"Chiến hạm ngầm": Vũ khí tối thượng một thời?

Anh Tuấn |

Một thế kỷ trước, tàu ngầm là mối đe dọa lớn trong hải chiến giống như các máy bay không người lái của thời nay. Các loại vũ khí tấn công từ lòng biển đến nay vẫn là một thứ vũ khí có thể thay đổi cục diện của trận chiến.

Trước thời đại tên lửa, một loạt các chiến dịch trên biển đều có sự tham gia của tàu ngầm.

Các nhà chiến lược tin rằng loại tàu này sẽ có thể tiến hành các đợt tấn công nhỏ lẻ, đặt thủy lôi, tấn công bờ biển và thu thập thông tin tình báo, bên cạnh chức năng chính là tấn công các hạm đội lớn của đối phương.


Mô hình tàu ngầm M-1, một trong những tàu đầu tiên được trang bị tháp pháo.

Mô hình tàu ngầm M-1, một trong những tàu đầu tiên được trang bị tháp pháo.

Tuy nhiên, vào thời đại này các tàu ngầm chỉ có thể lặn xuống đáy biển trong thời gian giới hạn. Cách thức tác chiến của chúng thường là cử tàu ngầm đi trước thám thính giúp hạm đội ở đằng sau, sau đó lặn xuống và bất ngờ tấn công đối phương.

Mặc dù tàu ngầm sử dụng ngư lôi để tấn công tàu chiến và tàu dân sự, các tàu này cũng thường xuyên nổi lên mặt nước để tham chiến.

Do đó, các loại vũ khí trên boong tàu ngầm cũng tương tự như các tàu tuần duyên, với 1 hoặc 2 khẩu pháo cùng một số súng máy để phòng chống máy bay và các tàu hạng nhẹ.

Một khẩu pháo trên boong đủ sức phá hoại các tàu trên biển, bánh lái tàu đối phương hoặc các cơ sở gần bờ biển, trong khi súng máy có thể tấn công thủy thủ trên boong và các tàu cứu sinh.

Tuy nhiên, trước một hạm đội thực sự, một loại tàu lớn, kết hợp sức mạnh của cả chiến hạm và tàu ngầm. Đó là những tàu ngầm có các loại pháo cỡ lớn.

Ý tưởng này ban đầu do Hải quân Hoàng gia Anh đưa ra nhằm đáp trả sự xuất hiện của các tàu ngầm lớp U139 của Đức, được trang bị các pháo cỡ nòng 148 mm.

Năm 1916, Ủy ban Phát triển Tàu ngầm của Anh quyết định trang bị các pháo khổng lồ, trước đó chỉ được sử dụng trên các chiến hạm, cho các tàu ngầm mới.

Khi dự án kéo dài, yêu cầu mà quân đội đưa ra cũng thay đổi theo. Theo ý tưởng ban đầu, đây sẽ là một loại tàu tấn công bờ biển bí mật, nhưng sau đó nó trở thành một loại vũ khí chống hạm.

Tuy nhiên nó không bao giờ được sử dụng, nhiều khả năng là do Hải quân Anh nhận thấy rằng tàu ngầm trang bị pháo sẽ là hiểm họa lớn đối với họ nếu được sử dụng rộng rãi.

Một trong số các tàu ngầm khổng lồ mà Anh chế tạo, đó là tàu lớp M chạy bằng động cơ diesel. Con tàu dài hơn 90 m và có đường kính 7 m, mỗi tàu được trang bị một tháp pháo cỡ nòng 304 mm được dùng trên các chiến hạm lớn.

Mặc dù tàu ngầm lớp M có 4 ống phóng ngư lôi, hiệu quả của chúng luôn bị đặt dấu hỏi. Do đó, khẩu pháo lớn trên boong tàu lớp M càng trở nên quan trọng hơn. Khi nổi lên mặt nước, tàu có thể bắn pháo từ khoảng cách hơn 1 km.


Tàu ngầm X-1 của Hải quân Anh.

Tàu ngầm X-1 của Hải quân Anh.

Việc ngắm bắn và khai hỏa pháo của tàu rất thô sơ và đơn giản. Sau khi xác định mục tiêu khi đang ở dưới đáy biển, tàu sẽ nổi một phần lên mặt nước, để lộ nòng pháo.

Bằng kính tiềm vọng, chỉ huy tàu quan sát và nhắm bắn mục tiêu khai hỏa. Sau đó, tàu ngầm lại lặn xuống đáy biển, toàn bộ hoạt động chỉ diễn ra trong vòng 30 giây.

Mặc dù tàu có thể mang theo 50 viên đạn pháo tối đa, họ không thể nạp lại đạn khi tàu đang lặn. Nhược điểm này khiến hiệu quả của tàu lớp M giảm đi.

Không một tàu lớp M nào được đưa vào sử dụng trong thời Thế chiến I. Tuy vậy, các hoạt động nghiên cứu và chế tạo vẫn được thực hiện trong thập niên 1920 và 1930.

Sau đó, Hiệp ước Hải quân Washington lập ra vào năm 1922 giới hạn kích cỡ của pháo dùng trên các tàu ngầm, đồng thời cấm khai hỏa lên các tàu dân sự.

Một năm sau đó, tàu ngầm X-1, một trong những tàu ngầm lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, hạ thủy và được trang bị hệ thống pháo đôi có kích cỡ 132 mm, cùng với 6 ống phóng ngư lôi.

Tuy nhiên tốc độ bắn của pháo tàu rất thất thường và phải cần đến 58 người để vận hành. Cùng với những khiếm khuyết về động cơ, chính phủ Anh tỏ ra không mấy hài lòng với tàu X-1 và vào năm 1936, tàu đã bị ngừng sử dụng.

Tàu ngầm lớp M cũng không thu được nhiều kết quả khả quan. Năm 1925, tàu M-1 bị một tàu vận chuyển hàng hóa của Thụy Điển vô tình đâm trúng tháp pháo và chìm cùng toàn bộ thủy thủ đoàn.

Sau tổn thất này, Hải quân Anh tháo dỡ pháo khỏi tàu M-2 và M-3, đồng thời ngừng sản xuất tàu M-4.

Tàu M-3 trở thành một tàu ngầm đặt thủy lôi bí mật, có thể mang theo 100 quả ở khoang phía sau tàu.

Tàu M-2 được cải tiến để có một khoang chứa, cần cẩu và một thủy phi cơ dã chiến. Đến năm 1932, tàu M-2 chìm khi đang tập trận trên biển, khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Không chỉ có Anh, Hải quân Pháp cũng chế tạo một tàu ngầm có tháp pháo, mang tên là Surcouf. Giống như tàu X-1, con tàu trở thành tàu ngầm lớn nhất thế giới khi hạ thủy vào tháng 10/1929 với chiều dài lên đến 110 m và có đường kính 9 m.

Tàu được trang bị cặp pháo đôi có cỡ nòng 203 mm, không những vậy, giống như M-2, tàu Surcouf còn có một khoang chứa thủy phi cơ nhỏ Besson MB.411, được sử dụng để phát hiện tàu chiến địch từ xa và định hướng pháo bắn cho tàu ngầm.


Tàu ngầm Surcouf của Pháp.

Tàu ngầm Surcouf của Pháp.

Tuy vậy, tàu có tốc độ lặn chậm và thao tác điều khiển phức tạp, đồng thời cần đến 118 người để vận hành tàu ngầm. Bản thân tàu cũng không để lại chiến tích vẻ vang nào.

Đầu Thế chiến II, tàu tham gia vào một số trận chiến nhằm giành lại các đảo của chính quyền bù nhìn Pháp thân phát xít, sau đó bí hiểm biến mất cùng toàn bộ thủy thủ đoàn.

Tiếp đó, Nhật Bản chế tạo tàu ngầm mang máy bay lớp I-400 khổng lồ. Tàu ngầm được trang bị một khẩu pháo cỡ nhỏ cùng các loại súng máy phòng không, nhưng phần lớn hỏa lực của chúng đến từ các máy bay chiến đấu trong khoang chứa.

Con tàu này chưa bao giờ được đưa vào sử dụng trong Thế chiến II và bị dỡ bỏ vào năm 1946.

Với sự xuất hiện của động cơ hạt nhân cùng các tên lửa định hướng, ý tưởng về một loại tàu ngầm tấn công các mục tiêu trên bộ không còn là điều lạ lẫm nữa.

Mới đây, tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm đã tiêu diệt máy bay của Libya và các mục tiêu trên bộ ở Syria.

Giờ đây, các tên lửa định hướng đã thay thế các tháp pháo cổ xưa và thực hiện những nhiệm vụ như oanh kích mục tiêu trên bờ, cũng như tấn công máy bay và tàu chiến trên biển.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại