Chiến lược quốc phòng Australia và quan hệ với Việt Nam

Hai nước chia sẻ nhiều quan điểm trong đối thoại quốc phòng lần 2.

Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/2/1973. Năm 2009 hai nước đã nâng quan hệ lên “đối tác toàn diện”. Australia-Việt Nam nằm trong top 10 và 20 bạn hàng thương mại lớn nhất của nhau. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỷ USD. Australia xếp thứ 18 trong tổng số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Australia đã cung cấp 1,6 tỷ AUD ODA cho Việt Nam, hiện có hơn 20.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Australia và 12.000 học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở đào tạo của Australia tại Việt Nam.

Binh sĩ Lục quân Australia (ảnh: Carl Chapman)

Kênh đối thoại quốc phòng cũng đã được thiết lập và đã tiến hành luân phiên tại hai nước lần thứ hai.

Chiến lược quốc phòng thế kỷ XXI

Được biết, Australia là một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, đã từng cộng tác với Mỹ trong các cuộc chiến lớn trên thế giới, kể cả các cuộc chiến tranh trong những năm gần đây. Tháng 4/2012, Australia đã tiếp nhận 200 trong số 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ đến cảng Darwin của mình, thể hiện động thái đầu tiên khẳng định ủng hộ chiến lược “xoay trục” về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Tuy nhiên, để khắc phục sự phụ thuộc về chiến lược vào Mỹ, Australia đã xây dựng chiến lược quốc phòng mới của thế kỷ XXI với tên gọi “Kiểm soát và Bảo vệ”, nhằm 4 mục tiêu: (1) Kiểm soát môi trường chiến lược; (2) Bảo vệ nhân dân và các giá trị của Australia; (3) Hợp tác chặt chẽ với bạn bè, đồng minh và láng giềng; (4) Duy trì khối liên minh.

Chiến lược quốc phòng mới nêu trên, kết hợp toàn diện ba yếu tố chiến lược quan trọng của thế kỷ XXI: (1) phân biệt giữa những cuộc chiến bắt buộc và những cuộc chiến chọn lựa; (2) chấp nhận những hậu quả không dự tính được trong chiến tranh; (3) đánh giá đúng về khả năng của quân đội Australia - có thể làm gì; không thể làm gì; và không nên làm gì.

Để giải quyết những yêu cầu trên, điểm mấu chốt của chính sách quốc phòng Australia được xác định là phải tạo ra một chiến lược liên tục mang tính “Định hình - Ngăn chặn - Ứng phó” dựa trên ưu thế về hải-lục-không quân. Định hình an ninh khu vực phục vụ cho những lợi ích chiến lược của Australia; Ngăn chặn những hành động gây hấn tiềm tàng, ảnh hưởng đến lợi ích của Australia; Ứng phó bằng việc triển khai lực lượng tới mọi nơi trong khu vực trên thế giới khi cần thiết.

Dựa trên những lợi thế chính về nhân lực chất lượng cao, công nghệ quân sự phát triển, khả năng hoạch định chính sách và hành động với những quyết định mang tính ưu việt và độ chính xác cao của quân đội, chiến lược quốc phòng “Kiểm soát và Bảo vệ” sẽ trực tiếp giải quyết những vấn đề an ninh của Australia trong thế kỷ XXI, thay thế cho mô hình chiến tranh xâm lược trước đó.

Chiến lược “Kiểm soát và Bảo vệ” sẽ giúp Australia duy trì được khối đồng minh, tránh được những cuộc chiến tranh, hay xung đột không cần thiết, tối đa hóa những lợi thế của Australia và giảm thiểu những rủi ro do hậu quả không dự báo được.

Chiến lược “Kiểm soát và Bảo vệ” còn giúp Australia linh hoạt, chủ động hơn trong việc kiểm soát xung đột khu vực, bảo vệ Australia trước những hiểm họa an ninh mới đang nổi lên, đồng thời cho phép Australia có những đóng góp tích cực vào những hoạt động an ninh, can thiệp nhân đạo của Liên Hợp Quốc. Để thực hiện được chiến lược này, Australia cần có sự hợp tác với các nước láng giềng, bạn bè và đồng minh, trong đó Việt Nam có vai trò quan trọng tạo dựng sự đồng thuận và cách tiếp cận mới trong hợp tác an ninh khu vực.

Những đồng thuận quan trọng giữa Việt Nam và Australia

Trong hai cuộc đối thoại lần một (22/2/2012) và lần hai (18/11/2013) hai nước đã thảo luận và nhất trí trên một số lĩnh vực quan trọng. Hai bên nhấn mạnh cần củng cố các cấu trúc an ninh khu vực để bảo vệ hòa bình và ổn định, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm; tiếp tục hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như APEC, ARF, ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS), Sáng kiến hạ nguồn Mekong (LMI).

Hai bên khẳng định ủng hộ các nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại, hòa giải và xây dựng lòng tin chiến lược, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ DOC và sớm xây dựng COC.

Trong đối thoại quốc phòng lần hai, hai nước chia sẻ quan điểm về các vấn đề an ninh phi truyền thống như buôn bán người, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước trong đó có việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Hai bên thỏa thuận tiếp tục triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Australia ký năm 2010, đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt, chú trọng đến khắc phục hậu quả sau chiến tranh, chia sẻ kinh nghiệm về tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và tăng cường quan hệ giữa Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước.

Tăng cường hợp tác hải quân Việt-Úc

Ngay từ năm 2010, hai bên đã trao đổi biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc phòng song phương theo nội dung Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Australia đã ký bên lề hội nghị ADMM+ lần đầu tiên tại Hà Nội.

Bộ Quốc phòng hai bên đã thỏa thuận nâng cấp đối thoại chiến lược quốc phòng hàng năm, hợp tác gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, trao đổi kinh nghiệm trong huấn luyện của lực lượng đặc công, trao đổi các chuyến thăm thiện chí của tàu hải quân hai nước, kinh nghiệm trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn.

Bình quân hàng năm, Australia tiếp nhận khoảng 100 học viên là sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam sang học tập tại Australia và xem xét khả năng gia tăng chỉ tiêu đào tạo cho sỹ quan quân đội Việt Nam sang học tập, nghiên cứu trong các khóa ngắn và dài hạn.

Thoả thuận hợp tác quốc phòng đã ký kết, bao gồm trao đổi đoàn các cấp, trao đổi đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân binh chủng, trong đó đẩy mạnh hợp tác hải quân; phía Australia chia sẻ kinh nghiệm và giúp Việt Nam trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh và ủng hộ Việt Nam gia nhập tổ chức thuỷ đạc quốc tế.

Như vậy, trên cơ sở quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Australia, cùng với quan điểm chiến lược quốc phòng mới của Australia, thông qua đối thoại quốc phòng hai bên đã đạt được những đồng thuận quan trọng về chiến lược, nhất là sự hợp tác về hải quân, khiến quan hệ quốc phòng hai nước ngày càng có hiệu quả và thiết thực hơn, góp phần tích cực vào gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại