Chiến lược nào của Putin khiến Mỹ như "gà mắc tóc" ở Ukraine?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Theo các chuyên gia, từ một đội quân lạc hậu sau khi Liên Xô tan rã, quân đội Nga hiện nay đã triển khai thuần thục phương thức tiến hành chiến tranh hiện đại.

Tờ New York Times (Mỹ) đăng bài viết nhận định về sự thay đổi, phát triển trong chiến lược của Nga tại Ukraine so với các chiến dịch trước đây.

Dưới đây là nội dung bài viết của New York Times:

Trong lúc ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá những hành động của Nga tại Crimea và Đông Ukraine giống như cách hành xử của thế kỷ 19 thì các chuyên gia quân sự lại xem đó là cơ hội để đánh giá chiến lược quân sự mới của Nga. Từ một đội quân rệu rã, lạc hậu sau khi Liên Xô tan rã, quân đội Nga hiện nay đã triển khai thuần thục phương thức tiến hành chiến tranh hiện đại, kết hợp giữa tác chiến điện tử, thao túng thông tin, và các lực lượng đặc nhiệm để giành thế chủ động.

“Đó là một bước thay đổi lớn trong chiến lược quân sự của người Nga, và họ đang thực hiện nó rất thành công”, Đô đốc về hưu James G. Stavridis và từng là tư lệnh NATO nhận xét. Sự thay đổi này có thể tác động đến tình hình không chỉ tại Ukraine hiện nay mà còn ở Moldova, Gruzia, các nước Trung Á, hay thậm chí các nước Đông và Trung Âu là thành viên NATO.

Cách tiếp cận của người Nga ở Ukraine khác xa với cái cách mà họ chiếm thủ đô Grozny bằng hỏa lực dày đặc từ pháo binh và không quân trong cuộc chiến Chechnya. Khái niệm về giảm thiểu thiệt hại cho thường dân và hệ thống cơ sở hạ tầng dường không tồn tại khi đó.

Những người đàn ông có vũ trang tại Slovyansk, Ukraine. Các quan chức Mỹ cho rằng lực lượng Nga hoặc thân Nga đã kiểm soát tòa nhà hành chính này

Những người đàn ông có vũ trang tại Slovyansk, Ukraine. Các quan chức Mỹ cho rằng lực lượng Nga hoặc thân Nga đã kiểm soát tòa nhà hành chính này

Người Nga sau đó bắt đầu phát triển những phương thức hiệu quả hơn để xác lập quyền lực ở những vùng lãnh thổ từng thuộc Liên Xô cũ, bằng cách hiện đại hóa quân đội, trong đó đặc biệt ưu tiên các lực lượng đặc nhiệm, lính dù, lính hải quân đánh bộ, do đây là những đơn vị có thể được triển khai nhanh cho những tình huống tương tự như tại Crimea và Đông Ukraine hiện nay.

Chiến dịch chớp nhoáng của Nga ở Crimea không đồng nghĩa với việc toàn bộ quân đội nước này, với phần lớn vẫn là binh lính nghĩa vụ thay vì lính chuyên nghiệp như Mỹ, đã được nâng cấp. “Nó cho thấy rất ít về tình trạng hiện tại của quân đội Nga. Nguyên nhân thành công chính nằm ở sự bí mật, cộng với thông tin tình báo chính xác về chính phủ lâm thời khi đó của Ukraine”, một chuyên gia người Mỹ đánh giá.

Tuy vậy, nó đã thể hiện sự kết hợp linh hoạt giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Chính quyền Tổng thống Obama đã phải thường xuyên rơi vào tình trạng bị động trước những thay đổi mau lẹ từ Moscow.

"Chiến lược của họ phức tạp hơn nhiều, nó phản ảnh sự phát triển của quân đội Nga, cũng như quá trình đào tạo, tư duy tổ chức hoạt động và chiến lược qua nhiều năm" - Stenphen J. Blank, thành viên cấp cao của Hội đồng chính sách ngoại giao Mỹ nhận định.

Thành công của Nga đến từ sự thay đổi cả trong công tác huấn luyện và kế hoạch tác chiến. Họ dùng những cuộc tập trận bất ngờ để che giấu các hoạt động chuẩn bị của mình cho chiến dịch tại Crimea. Sau đó, những binh sĩ Nga nhanh chóng chiếm những vị trí trọng yếu, cắt đứt hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến và hữu tuyến để cô lập lực lượng Ukraine tại khu vực này.

"Họ đã ngắt thông tin liên lạc giữa lực lượng quân sự Ukraine tại Crimea với trung tâm chỉ huy” - Tướng Philip Breedlove, Tư lệnh tối cao NATO tại châu Âu cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Cùng lúc đó, Nga thực hiện một chiến dịch truyền thông liên tục để củng cố luận điểm rằng việc nước này can thiệp quân sự là cần thiết để bảo vệ cộng đồng người gốc Nga khỏi các thành phần cực hữu.

Ngay khi Mỹ đưa ra yêu cầu Nga rút khỏi Crimea thì Tổng thống Putin lại cho tập trung hơn 40.000 quân gần biên giới với Ukraine. Tuy nhiên sau đó, chỉ có những nhóm nhỏ lính đặc nhiệm bí mật xâm nhập các tỉnh miền Đông. Cộng đồng người gốc Nga đông đảo ở đây giúp Nga chỉ cần triển khai một lực lượng nhỏ làm vai trò đòn bẩy, giúp những người thân Nga chiếm chính quyền. Số quân chính quy mà Nga tập trung ở biên giới đóng vai trò răn đe để ngăn chính phủ Ukraine đáp trả phong trào ly khai, cũng như ngầm cảnh báo Mỹ rằng việc viện trợ quân sự có thể khiến tình hình leo thang.

Mục tiêu chính trị của Nga trong việc này là nhằm đạt được nhiều quyền tự trị hơn cho các tỉnh miền Đông, và từ đó có thể đặt khu vực này dưới sự ảnh hưởng từ Moscow. Đồng thời nó cũng khiến Mỹ thay đổi ưu tiên của mình. Trong cuộc gặp tại Geneva giữa Mỹ, Nga, EU và Ukraine, Crimea hầu như rất ít được nhắc đến. Thay vào đó, tình hình tại miền Đông Ukraine trở thành chủ đề chính.

Chiến lược hiện tại cần 2 điều kiện chính là một cộng đồng người gốc Nga đông đảo, và có vị trí địa lý gần Nga để nước này có thể sử dụng quân đội của mình. Theo Chris Donnelly, một cựu cố vấn cấp cao của NATO, chiến thuật trên có thể áp dụng trên những vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ như Gruzia, Moldova, Armenia, các nước vùng Trung Á. Ngoài ra, còn có các nước vùng Baltic, hay thậm chí là những nước từng thuộc khối Warsaw trước đây.

Đô đốc Stavridis cũng cho rằng NATO cần cân nhắc và thay đổi việc hoạch định chiến lược của mình để phù hợp với năng lực tác chiến mới của Nga, đặc biệt là đối với tác chiến điện tử và lực lượng đặc nhiệm.

Các tay súng ly khai chiếm một tòa nhà trụ sở cơ quan an ninh tại Slavyansk, Ukraine ngày 12/4

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại