã sử dụng loại tên lửa này một cách sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam .

Chiến thuật cơ động phục kích tên lửa SA-75M đã đánh thắng địch, nó thể hiện cách đánh của nghệ thuật quân sự Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Đoàn chuyên gia Liên Xô ở Trung tâm Huấn Luyện hoàn toàn "tâm phục khẩu phục". Đây là một chiến thuật độc đáo của bộ đội tên lửa Việt Nam.

Ở Mátxcơva, Bộ Tư lệnh Binh chủng Phòng không Liên Xô tập trung theo dõi trận đánh ngày 24/7/1965 và cũng không ngờ được rằng, với địa hình đồi núi phía tây Hà Nội, Trung đoàn đã hành quân cơ động an toàn trong hoàn cảnh địch đánh phá ác liệt như vậy, giữ được bí mật, tạo thế bất ngờ, bắn trúng địch ngay từ loạt phóng đầu tiên, bảo toàn được lực lượng.

Nguyên soái Batítxkin - Tư lệnh Binh chủng đã chỉ thị: "Những kinh nghiệm đó cần được phân tích, nghiên cứu kỹ để đúc kết viết thành tài liệu giáo án huấn luyện phổ biến cho toàn binh chủng".

Từ chỉ thị này, cuốn sách "Kinh nghiệm tác chiến của binh chủng tên lửa phòng không ở Việt Nam" đã được ấn hành ngày 23/2/1968 do Phó Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không Liên Xô là Trung tướng X.Ph.Vikhorơ làm chủ biên. Đây là tài liệu được đóng dấu "Mật" và được phổ biến đến từng Tiểu đoàn của Binh chủng để làm giáo trình huấn luyện cho bộ đội tên lửa phòng không Liên Xô.

*Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn "Vòng cung lửa trên bầu trời Hà Nội" của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, do Đại tá Lê Văn Chung sưu tầm và biên soạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại