Thử thành công bom nhiệt hạch - Bước tiến vĩ đại của Triều Tiên?

Bạch Dương |

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên xác nhận đã thử thành công bom nhiệt hạch vào sáng nay 6/1/2016.

Bom nhiệt hạch là gì?

Bom nhiệt hạch (bom Hydro, bom khinh khí, bom H) là một loại vũ khí dựa trên phản ứng tổng hợp những hạt nhân nhẹ Deuterium và Tritium (đồng vị của Hydro).

Được nghiên cứu phát triển tại Mỹ vào đầu thập niên 1950, bom nhiệt hạch được cho là có sức công phá mạnh gấp hàng ngàn lần bom nguyên tử (bom A)

Trong khi bom A phân hủy các hạt nhân nặng, không bền như Uranium hay Plutonium thành các hạt nhân nhẹ hơn và giải phóng năng lượng thì bom H giải phóng năng lượng từ quá trình tổng hợp hai hạt nhân nhẹ (Hydro) thành một hạt nhân nặng hơn (Helium).


Minh họa quá trình tổng hợp hai hạt nhân đồng vị của Hydro (Deuterium và Tritium) thành Helium và giải phóng năng lượng trong phản ứng nhiệt hạch

Minh họa quá trình tổng hợp hai hạt nhân đồng vị của Hydro (Deuterium và Tritium) thành Helium và giải phóng năng lượng trong phản ứng nhiệt hạch

Tuy nhiên, do các hạt nhân đều tích điện dương và đẩy nhau nên cần có một năng lượng rất lớn hoặc nhiệt độ cực cao nhằm đưa chúng tới khoảng cách đủ gần để xảy ra phản ứng tổng hợp hạt nhân. Điều kiện này chỉ đạt được nhờ cho nổ một quả bom nguyên tử.

Như vậy, bom H thực chất là một loại bom kép với một quả bom A được sử dụng để làm kíp. Trong thực tế, nhiên liệu của bom H là hợp chất Lithium Deuteride (thể rắn, trơ ở nhiệt độ thường).

Bên trong bom nhiệt hạch có một lõi phân hạch nhỏ dùng U-238 (Uranium được làm giàu đến cấp độ 99,7%) để tạo nhiệt lượng mồi phản ứng cho các khối nhiên liệu Lithium Deuteride.

Khi được kích hoạt, U-238 sẽ phân hạch cung cấp nhiệt lượng để Lithium chuyển hóa thành Tritium. Phản ứng này tạo điều kiện cần thiết cho sự kết hợp giữa Deuterium và Tritium, giải phóng nhiệt lượng tương đương với bề mặt của mặt trời.

Với nguyên lý này, con người sẽ tạo ra được những quả bom có sức công phá lớn hàng trăm nghìn Kilotone (1 Kt tương đương 1.000 tấn TNT), thậm chí tới cả trăm Megatone (hàng trăm triệu tấn TNT).

Năng lượng giải phóng từ một vụ nổ nhiệt hạch ngay lập tức phá hủy mọi thứ trong vòng bán kính vài km. Nhiệt lượng cực lớn gây ra những cơn bão lửa, ánh sáng trắng cường độ cao từ vụ nổ có thể gây mù lòa.

Bụi phóng xạ và các sản phẩm phụ của phản ứng như Cesium-137 và Strontium-90 có thể đầu độc các sinh vật sống, ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước trong hàng trăm năm.

Vụ nổ bom nhiệt hạch Tsar Bomba - Vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới

Triều Tiên có đủ khả năng chế tạo bom nhiệt hạch hay không?

Như đã trình bày ở trên, việc chế tạo thành công bom nhiệt hạch đòi hỏi một trình độ khoa học kỹ thuật cực cao, trong đó đáng kể nhất là công nghệ làm giàu nhiên liệu hạt nhân cũng như thu nhỏ được kích thước bom nguyên tử để làm kíp.

Nhưng cũng cần phải nhắc lại trường hợp quả bom nhiệt hạch đầu tiên của thế giới mang tên Ivy Mike do Mỹ chế tạo, nó có kích thước to lớn như một tòa nhà chứ chưa nhỏ gọn đủ để nhét vào đầu đạn tên lửa như hiện nay.

Việc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch còn cần thời gian để chứng thực. Nhưng nếu đúng như những gì họ tuyên bố thì đây thực sự là một bước tiến vĩ đại của ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia Đông Bắc Á này.

Ngày 1/11/1952, Mỹ đã bí mật thử nghiệm quả bom nhiệt hạch đầu tiên mang tên Ivy Mike ở đảo Elugelab, Thái Bình Dương. Quả bom này có đương lượng nổ 10,4 MT, chỉ trong vòng 90 giây, cột nấm trắng với sức nóng khủng khiếp đã bùng lên độ cao 17 km.

Ngày 12/8/1953, quân đội Liên Xô kích nổ quả bom nhiệt hạch đầu tiên trên bãi thử nghiệm Semipalatinsk. Nó có đương lượng nổ 400 KT, nhỏ hơn rất nhiều quả bom của Mỹ.

Vào năm 1957, nguyên mẫu bom nhiệt hạch của Anh mang tên Green Granite được mang ra thử nghiệm, đương lượng nổ của nó là 300 KT.

Vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Trung Quốc diễn ra ngày 17/6/1967 tại bãi thử Robubai, Tân Cương. Quả bom này có công suất khá lớn, lên tới 3,31 MT.

Thông tin về vụ thử bom nhiệt hạch của Pháp vẫn rất ít ỏi, chỉ biết là nó diễn ra vào tháng 8/1968 với đương lượng nổ 2,6 MT.

Ngày 11/5/1998, Ấn Độ tuyên bố thử thành công quả bom nhiệt hạch đầu tiên mang tên Shakti-1, đương lượng nổ 56 KT của nó bị đánh giá là quá thấp so với một vũ khí nhiệt hạch tiêu chuẩn.

Ngoài 6 quốc gia trên, còn có Israel được cho rằng đã có vũ khí nhiệt hạch nhưng chưa tiến hành thử nghiệm và Pakistan hoàn toàn đủ khả năng chế tạo vũ khí này khi có nhu cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại