Đây là cuộc diễn tập lớn trong các nước ASEAN. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu), Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Trưởng ban Tổ chức diễn tập thực binh ARDEX 13 về mục đích, ý nghĩa và nội dung chuẩn bị cho cuộc diễn tập quan trọng này.
PV: Đề nghị đồng chí cho biết về xuất xứ và ý nghĩa của cuộc diễn tập ARDEX 13?
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Tháng 7/2005, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước trong khối ASEAN đã thống nhất, ký kết một Hiệp định về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp trong khu vực ASEAN. Để đưa hiệp định vào thực tế, tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ, hợp tác, Ủy ban Quản lý thảm họa của ASEAN đã đưa ra sáng kiến tiến hành diễn tập thực binh ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo giữa các nước trong khu vực và đó là lý do diễn tập ARDEX ra đời.
Diễn tập ARDEX lần đầu được tổ chức thành công tại Malaysia vào năm 2005, tiếp đó là Cam-pu-chia (năm 2006), Singapore (năm 2007), Thái Lan (năm 2008), Brunei (năm 2012)… Năm nay, Việt Nam là nước đăng cai và cũng là lần đầu tiên nước ta tổ chức cuộc diễn tập quốc tế, quy mô cấp khu vực về hoạt động này.
Diễn tập là dịp để các nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với thảm họa vượt quá khả năng kiểm soát của mỗi quốc gia, cần sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt các nước trong khối ASEAN. Quá trình diễn tập sẽ thực hành, đánh giá và kiểm duyệt quy trình vận hành chuẩn (SASOP); trong việc điều phối giữa Trung tâm AHA (Trung tâm Điều phối Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thảm họa) với quốc gia xảy ra thảm họa.
Đồng thời, thể hiện cam kết hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực nhằm giải quyết các thách thức an ninh chung, tăng cường hợp tác quốc phòng, nâng cao khả năng tương tác đa phương, phòng chống thiên tai và thúc đẩy an ninh, ổn định trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thông qua diễn tập giúp chúng ta rút kinh nghiệm trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành phối hợp với các nước trong ứng phó khẩn cấp, cứu trợ thảm họa. Hệ thống phòng, chống lụt bão từ Trung ương đến địa phương kiểm tra khả năng chỉ huy khi thiên tai xảy ra và sự phối hợp với các tổ chức trong nước, quốc tế theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn….
PV: Diễn tập sẽ có những nội dung gì, kịch bản của ta có điều gì đặc trưng so với các nước đã tổ chức trước đó, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Diễn tập ARDEX được tiến hành với bốn nội dung cơ bản là: Thông tin báo cáo Trung tâm AHA; tổ chức đánh giá nhanh tình hình; diễn tập nhập cảnh và trọng tâm là diễn tập thực binh. Trên cơ sở nghiên cứu nội dung, tổ chức diễn tập của một số nước; thực trạng và dự báo diễn biến tình hình thiên tai ở nước ta, Ban tổ chức diễn tập đã xây dựng kịch bản diễn tập thực binh ARDEX 13 sát tình hình thực tế trong nước, được các nước nhất trí cao.
Tưởng định diễn tập là một siêu bão có tên quốc tế “NEPTUNE” đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, mưa lớn trên diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản... Chính phủ phải công bố tình trạng khẩn cấp, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp cứu người, ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra, đồng thời đề nghị các nước trong khu vực trợ giúp…
Diễn tập thực binh gồm 4 nội dung là: Sơ tán và cứu trợ khẩn cấp nhân dân vùng lũ lụt; ứng cứu sập đổ công trình và tìm kiếm cứu nạn; ứng phó với sự cố hóa chất độc hại tràn ra từ một nhà máy hóa chất bị ảnh hưởng của cơn bão, tổ chức hỗ trợ y tế mức 1 và mức 2… Đây là những tình huống sát thực tế một thảm họa thiên tai có thể xảy ra ở nước ta.
Cuộc diễn tập có 10 nước thành viên ASEAN tham gia, trong đó có 7 nước thực binh, 3 nước quan sát viên. Ngoài ra, còn có đại diện các nước đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đại diện các cơ quan Liên hợp quốc liên quan và một số tổ chức quốc tế. Lực lượng tham gia diễn tập được khoảng 2.500 người, với gần 700 phương tiện các loại. Các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế tham gia khoảng 150 người, với hơn 100 danh mục phương tiện, diễn tập các tình huống 2, 3, 4 và làm quan sát viên, trọng tài.
PV: Thưa Thiếu tướng, là lực lượng nòng cốt diễn tập thực binh, đến thời điểm này các đơn vị quân đội đã chuẩn bị diễn tập như thế nào?
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Trong các ngày 17, 18 và 19/10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã lên kiểm tra toàn diện công tác chuẩn bị cho cuộc diễn tập. Đồng chí Phó thủ tướng và đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đều đánh giá các đơn vị trong công tác chuẩn bị diễn tập, đồng thời yêu cầu các lực lượng tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc để diễn tập diễn ra nghiêm túc, chất lượng, an toàn, thể hiện vị thế của quân đội, đất nước và tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về một Việt Nam thân thiện, mến khách.
Quân đội là lực lượng nòng cốt thực hiện diễn tập thực binh. Quá trình triển khai, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, trong đó Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Cục Quân y, Bộ tư lệnh Công binh, Hóa học, Thông tin liên lạc, thủ đô Hà Nội, Quân chủng Phòng không-Không quân... Các đơn vị huy động khoảng hơn 2000 người và hàng trăm phương tiện các loại, trong đó có nhiều phương tiện hiện đại: Máy bay, xe chữa cháy hiện đại, xe cứu hộ đa năng… Đến thời điểm này, các đơn vị đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị. Ngày 22/10 sẽ hợp luyện với lực lượng các nước tham gia và diễn tập chính thức diễn ra vào ngày 23/10/2013.