Tiết lộ về đoàn tàu tuyệt mật đưa "rồng lửa" SA-75M về Hà Nội

Thiên Minh |

Tình báo Mỹ không hề hay biết các tên lửa SA-75M từ Liên Xô đã được vận chuyển về VN. Mãi tới sau này, khi chiếc máy bay hiện đại nhất của Mỹ bị bắn rơi, Tổng thống Mỹ Johnson phải thốt lên: “Chúng ta đã thua Hà Nội keo thứ nhất”.

"B-52 tan xác cháy sáng bầu trời, hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời. Rồng ta lao vút tới, vây bắt lũ hung thần khát máu...". Hình ảnh "rồng lửa" SA-75M đã gắn liền với chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong những năm tháng ác liệt đó, các tổ hợp tên lửa phòng không SA-75M, cùng với những cánh "én bạc" MiG-21 của Liên Xô đã góp công lớn trong việc bảo vệ bầu trời Việt Nam.

Để hiểu thêm về sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô đối với Việt Nam, xin giới thiệu tới quý độc giả loạt bài "QUAN HỆ QUÂN SỰ VIỆT-XÔ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ".

Sau một hàng loạt hành động khiêu khích, phá hoại mà đỉnh điểm là việc dàn dựng sự kiện Vịnh Bắc Bộ lấy cớ cho việc tăng cường và mở rộng chiến tranh, từ đầu năm 1965, Mỹ huy động không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Để ủng hộ ta đánh Mỹ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Matxcơva quyết định viện trợ quân sự cho Hà Nội.

Tờ Quân đội nhân dân dẫn tài liệu trích từ đề tài nghiên cứu của các tác giả ở Viện lịch sử Quân sự cho hay từ năm 1955-1975, Liên Xô đã chi viện cho ta 647 bộ điều khiển, 1.357 bệ phóng tên lửa, 10.169 đạn tên lửa, 23 quả tên lửa SA-75M, 8.686 đạn tên lửa VT 50v, cùng nhiều chủng loại vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến đấu khác.

Theo cuốn "Vòng cung lửa trên bầu trời Hà Nội" do Đại tá Lê Văn Chung sưu tầm và biên soạn, vào tháng 2/1965, các tên lửa SA-75M được cung cấp cho Việt Nam.

Việc tổ chức tiếp nhận các bộ khí tài tên lửa phòng không SA-75M cùng với cơ số đạn và các trang thiết bị đồng bộ đi kèm theo để trang bị cho 02 trung đoàn được vận chuyển cấp tốc từ Liên Xô sang Việt Nam trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối và đặc biệt là phải giữ bí mật 100%.

Hai phương án vận chuyển

Để vận chuyển tên lửa SA-75M sang Việt Nam an toàn, phía Liên Xô nêu ra 2 phương án: Một là bằng đường biển từ cảng Vladivostok (Viễn Đông) và từ cảng Odessa đến cảng Hải Phòng. Hai là vận chuyển bằng đường sắt liên vận quá cảnh qua lãnh thổ Trung Quốc đến Việt Nam.

Trong đó, phương án vận chuyển bằng đường biển vừa gọn, an toàn nhưng lại không giữ được bí mật, mà yêu cầu trong giai đoạn đầu, ta cần phải hết sức giữ bí mật về lực lượng tên lửa phòng không để tạo thế bất ngờ đối với Mỹ. Vì vậy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn phương án 2.

Tuy nhiên, việc vận chuyển bằng phương án 2 lại có 3 vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là việc quá cảnh qua lãnh thổ Trung Quốc. Hai là khổ đường sắt từ Liên Xô qua Trung Quốc đến ga Bằng Tường (biên giới Trung–Việt) là 1m45, còn đường sắt của Việt Nam là 1m, nên phải tổ chức chuyển tải ở ga Bằng Tường. Ba là, địch đánh phá ác liệt tuyến đường sắt từ Lạng Sơn đến Hà Nội nên nhiều đoạn đường và cầu rất yếu do sửa chữa gấp, sức chịu đựng kém, hơn nữa ngành đường sắt của ta chưa có kinh nghiệm chuyên chở các kiện hàng siêu trường, siêu trọng như vậy.

Anh hùng Lao động Lý Văn Du lái chuyển tàu bỉ mật chở tên lứa về địa điểm an toàn (1965) Ảnh: Sách Quân chủng Phòng không - Không quân, trang 21

Anh hùng Lao động Lý Văn Du lái chuyến tàu bí mật chở tên lửa về địa điểm an toàn (1965). Ảnh: Sách "Quân chủng Phòng không - Không quân", trang 21

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Hà Đăng Ấn được lệnh lên gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng để nhận nhiệm vụ đặc biệt nhằm giải quyết các khó khăn trên.

Lập tức hàng nghìn cán bộ kỹ thuật, công nhân các đội thanh niên xung phong của ngành giao thông vận tải, cùng hàng nghìn tấn vật tư sắt, thép, xi măng, cát sỏi, đá đã được lệnh xuất kho ngoài kế hoạch, đưa ra công trường rải dọc tuyến đường sắt từ ga Đồng Đăng về đến sân bay Bạch Mai để gia cố, sửa chữa tuyến đường sắt này. Đặc biệt là đoàn đường sắt từ ngã tư Vọng theo con đường Tàu Bay (nay là đường Trường Chinh) vào đến sân bay Bạch Mai.

Để giữ bí mật, công trường chỉ hoạt động từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Các chỉ huy công trường được lệnh ban ngày “giấu quân” thật kín đáo và ban đêm động viên các cán bộ, công nhân làm việc với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” để hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn quy định.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được lệnh chọn một số đầu máy, toa xe tốt nhất, khỏe nhất đưa vào bảo dưỡng kỹ thuật. Cục Đầu máy, toa xe được chỉ thị chọn một số kíp lái tàu giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất để chuẩn bị đi làm nhiệm vụ đặc biệt.

Có lẽ trong thời gian này, cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt Việt Nam chỉ biết rằng mình đang vinh dự tham gia xây dựng công trình chống Mỹ cứu nước, còn nhiệm vụ cụ thể như thế nào chỉ có Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ và Tổng Cục trưởng Hà Đăng Ấn được biết.

Cũng trong thời gian này, ở Liên Xô, công việc chuẩn bị đưa các chuyên gia và cán bộ tên lửa phòng không SA-75M, các trang thiết bị đang diễn ra khẩn trương nhưng hết sức bí mật.

Tên lửa phòng không SA-75 là sản phẩm của Viện Thiết kế tên lửa KB-I, được chế tạo thử nghiệm vào tháng 5/1953.

Bộ tên lửa SA-75 được cải tiến lần thứ nhất mang ký hiệu SA-75M (NATO đặt ký hiệu cho SA-75M là SAM-2).

Bộ tên lửa SA-75M bao gồm các bộ phận sau: cabin U – đài điều khiển; Cabin A – hệ thống tính toán; Cabin P – xe thu phát; Radar đài I (P-12) – trinh sát và chỉ thị mục tiêu; bệ phóng tên lửa SNR-75, tên lửa có điều khiển V-750, máy nổ để cung cấp nguồn điện và các thiết bị thông tin chỉ huy nội bộ; xe chở đạn TZM.

Theo tính năng kỹ thuật, tên lửa SA-75M có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 300-27.000m, ở cự ly từ 25.000m đến 34.000m.

Thiếu tướng I.A.Đemsencô, người có mặt trên con tàu Liên Xô vận chuyển các tên lửa SA-75M tới Việt Nam nhớ lại: "Đầu tháng 2/1965, toàn bộ sĩ quan và chiến sĩ được lệnh tập trung khẩn cấp. Trung đoàn trưởng - Đại tá N.V.Bagienốp công bố lệnh điều động chúng tôi thực hiện chuyến công tác đặc biệt sang Việt Nam chiến đấu. Toàn Trung đoàn được chuyển sang chế độ thời chiến.

Chúng tôi được đưa lên một đoàn tàu đặc biệt để đến trường bắn tên lửa Capuxin Iarơ nhận khí tài, thiết bị kỹ thuật của bộ tên lửa SA-75M... Sau đó, đoàn tàu lao nhanh về hướng Đông. Khi đến sát thành phố Sita, đoàn tàu dừng lại một ngày một đêm. Sau này chúng tôi được biết, việc cho đoàn tàu chạy theo hành trình như vậy để nhằm mục đích đánh lạc hướng cơ quan điều tra tình báo của địch.

Sau 5 ngày chạy trên lãnh thổ của Trung Quốc, đến sáng ngày thứ 6, đoàn tàu đến ga biên giới Trung - Việt (ga Bằng Tường) và được nghỉ lại ở đây. Tôi vừa mới tắm xong, chưa kịp gội đầu đã được lệnh gặp Trung đoàn trưởng gấp.

Đại tá Bagienốp thông báo: vì khung đường sắt, cũng như các cây cầu trên lãnh thổ Việt Nam đều hẹp hơn so với của Liên Xô và Trung Quốc nên cần chuyển tất cả các khí tài từ toa xe của chúng tôi sang các toa xe trần của Việt Nam, chằng buộc các bộ khí tài và phủ bạt ngụy trang. Tất cả các công việc này giao cho tôi chỉ huy và phải hoàn thành trước lúc rạng đông ngày hôm sau.

Chúng tôi có mặt ở hiện trường, các toa xe trần của Việt Nam được đẩy đến. Không có cần cẩu, việc chuyển các kiện hàng nặng hàng nghìn tấn từ toa xe của chúng tôi sang toa xe của Việt Nam đều phải dùng bằng tay và dây kéo. Một công việc không dễ dàng chút nào. Đến chiều tối, toàn Trung đoàn được chuyển lên các toa xe có giường cứng".

Tình báo Mỹ không hề hay biết

Đúng 18 giờ ngày hôm đó, đoàn tàu mang mật danh 210 (của Việt Nam) chuyển bánh. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, đoàn tàu được thiết lập 2 đầu máy kéo và đẩy, chạy một mạch từ ga Bằng Tường (Trung Quốc) đến “ga” sân bay Bạch Mai, chỉ dừng ở ga Đồng Mỏ để lấy nước.

Tất cả các đoàn tàu khách, tàu hàng chạy cùng chiều hoặc ngược chiều đều phải dừng lại các ga để nhường đường cho Đoàn tàu 210. Tất cả các trưởng nhà ga được lệnh trực tiếp chỉ huy cho đến khi Đoàn tàu 210 đi qua địa phận mình phụ trách. Chính quyền địa phương đều bố trí lực lượng công an, dân quân tự vệ gác ở hai đầu các đường dân sinh cắt ngang qua đường sắt.

Để phòng địch đánh đêm, tại các trọng điểm được bố trí các đơn vị pháo cao xạ bảo vệ, Trung đoàn không quân 923 ở sân bay Kép được đặt chế độ trực chiến cấp I sẵn sàng cất cánh để đánh địch.

Tại Trung tâm Điều độ của Tổng cục Đường Sắt, đích thân Tổng cục trưởng Hà Đăng Ấn trực tiếp chỉ huy. Tại Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân có mặt: Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính, cùng các Phó Tư lệnh và Thủ trưởng các cơ quan Tham mưu, Hậu cần, Kỹ thuật đang tập trung theo dõi hành trình của đoàn tàu.

Tên lửa bảo vệ Thủ đô tiến công máy bay B52 của Mỹ (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)
Tên lửa bảo vệ Thủ đô tiến công máy bay B52 của Mỹ (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Tất cả mọi hoạt động của đơn vị trong và ngoài quân đội đều nhằm mục đích bảo vệ an toàn tuyệt đối cho chuyến tàu chở các bộ tên lửa phòng không SA-75M đầu tiên từ Liên Xô gửi sang cho ta.

Đã 1 giờ sáng, khi người dân thành phố Hà Nội còn đang im lìm trong giấc ngủ thì Đoàn tàu 210 kéo sang hàng chục toa xe với các kiện hàng phủ bạt kín mít do Anh hùng lao động ngành Đường sắt Lý Văn Du chỉ huy và trực tiếp lái đã về “ga” sân bay Bạch Mai an toàn.

Ngay đêm hôm đó, khi đoàn tàu vừa dừng bánh, các kiện hàng đặc biệt siêu trọng, siêu trường đã được chuyển gấp sang đoàn xe tải, xe xích đang chờ sẵn để chuyển về các bãi ổi ven bờ sông Đáy khu vực Mai Lĩnh, Chương Mỹ, Hà Tây. Các sĩ quan và chiến sĩ quân đội Liên Xô – bộ khung giáo viên huấn luyện cho Trung đoàn tên lửa phòng không 236 đi theo đoàn tàu - đã được đưa về khách sạn Kim Liên – Hà Nội. Cho đến lúc này, mạng tình báo của địch không hề hay biết gì.

Việc vận chuyển khí tài và đạn tên lửa qua Trung Quốc đã diễn ra hết sức thuận lợi về mặt thời gian và giữ được bí mật đối với Mỹ.

Một thời gian ngắn sau khi quân đội ta tiếp nhận khí tài, tên lửa SA-75M đã xuất trận và làm nên chiến công hiển hách đầu tiên. Trong chiến thắng vẻ vang này, phải nhắc tới sự giúp đỡ, huấn luyện tận tình của các chuyên gia quân sự Liên Xô.

Mời độc giả đọc bài tiếp theo: 2 trung tâm huấn luyện đặc biệt của chuyên gia tên lửa Liên Xô ở Việt Nam

*Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn "Vòng cung lửa trên bầu trời Hà Nội" của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, do Đại tá Lê Văn Chung sưu tầm và biên soạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại