Chuyện chưa từng biết về cây bom 3 càng độc nhất vô nhị ở VN

Công binh cũng đã thử tháo cây bom 3 càng này để vô hiệu hóa nó, nhưng rồi không được vì cây bom trông tuy thô sơ nhưng rất khó tháo lắp.

“Hiện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vẫn lưu giữ một cây bom 3 càng, có lẽ là cây duy nhất còn sót lại trong số 93 cây được sản xuất. Tuy nhiên, vì sự nguy hiểm của nó chúng tôi không dám trưng bày mà phải cất giữ cẩn thận trong kho” - Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương cho biết.

Từng là Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ông có thể cho biết về sự ra đời của bom 3 càng?

- Cây bom 3 càng của ta có xuất xứ từ một loại vũ khí của Nhật, sau đó được mình cải tiến cho phù hợp với điều kiện. Bom 3 càng của Nhật không phải để cho cảm tử quân dùng mà có bệ phóng (mâm bay). Khi được phóng đi, quả bom lao vào mục tiêu, 3 núm bên ngoài quả bom chạm vào bề mặt xe tăng, xe bọc thép đối phương sẽ kích nổ khối thuốc bên trong tạo nên một sức khoan phá khủng khiếp. Tuy nhiên, thời đó ta không thể làm bệ phóng nên buộc phải sử dụng người thay thế, đó chính là những chiến sĩ cảm tử quân. Vì sao ta phải chấp nhận hy sinh, là để có thêm vũ khí đánh Pháp vì lúc bấy giờ Pháp có những lô cốt, những xe tăng, xe bọc thép cơ động, trong khi ta mới đang manh nha việc sản xuất một loại vũ khí hạng nặng chống tăng (súng Bazoka) nên bắt buộc phải chấp nhận sự hy sinh.

Bom 3 càng có vai trò thế nào trong chiến đấu?

- Loại vũ khí này được đánh giá khá hiệu quả, có tính sát thương cao. Mỗi cây bom có chiều dài gần 2m, phần đầu là khối thuốc được bọc trong vỏ sắt, cây cầm bằng gỗ hoặc tre, tổng trọng lượng cây bom khoảng hơn 10kg, khi lao vào chướng ngại vật thì phải có một lực tương đương 30 – 40kg mới có thể kích nổ bom.

Quân đội Việt Minh những năm 1946, 1947 là một đội quân còn non trẻ, vũ khí có gì dùng nấy, trong khi đối phương trang bị đến tận răng, mạnh gấp mình hàng trăm lần thì đành phải chấp nhận hy sinh. Cho tới những năm 1950, 1951, quân đội ta về cơ bản vẫn là đội quân của những nông dân mặc áo lính, vũ khí thô sơ, có một số loại vũ khí được xưởng quân giới (do Giáo sư- Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đứng đầu) sản xuất nhưng chưa thực sự hiện đại. Sau này chúng ta có thêm súng SKZ, Bazoka mới là những vũ khí có sự tiến bộ vượt bậc.

Thiếu tướng Lê Mã Lương

Thiếu tướng Lê Mã Lương

Đã có tổng cộng bao nhiêu cây bom được sản xuất và sử dụng, thưa Thiếu tướng?

- Theo số liệu không đầy đủ của Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) thì có 93 cây bom 3 càng được sản xuất, trong khoảng thời gian từ tháng 3.1946 đến tháng 12.1946 do anh em công binh xưởng của Liên khu 10 (Bộ Tư lệnh Thủ đô bây giờ) sản xuất tại khu vực Gia Lâm và một điểm dưới Hà Đông. Trong số này, ta mới sử dụng 47 cây và có 35 chiến sĩ cảm tử hy sinh.

Trong giai đoạn lịch sử ngắn ngủi (cuối 1946 đến tháng 1.1947), bom 3 càng là loại vũ khí khiến cho quân Pháp kinh hoàng. Thậm chí, họ phải kính nể quân đội của Cụ Hồ, một quân đội được trang bị hết sức thô sơ nhưng lại có vũ khí rất mạnh là lòng yêu nước và tự tôn dân tộc.

Những chiến sĩ cảm tử quân đã được ghi nhận công lao và tôn vinh xứng đáng chưa, thưa ông?

- Tôi được biết Trung đoàn Thủ đô có danh sách 35 cảm tử quân hy sinh, nhưng vẫn chưa tìm được nên hiện giờ tại bảo tàng chỉ có danh sách 27 người đã xác định được tên tuổi, quê quán. Đa phần các liệt sĩ đều tập trung ở tỉnh Hà Tây (cũ) và Hà Nội, đều hy sinh vào giai đoạn cuối năm 1946 đầu năm 1947.

Một điều tôi cho là đáng tiếc là chúng ta ít có dịp để vinh danh sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cảm tử quân. Ngày đó, các đội cảm tử quân được lập ở phía nam, bắc, đông và tây thành Hà Nội, mỗi đội có từ 9 – 11 người, thuộc Trung đoàn Thủ đô (sau là Trung đoàn 102) và Tự vệ thành. Chưa cần cầm bom lao vào địch, chỉ mới đăng ký vào đội cảm tử quân thì họ cũng đã là những anh hùng rồi.

Bảo tàng còn lưu giữ cây bom nào không, thưa Thiếu tướng?

- Hiện bảo tàng đang giữ một cây bom thật. Vì sự an toàn nên cây bom này phải cất dưới kho, bảo quản trong chế độ đặc biệt, xung quanh bọc một lớp tôn để phòng bị nổ, luôn phải đảm bảo nhiệt độ nhất định. Cây này được tìm thấy trong quá trình người dân đào đất xây nhà trên phố Hàng Bông. Sau này chúng tôi tiếp nhận và đưa về bảo tàng năm 1983. Có thể coi nó là cây bom độc nhất vô nhị còn sót lại ở Việt Nam. Công binh cũng đã thử tháo bom để vô hiệu hóa nó, nhưng rồi không được vì cây bom trông tuy thô sơ nhưng rất khó tháo lắp.

Trong quá trình sưu tầm kỷ vật để phục dựng lại giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1946, liên quan tới những người lính cảm tử ôm bom 3 càng, có kỷ niệm nào sâu đậm với ông?

 Cần vinh danh những người chiến sĩ cảm tử quân sẵn sàng hy sinh thân mình, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Không có họ thì không có những chiến thắng sau này...

Thiếu tướng Lê Mã Lương.

- Tôi nhớ trong quá trình sưu tầm kỷ vật, có một người cảm tử quân mà tôi nhớ mãi, đó là liệt sĩ Bùi Văn Vòng (quê ở Thường Tín, Hà Tây cũ), thuộc Tự vệ thành Hà Nội. Ông hy sinh tháng 1.1947, trong một trận đánh ở phố Hàng Bồ. Khi hy sinh, ông đã lấy vợ và kịp có 4 người con, trong đó có một người bây giờ rất nổi tiếng, chính là NSƯT, đạo diễn, diễn viên Bùi Cường.

Ngày đó, trong cuộc chiến không cân sức ở phố Hàng Bồ, ông đã ôm bom 3 càng lao vào xe tăng địch. Xe địch cháy thì thân xác ông cũng gần như không còn. Sau đó, chính Bác Hồ là người ký giấy công nhân liệt sĩ với ông Bùi Văn Vòng.

Năm 1999, tình cờ trong một dịp tôi có gặp nghệ sĩ Bùi Cường, anh có nói với tôi rằng cha anh cũng là một chiến sĩ cảm tử quân của Tự vệ thành. Bất giác tôi hỏi ngay: “Cha anh là liệt sĩ Bùi Văn Vòng phải không?”. Bùi Cường ngạc nhiên lắm. Tôi bảo tôi biết anh cũng quê ở Thường Tín, cũng cùng họ với liệt sĩ Vòng nên tôi đoán ngay vậy. Bùi Cường buồn mà rằng: Bao nhiêu năm qua, gia đình bỏ nhiều công sức đi tìm phần mộ của cha nhưng vẫn chưa thấy, dù đã được các đồng đội nói về nơi chôn cất nhưng giờ mọi thứ thay đổi quá nhiều, chưa kể sau đó, quân Pháp còn dọn sạch trận địa nên việc tìm thấy dường như là không thể.

- Năm 2007, Bùi Cường làm phim và mời tôi đi xem. Gặp nhau, tôi đề nghị anh có kỷ vật gì của cha cho bảo tàng xin để bảo quản và trưng bày. Sau đó anh có đưa đến một kỷ vật của cha mà trước khi bước vào trận đánh, ông đã gửi lại đồng đội và họ đã chuyển lại cho gia đình Bùi Cường. Tôi biết đến tận bây giờ giờ, điều mà nghệ sĩ Bùi Cường vẫn còn đau đáu và áy náy là chưa tìm được phần mộ của cha mình.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại