Tìm hiểu loại máy bay vận tải cánh quạt lớn nhất của Việt Nam

Phi Yến |

Il-18 mới là máy bay vận tải sử dụng động cơ cánh quạt lớn nhất mà Việt Nam đã từng sở hữu chứ không phải những chiếc C-130 chiến lợi phẩm.

Ilyushin Il-18 (Tên định danh NATO: Coot) là loại máy bay vận tải hạng trung 4 động cơ cánh quạt thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 4/7/1957. Il-18 được sử dụng phổ biến trên thế giới trong nhiều thập niên với tổng số hơn 800 chiếc sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1957 - 1978.

Thông số kỹ thuật cơ bản: Phi hành đoàn 6 - 9 người; dài 37,4 m; sải cánh 37,9 m; đường kính thân 3,5 m; cao 10,17 m; trọng lượng rỗng 35.000 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 64.000 kg; Il-18 được trang bị 4 động cơ turbine cánh quạt Ivchenko AI-20 công suất 3.169 kW (4.250 mã lực) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 675 km/h, tầm bay 6.500 km, trần bay 10.000 m, sức chứa 65 - 120 hành khách (tùy thuộc phiên bản).

Với đặc tính bền bỉ của vật liệu sử dụng làm khung thân máy bay trong thời kỳ này, Il-18 có thể đạt dự trữ hành trình đến hơn 45.000 giờ bay và nhiều chiếc vẫn còn hoạt động cho tới tận ngày nay.

Một chiếc Il-18 đang hoạt động của Nga

Vào đầu những năm 1950, đứng trước yêu cầu thay thế các loại máy bay thế hệ cũ và tăng kích thước đội tàu bay vận tải dân sự, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ngày 30/12/1955 đã ra chỉ thị yêu cầu các nhà thiết kế trưởng Kuznetsov và Ivchenko phát triển những loại động cơ cánh quạt thế hệ mới để Ilyushin và Antonov thiết kế loại máy bay phù hợp với các động cơ này.

Hai mẫu máy bay được phát triển theo chương trình trên gồm Ilyushin Il-18 và Antonov An-10, tuy nhiên loại động cơ được chọn lựa ban đầu là Kuznetsov NK-4 chứ không phải Ivchenko AI-20.

Máy bay Il-18V tại sân bay Prestwick thời điểm năm 1960

Nguyên mẫu thiết kế của Il-18 mang mã SSSR-L5811 được giới thiệu vào tháng 6/1957. Sau các thử nghiệm trên mặt đất, vào ngày 4/7/1957 SSSR-L5811 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Khodynka. Đến ngày 10/7/1957, chiếc máy bay di chuyển tới sân bay Vnukovo - Moscow để trình diễn tính năng trước một ủy ban của Chính phủ Liên Xô cùng với nguyên mẫu Antonov An-10 và Tupolev Tu-114. Tại đây, SSSR-L5811 chính thức được định danh là Il-18.

Ngay trong năm 1957, phiên bản Il-18A bắt đầu được sản xuất tại Nhà máy số 30 tại Khodynka, gần văn phòng thiết kế của Ilyushin, Il-18A khác biệt với mẫu thử SSSR-L5811 ở một số chi tiết bên trong để tăng số lượng hành khách chuyên chở được từ 75 lên đến 89 người.

5 máy bay quân sự cánh quạt nổi tiếng nhất thế giới 5 máy bay quân sự cánh quạt nổi tiếng nhất thế giới

Giữa thời đại phản lực, máy bay quân sự sử dụng động cơ cánh quạt vẫn có chỗ đứng riêng và chưa thể thay thế ít nhất là trong tương lai trước mắt.

Đến tháng 7/1958, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô quyết định từ tháng 11/1958, các máy bay Il-18 sản xuất mới sẽ sử dụng động cơ Ivchenko AI-20 thay cho Kuznetsov NK-4. Chỉ có 20 chiếc Il-18A được sản xuất trước khi chuyển sang biến thể Il-18B có trọng lượng lớn hơn, phần mũi được thiết kế lại với một mái che radar mới và chiều dài tăng thêm 20 cm.

Il-18B với động cơ Ivchenko AI-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 30/9/1958, biến thể chuyên dùng để chở VIP định danh Il-18S cũng đồng thời được sản xuất. Phiên bản cải tiến sâu của Il-18B là Il-18V gồm một số thay đổi về nội thất được giới thiệu tháng 12/1959 và sản xuất hàng loạt tới năm 1965 với tổng số 334 chiếc xuất xưởng.

Một số biến thể của Il-18 được chế tạo phục vụ mục đích quân sự gồm Il-20M Coot A - máy bay trinh sát điện tử (ELINT), còn được biết đến với tên gọi Il-18D-36 Bizon; IL-20RT - phiên bản ELINT của hải quân; Il-22 Coot B - máy bay chuyển tiếp chỉ huy trên không; Il-24 - phiên bản ELINT nâng cấp của Il-20M và biến thể nổi tiếng nhất Il-38 - máy bay tuần tra chống ngầm.

Phiên bản máy bay tuần tra săn ngầm Il-38

Toàn cảnh phi đội máy bay vận tải Antonov của Việt Nam Toàn cảnh phi đội máy bay vận tải Antonov của Việt Nam

(Soha.vn) - Antonov là cơ sở sản xuất và dịch vụ máy bay có trụ sở tại Ukraine, với chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất máy bay vận tải từ cỡ nhỏ tới siêu lớn.

Việt Nam được Liên Xô viện trợ chiếc Il-18V đầu tiên mang số hiệu 195 vào đầu những năm 1970, chiếc máy bay này đã được lựa chọn làm chuyên cơ phục vụ các chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Máy bay Il-18 số hiệu 195 chính là chiếc "Chuyên cơ lịch sử" đã chở các đồng chí Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng cùng nhiều nhân vật quan trọng trong Bộ chính trị hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 11h45 ngày 13/5/1975 trong niềm hân hoan Bắc - Nam sum họp một nhà.

Chiếc Il-18 số hiệu 195 trong chuyến công du Paris năm 1970

Việt Nam đã nhận được từ Liên Xô tổng cộng 4 chiếc Il-18 mang số hiệu từ 195 đến 198. Sau ngày đất nước thống nhất, những chiếc Il-18 trên được chuyển giao cho Hãng hàng không quốc gia Việt Nam quản lý, máy bay được sơn lại và số hiệu có thêm các chữ cái VN-B.

Dưới đây là một số hình ảnh về máy bay vận tải Il-18 sau khi chuyển giao cho Vietnam Airlines quản lý:

Il-18 số hiệu VN-B195 trong chuyến công du Phần Lan ngày 29/5/1977

Il-18 số hiệu VN-B196 tại sân bay Tân Sơn Nhất

Il-18 số hiệu VN-B198 tại sân bay Nội Bài

Toàn bộ số máy bay Il-18 của Việt Nam đã được cho nghỉ hưu từ thập niên 1980 để nhường chỗ cho những chiếc phản lực Tu-134 và sau đó là Boeing và Airbus hiện đại hơn. Hiện nay khung vỏ những chiếc Il-18 này đang nằm trong khu vực sân đỗ tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Il-18 số hiệu VN-B196 tại khu vực sân đỗ sân bay Nội Bài

Máy bay Ilyushin Il-18 cất cánh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại