Tiết lộ về đoàn tàu tuyệt mật đưa "rồng lửa" SA-75M về Hà Nội
2 trung tâm huấn luyện đặc biệt của chuyên gia tên lửa Liên Xô ở Việt Nam
Sau khi đánh hỏng hoàn toàn các cầu lớn từ Thanh Hoá trở vào (trừ cầu Hàm Rồng), ngày 8 tháng 5 năm 1965, không quân Mỹ đã vượt qua vĩ tuyến 20 mở rộng đánh ra toàn miền Bắc Việt Nam.
Địch cho rằng lực lượng phòng không của ta từ vĩ tuyến 20 trở ra vẫn chỉ có pháo cao xạ là chính, còn không quân mới chỉ có MiG-17. Vì vậy, chúng thay đổi thủ đoạn đánh phá nhằm đối phó với cao xạ và không quân của ta. Chúng cho máy bay cường kích bay trên độ cao trung bình để tránh hỏa lực cao xạ, tăng cường máy bay tiêm kích để đối phó với MiG-17 của ta, nhằm bảo vệ lực lượng cường kích đánh phá mục tiêu.
Thời kỳ đầu chống chiến tranh phá hoại, Không quân Việt Nam chỉ có mấy chục chiếc MiG-17F mà quân Mỹ cho là "cổ lỗ sĩ".
Để đánh trả bước leo thang mới của địch, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức các trung đoàn cao xạ cơ động để đánh địch, liên tục cho MiG-17 xuất kích. Nhưng với thủ đoạn mới của địch, cao xạ đánh với tầm nên không đạt hiệu quả. MiG-17 chưa tìm ra được cách đánh để chọc thủng hàng rào lực lượng tiêm kích của địch để vào đánh lực lượng cường kích ném bom nhằm bảo vệ mục tiêu.
Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu quyết định đưa tên lửa ra chiến đấu, mặc dù bộ đội tên lửa đang trong giai đoạn huấn luyện cuối cùng. Thực hiện lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân đã lập phương án tác chiến để đưa Trung đoàn tên lửa đầu tiên ra trận.
Đêm ngày 22, rạng sáng 23/7/1965, Quyền Trung đoàn trưởng Trần Nhẫn ra lệnh hành quân. Hàng trăm xe máy, đạn tên lửa rầm rập lên đường trong đêm tối. Tất cả các xe máy phải bật đèn gầm và di chuyển với tốc độ trung bình ở khoảng dãn cách lớn để đề phòng máy bay Mỹ phát hiện.
Từ địa điểm đóng quân Đồn điền Mỏ Chén (Thạch Thất - Hà Tây) đến trận địa chiến đấu, trung đoàn tên lửa phòng không phải băng qua các cánh đồng lúa, những khu rừng, những ngọn đồi, nhiều đoạn đường bị bom địch bắn phá, vừa mới được san lấp vội để đơn vị hành quân qua.
Ban ngày, toàn trung đoàn phải ẩn mình vào các bụi cây, lũy tre làng, được nhân dân hai bên đường chặt cây cối, cả những cây ăn quả lâu năm của mình để cho bộ đội ngụy trang xe pháo, nhất là các quả đạn tên lửa phòng không lần đầu tiên người dân ở ven đường nhìn thấy.
Rạng sáng ngày 24/7, toàn trung đoàn tên lửa 236 đã vào chiếm lĩnh trận địa. Hai tiểu đoàn 63 và 64 đã đưa được các quả đạn vào vị trí và chờ lệnh.
Tại Sở chỉ huy của Trung đoàn, đồng chí đại tá M.N Xưganốp tâm sự trong lúc chờ địch: "Từ khi vào binh chủng phòng không, được sử dụng vũ khí là tên lửa phòng không SA-75M, đây là lần đầu tiên tôi chỉ huy đơn vị bắn đạn thật nhưng không phải là bắn vào các bia ở trường bắn, mà là các máy bay phản lực hiện đại do các phi công sừng sỏ của Mỹ lái. Vì vậy, không được phép bắn trượt. Muốn vậy phải hết sức thận trọng tính toán chính xác để điều khiển đạn đến mục tiêu".
Lúc 15 giờ 40, trên màn hiện sóng 9x9 của Tiểu đoàn trưởng xuất hiện một tốp máy bay địch từ hướng Mộc Châu - Sơn La vào đánh nhà máy phốt phát Lâm Thao - Việt Trì. Ở hướng thứ hai, một tốp 4 chiếc F4C (con Ma) xuất hiện bay theo dọc sông Đà lên hướng bắc. Đây là tốp tiêm kích làm nhiệm vụ chặn kích đề phòng MiG của ta ở sân bay Nội Bài lên đánh các tốp máy bay cường kích đang ném bom ở Việt Trì.
Phía Mỹ bay từng tốp 2 chiếc một sóng đôi y như bay trong lễ duyệt binh, tham số bay của tốp này rất ổn định. Chúng không cần đề phòng hỏa lực của cao xạ, vì cao xạ không thể với tới. Nhưng quân địch không thể ngờ rằng tính mạng của chúng đã nằm trên màn hiện sóng của các sĩ quan điều khiển tên lửa.
Một chiếc F-4C tại Bảo tàng Quốc gia của Không quân Mỹ.
Lệnh của Sở Chỉ huy Trung đoàn cho các tiểu đoàn phát sóng theo phương vị 240-260 ở cự ly 50 km. Tiểu đoàn 63 bắt tốp 04A ở độ cao 7km, cự ly 36 km phương vị 250. Tiểu đoàn 64 bắt tốp 04B (đi sau) ở độ cao 7 km, cự ly 34 km, phương vị 254. Mục tiêu vào đến giao điểm đúng tim (BM) trên màn hiện sóng. Thời cơ chín muồi đã đến...
F-4 Phantom II đã được dùng trong quân đội Hoa Kỳ từ năm 1960 đến năm 1996 và là máy bay tiêm kích ưu thế trên không, cũng như là máy bay chiến đấu ném bom chính của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến trong Chiến tranh Việt Nam. F-4 cũng được trang bị cho quân đội của nhiều nước khác, và cho đến năm 2001 vẫn còn hơn 1.000 máy bay F-4 đang được sử dụng ở 11 nước trên toàn thế giới.
F-4 Phantom II là một loại máy bay tiêm kích-ném bom tầm xa siêu âm hai chỗ ngồi hoạt động trong mọi thời tiết, được hãng McDonnell Douglas thiết kế và chế tạo vào năm 1958 cho Hải quân Hoa Kỳ.
Vận tốc bay tối đa của F-4 là 2.260km/h, trần bay thực tế 16.600-17.900m, tầm bay xa thực tế không có thùng dầu phụ là 2.380km
F-4 được trang bị radar mạnh, cũng như vũ khí "có một không hai" như 4 quả tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder (sau này có giai đoạn được thay bằng AIM-4D) và 4 tên lửa AIM-7 Sparrow tầm trung gắn trên thân.
Các phiên bản nâng cấp của F-4 có khả năng mang các loại tên lửa đối không: AIM-120 AMRAAM, AAM-3, IRIS-T, Skyflash. Có đến 8.480kg vũ khí gắn trên 9 đế trên cánh và thân, bao gồm bom thông thường, bom chùm, bom dẫn đường bằng laser, rocket, tên lửa đối đất, tên lửa đối hạm, vũ khí hạt nhân.
Thượng sĩ cận vệ Côlêxnhic Nicôlai - Giáo viên đại đội bệ phóng của Tiểu đoàn 63 Trung đoàn 236 thuật lại không khí gay cấn của trận đánh trong một đoạn hồi ký:
"Qua loa phóng thanh, tôi nghe Tiểu đoàn trưởng hô: Chuẩn bị phóng.
Chạy ra bệ phóng nhanh lên! Tôi hét lên với các học viên Việt Nam cùng chúng tôi tháo vỏ bạt ngụy trang các quả đạn. Mọi người thao tác rất nhanh các công đoạn chuẩn bị phóng của mình. Thời gian tính bằng giây phút.
- Số 1 sẵn sàng!
- Số 2 sẵn sàng!
- Số 3 sẵn sàng!
Các trắc thủ trong khẩu đội báo cáo ngắn gọn, dứt khoát.
Tôi kiểm tra vị trí của các bộ cảm biến, nối mạch những ổ cắm trên thân quả đạn tên lửa V750. Tôi báo cáo về Cabin điều khiển.
- Bệ phóng sẵn sàng chiến đấu!
Trong ống nghe tôi nghe rõ những câu trao đổi qua hệ thống liên lạc khuếch đại:
- Góc phương vị 120, cự ly: 32.
- Chuyển sang chế độ bám tự động (chế độ AX).
- Rõ, chuyển sang chế độ AX.
Tôi hạ lệnh:
- Khẩu đội bệ phóng vào hầm trú ẩn.
Tôi và đồng đội vừa đóng sập cửa khoang trên bệ phóng, thì lập tức nghe hiệu lệnh đưa bệ phóng vào tư thế đồng bộ. Bệ phóng cùng tên lửa bắt đầu dịch chuyển vào góc độ phóng. Chúng tôi lao nhanh xuống các hầm trú ẩn. Tôi báo cáo Tiểu đoàn trưởng:
- Trung đội bệ phóng đã vào hầm trú ẩn. Tiếng Tiểu đoàn trưởng ra lệnh:
- Tiêu diệt tốp mục tiêu. Phóng loạt 3 quả, dãn cách 6 giây.
- Bệ 1 phóng!
- Rõ! Bệ 1 phóng đạn. Sĩ quan điều khiển đáp.
Một tiếng nổ đinh tai, khiến chúng tôi phải nằm rạp xuống đất. Quả tên lửa như mũi tên lao lên bầu trời. Tiếp đó là bệ 2, bệ 3 phóng đạn. Từ phía trên đường hào đất đá tung bụi mù rơi xuống chỗ chúng tôi. Luồng khí đẩy của động cơ tên lửa đã thổi tung đất cát lên cao mấy chục mét. May mà chúng tôi đã đội mũ sắt.
Các động cơ ở tầng 1 đã tách, tầng 2 tiếp tục lao đi. Ba tên lửa tạo thành 3 chấm đỏ lao lên cao.
- Kích hoạt ngòi nổ vô tuyến K3!
Một ánh chớp sáng chói bung ra. Qua ống nghe khuếch đại, tôi nghe thấy sĩ quan điều khiển báo cáo: Quả 1 nổ, quả 2 nổ, quả 3 nổ. Mục tiêu đã bị tiêu diệt. Tôi nghe thấy sĩ quan điều khiển báo cáo với giọng đầy xúc động.
Chiếc máy bay địch bùng nổ trên trời xanh, bốc cháy lao xuống đất, kéo theo một vệt khói đen vạch rõ đường rơi của nó. Trên không trung, chúng tôi nhìn thấy chiếc dù đỏ treo lơ lửng. Phì công đã nhảy dù.
Trung đội bệ phóng sung sướng bắt tay nhau.
- Chúc mừng chiến thắng đầu tiên.
Thôi! Hãy trở về bệ phóng - tôi ra lệnh, và chúng tôi lại lao lên phía trên.
Như vậy, tốp máy bay F4C có 4 chiếc, trúng đạn 3 chiếc, 1 chiếc rơi tại chỗ, phi công nhảy dù. Hai chiếc bị thương vội quay đầu về phía Tây Nam.
Đồng chí Chính ủy Trung đoàn Phạm Đăng Ty đến trận địa của Tiểu đoàn 63. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân báo cáo với Chính ủy đã bắn rơi tại chỗ một chiếc F4C.
Chính ủy vui vẻ trả lời: Máy bay địch mới rơi trên màn hiện sóng, ta phải nắm được đuôi của nó. Trung đoàn đã cho quân báo đi tìm rồi.
Vài giờ sau, chiếc xe "Commăngca" GAT của Trung đoàn trở về, đem theo tên phi công nhảy dù - đại úy lái chiếc F4C tên là Risoóc Pôncơn và mảnh xác máy bay có nhãn hiệu F4C.
Xác chiếc máy bay F4 Mỹ bị tên lửa ta bắn rơi đầu tiên cùng viên đại uý phi công Risoóc Pôncơn bị bắt sống trong chiến thắng lịch sử ngày 24/7.
Tất cả chuyên gia và học viên của hai tiểu đoàn 63 và 64 đều vô cùng phấn khởi, vui vẻ. Đồng chí Thượng úy V.M Cônxtantinốp mồ hôi nhễ nhại, nhảy ra khỏi Cabin điều khiển, nói với giọng vui vẻ: Không khí trong cabin điều khiển thật sự không thể chịu nổi vì nóng bức, ngột ngạt, độ ẩm không khí cao. Hơn nữa lại có 2 khẩu đội chuyên gia Liên Xô và học viên Việt Nam cùng ngồi trong một cabin bằng sắt được nung nóng dưới ánh mặt trời 40°C như thế này thì chịu sao nổi. Nhưng ai cũng vui mừng vì lần đầu phóng tên lửa thật và đã bắn rơi được chiếc máy bay thật, mà là "Con Ma" (F4C) của Mỹ đấy".
Sau chiến thắng vẻ vang, ngày 24/7/1965 đã đi vào lịch sử binh chủng tên lửa Việt Nam của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh lấy ngày 24/7 hàng năm là ngày Truyền thống của binh chủng Tên lửa.
Với trận chiến đấu thắng lợi này, các học viên của Trung đoàn tên lửa phòng không 236 coi như đã tốt nghiệp trong kỳ thi sát hạch bắn đạn thật. Các giáo viên Liên Xô công nhận họ đã có thể độc lập đảm đương hoàn thành nhiệm vụ ở các vị trí chiến đấu trong bộ tên lửa phòng không SA-75M.
Đối với các chuyên gia - giáo viên Liên Xô của Trung Đoàn tên lửa 236, ngày 24/7/1965 cũng là ngày lịch sử. Vì kể từ khi ra đời vào cuối những năm 1950 và được trang bị cho binh chủng tên lửa phòng không Liên Xô, các quả đạn tên lửa SA-75M đã được phóng nhiều lần, nhưng đó chỉ là ở trường bắn.
Đây là lần đầu tiên, những quả đạn tên lửa V750 trong bộ khí tài tên lửa phòng không SA-75M ở thế hệ đầu chưa một lần qua thực nghiệm chiến đấu được đưa ra trận.
Ngay từ loạt đạn đầu được phóng đi đã bắn trúng mục tiêu. Đó là tốp F4C-Con Ma - loại máy bay tiêm cường kích hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Cuộc chiến đấu trên bầu trời Ba Vì - Bất Bạt ngày hôm đó đã là cuộc thử nghiệm thành công loại tên lửa SA-75M của Liên Xô.
Qua cuộc thử nghiệm này, đã phát hiện được ưu điểm, nhược điểm của bộ khí tài. Tài liệu quý giá đã giúp cho các Tổng công trình sư - cha đẻ của loại tên lửa phòng không SA-75M hoàn thiện "tác phẩm" của mình.
Không những vậy, trong quá trình chiến đấu, bộ đội phòng không Việt Nam đã sáng tạo ra một chiến thuật đặc biệt, khiến các chuyên gia Liên Xô hết sức khâm phục.
Để hiểu thêm về chiến thuật độc đáo này của bộ đội tên lửa Việt Nam, mời quý độc giả đọc bài tiếp theo: Chuyên gia Liên Xô "tâm phục khẩu phục" chiến thuật của bộ đội tên lửa VN
*Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn "Vòng cung lửa trên bầu trời Hà Nội" của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, do Đại tá Lê Văn Chung sưu tầm và biên soạn.