Từ chối T-72M1, Việt Nam có nên chọn PT-91 Twardy của Ba Lan?

Bạch Dương |

Xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 Twardy của Ba Lan là phiên bản nâng cấp dựa trên T-72M1 với việc bổ sung thêm nhiều công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn NATO.

Công việc phát triển xe tăng PT-91 được Ba Lan tiến hành từ đầu thập niên 1990 và quá trình chế tạo kéo dài đến năm 2002, với tổng số 230 chiếc xuất xưởng.

Các xe tăng chiến đấu chủ lực loại này nhanh chóng được bổ sung cho binh chủng tăng thiết giáp của Ba Lan, lực lượng đang vận hành 590 xe tăng T-72M1 và một số Leopard 2A4/A5.


Xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 Twardy của Lục quân Ba Lan

Xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 Twardy của Lục quân Ba Lan

So với T-72 nguyên bản của Liên Xô thì điểm khác biệt dễ nhận ra nhất trên PT-91 Twardy là ở các phiến giáp phản ứng nổ ERAWA.

Có tổng cộng 394 khối giáp ERAWA che chắn phía trước thân xe và tháp pháo, được bố trí với mật độ rất dày, không có khoảng hở (so với khoảng cách 15 mm hoặc nhiều hơn trên T-72 của Liên Xô), cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn 30 - 70% tùy thuộc vào loại đạn.

Tuy vậy, giáp của PT-91 vẫn bị đánh giá là không chống chịu được đạn xuyên giáp hiện đại cỡ 120 mm bắn từ cự ly 2.000 m của xe tăng phương Tây.


Hỏa lực là một trong những điểm mạnh của PT-91 Twardy

Hỏa lực là một trong những điểm mạnh của PT-91 Twardy

Vũ khí chính của PT-91 là pháo nòng trơn 125 mm (tương tự pháo 2A46 trên T-72) với hệ thống nạp đạn tự động (cơ số đạn 42 viên). Vũ khí phụ gồm súng máy đồng trục PKT 7,62 mm (cơ số đạn 2.000 viên) và súng máy phòng không NSVT 12,7 mm (cơ số đạn 300 viên).

Vị trí trưởng xe được lắp đặt hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại Drawa của Ba Lan, còn pháo thủ có kính ngắm ảnh nhiệt kết hợp với thiết bị đo xa laser.

Nhờ những khí tài tiên tiến mà PT-91 có thể đối phó với nhiều loại mục tiêu, độ chính xác bắn cao và hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết.

Bên cạnh đó, xe còn có hệ thống phòng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt (NBC), cửa thoát hiểm ở hông, cũng như các thiết bị thông tin liên lạc tiên tiến (như loại RPC 9500).


Xe tăng PT-91 Twardy trong một cuộc diễu binh của Quân đội Ba Lan

Xe tăng PT-91 Twardy trong một cuộc diễu binh của Quân đội Ba Lan

Thông số kỹ thuật cơ bản của PT-91 Twardy: trọng lượng 45,3 tấn; chiều dài thân xe 6,86 m (9,53 m với pháo quay về phía trước); chiều rộng 3,59 m; chiều cao 2,19 m.

Động cơ của PT-91 là loại PZL-Wola S-1000R sử dụng nhiên liệu diesel có công suất 1.000 mã lực (735 kW) ở vòng tua máy 2.000 vòng/phút, cho tốc độ tối đa 70 km/h, tầm hoạt động 480 km.

Xe leo được dốc 60%; đi trên mái taluy có độ nghiêng tới 50%; vượt vật cản cao 0,85 m; vượt hào rộng 2,8 m; lội nước sâu 1,4 m khi không chuẩn bị hoặc 5 m khi lắp thêm ống thở.


Xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91M Pendekar của Malaysia

Xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91M Pendekar của Malaysia

Hợp đồng xuất khẩu xe tăng PT-91 đáng chú ý nhất của Ba Lan là cung cấp cho Lục quân Hoàng gia Malaysia 48 chiếc phiên bản PT-91M Pendekar trong giai đoạn 2007 -2009 (chữ M viết tắt của Malaysia).

So với nguyên bản thì Pendekar được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực Savan-15 do Pháp sản xuất, thay thế súng máy PKT và NSVT bằng FN MAG và FN M2 HB.

Vào năm 2005, Việt Nam từng dự định mua lại 150 xe tăng T-72M1 cũ của Ba Lan nhưng thương vụ này không thành do chúng không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Sau đó xuất hiện thông tin cho biết phía bạn đã giới thiệu cho ta về tính năng của PT-91 Twardy.

Mặc dù tích cực chào bán ra nước ngoài nhưng ngay tại Ba Lan, các xe tăng Twardy mới lại đang bị thay thế bởi Leopard 2A5 secondhand của Đức, điều này khiến cho triển vọng xuất khẩu của PT-91 bị đánh giá là khá tối tăm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại