Triều Tiên có bom nhiệt hạch: Hư thực chết người

Hòa Sơn |

Hãng thông tấn KCNA ngày 10/12 cho biết, Triều Tiên đã sở hữu bom nhiệt hạch và sẵn sàng sử dụng để bảo vệ chủ quyền của mình.

Triều Tiên đã sở hữu bom nhiệt hạch?

Thông tin Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân được hãng KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết:

“Chúng tôi đang cố gắng để trở thành một cường quốc hạt nhân có thể tự bảo vệ nền độc lập và sự tự tôn dân tộc bằng các cuộc tấn công hạt nhân và nhiệt hạch”, hãng KCNA dẫn lời lãnh đạo Kim Jong Un cho biết.

Chủ tịch Kim Jong Un cho biết thêm, Triều Tiên “đang tiếp tục phát triển tích cực ngành công nghiệp quân sự của mình”.

Tuyên bố này được đưa ra khi ông Kim Jong Un thị sát một nhà máy vũ khí ở Bình Nhưỡng hôm 10/12. Theo nhà lãnh đạo này, Bình Nhưỡng "đang tiếp tục phát triển tích cực ngành công nghiệp quân sự của mình".


Đầu đạn hạt nhân đặt trong hầm ngầm sườn núi Poongkye-ri, Triều Tiên trong vụ thử năm 2013.

Đầu đạn hạt nhân đặt trong hầm ngầm sườn núi Poongkye-ri, Triều Tiên trong vụ thử năm 2013.

Dù chưa có nguồn tin hay cơ sở nào để khẳng định Triều Tiên đã sở hữu bom nhiệt hạch, tuy nhiên đây là lần thứ 5 trong mấy năm gần đây Bình Nhưỡng tuyên bố các vũ khí liên quan tới hạt nhân sau vụ thử bom nguyên tử năm 2013.

Đầu tiên, Triều Tiên khẳng định "thu nhỏ" thành công đầu đạn hạt nhân đủ để lắp vào tên lửa. Tháng 4/2015, Bình Nhưỡng lặp lại tuyên bố trên nhưng các quan chức Mỹ vẫn tỏ ra nghi ngờ.

Giới chuyên gia thì cho rằng rất khó có thể đánh giá khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên tiến triển đến mức độ nào.

Bình Nhưỡng cũng nói bom nguyên tử trong cuộc thử nghiệm năm 2013 có đương lượng nổ lớn hơn gấp nhiều lần năm 2006 và 2009.

Một số nhà phân tích đánh giá rất có thể trong cuộc thử nghiệm "cao cấp" này Triều Tiên đã sử dụng uranium làm giàu ở mức độ cao thay thế cho plutonium.

Dù cả hai nguy hiểm ngang nhau nhưng bom uranium đòi hỏi bước đột phá lớn về công nghệ bởi quá trình tinh luyện quặng uranium tự nhiên thành nguyên liệu phù hợp dùng để chế tạo bom cực kỳ khó khăn.

Phản ứng của quốc tế

Liên tiếp những tuyên bố về thử nghiệm thành công và sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đưa ra khiến cộng đồng quốc tế không thể khoanh tay ngồi nhìn.

Nhiều vòng đàm phán đã diễn ra giữa Triều Tiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, đến nay tất cả các nỗ lực đều không thành công.

Ngay từ tháng 9/2005, sau hơn hai năm đàm phán, Triều Tiên đồng ý với một bản thỏa thuận mang tính bước ngoặt, từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế cùng các nhượng bộ chính trị khác.

Dù vậy, việc thực thi thỏa thuận trên gặp nhiều khó khăn và bị trì hoãn từ tháng 4/2009.

Đầu năm 2012, Triều Tiên bất ngờ thông báo ngừng các hoạt động hạt nhân, đồng thời ban lệnh cấm thử tên lửa nếu Mỹ viện trợ lương thực.

Nhưng đến tháng 4 năm đó, Bình Nhưỡng đi ngược lại những gì mình tuyên bố khi tiến hành một vụ phóng thử tên lửa mới.

Liên Hợp Quốc thậm chí còn gia tăng trừng phạt sau vụ thử nghiệm bom nguyên tử của Triều Tiên vào năm 2013.

Trước sự không minh bạch về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang khiến không chỉ Mỹ mà cả Hàn Quốc lo ngại. Vừa qua, Seoul đã quyết định thành lập lực lượng chuyên trách về vấn đề này.

Bộ Tư lệnh chiến tranh đặc biệt của Lục quân Hàn Quốc xác nhận đang lập một đơn vị đặc biệt có nhiệm vụ phá hủy các thiết bị quân sự chiến lược chủ yếu như vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Yonhap dẫn lời quan chức bộ tư lệnh trên nói trong một báo cáo trình Uỷ ban Quốc phòng của Quốc hội Hàn Quốc: “(Bộ Tư lệnh chiến tranh đặc biệt) đang xúc tiến thành lập đơn vị đặc biệt để tấn công các thiết bị quân sự chiến lược của kẻ thù”.

Báo cáo không nói rõ về cái gọi là “thiết bị quân sự chiến lược”, song một quan chức khác của quân đội Hàn Quốc khẳng định “thiết bị quân sự chiến lược được hiểu là các thiết bị quân sự có ý nghĩa chiến lược như tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại