"Nhiều nước châu Á mua Su-35 không chỉ vì tính năng mà bởi..."

Vy Lam |

Nhà phân tích Benjamin David Baker lý giải một phần lý do khiến máy bay chiến đấu Su-35 của Nga giành phần thắng trên thị trường châu Á, trước các đối thủ mạnh đến từ Âu, Mỹ.

Dưới đây là bài viết của ông Baker trên tạp chí The Diplomat:

Lợi thế của máy bay Nga trên thị trường

Nga nổi tiếng là nhà cung cấp máy bay chiến đấu trên khắp thế giới. Từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh cho tới sau này, các máy bay chiến đấu MiG, Sukhoi, Yak do Liên Xô và Nga chế tạo đã trở thành xương sống của nhiều lực lượng không quân.

Điều này một phần là do quan hệ chính trị thời Chiến tranh Lạnh, trong đó, các nước buộc phải mua thiết bị quân sự từ khối/tổ chức mà họ có quan hệ đồng minh.

Nga được thừa hưởng từ Liên Xô nhiều chương trình nghiên cứu - phát triển (R&D) và cơ sở sản xuất máy bay quân sự.

Hiện nay, thế giới vẫn có nhu cầu khá cao đối với các loại máy bay của Liên Xô và Nga, chủ yếu vì 3 yếu tố: chi phí, chất lượng và không có các lệnh cấm vận vũ khí như phương Tây thường áp đặt lên các quốc gia không làm vừa lòng họ.

Xu hướng này cũng được thể hiện ở châu Á. Một số quốc gia châu Á gần đây đang có kế hoạch nâng cấp hoặc thay thế các phi đoàn máy bay chiến đấu của mình.


Máy bay chiến đấu Rafale

Máy bay chiến đấu Rafale

Saab Gripen (Thụy Điển), Dassault Rafale (Pháp), Eurofighter Typhoon (liên doanh 4 nước châu Âu) và Boeing F/A-18 Super Hornet (Mỹ) đều đã được giới thiệu đến thị trường này.

Một trong những ứng viên chính của Nga tham gia cuộc chơi ở châu Á là Sukhoi Su-35 (Flanker-E, còn được gọi là Super Flanker).

Phát triển dựa trên phiên bản máy bay chiến đấu Su-27 từng được xuất khẩu rộng rãi, Su-35 được xếp vào hàng chiến đấu cơ thế hệ 4+, với rất nhiều công nghệ tiên tiến.

Theo website Militaryfactory.com, Su-35 được trang bị cần tiếp dầu trên không, thiết bị đối kháng điện tử và radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) có thể đồng thời theo dõi 24 mục tiêu khác nhau từ khoảng cách 100km trên địa hình không bằng phẳng.

Ngoài ra, máy bay còn có hệ thống radar mảng pha thụ động Irbis-E.


Máy bay chiến đấu Su-35

Máy bay chiến đấu Su-35

Su-35 trang bị 2 động cơ Saturn AL- 41 (117) mạnh mẽ, với lực đẩy lớn, cho phép máy bay có tốc độ leo cao lớn hơn “người tiền nhiệm” Su-27 và làm nền tảng thử nghiệm cho mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 PAK FA của Nga.

Theo thông tin công bố, Su-35 có thể đạt tốc độ Mach 2.25, khoảng 2.400km/h với các bình nhiên liệu trong thân.

Moscow có kế hoạch triển khai hoạt động một trung đoàn với 48 chiếc Su-35. Ban đầu, Su-35 đóng vai trò như một bước đệm giữa chiến đấu cơ thế hệ 4 và thế hệ 5 PAK FA nhưng hiện nay, Nga đang chào bán Su-35 tới nhiều quốc gia châu Á.

Mua Su-35 không chỉ vì tính năng kỹ thuật

Trung Quốc và Indonesia đều đã đồng ý mua Su-35, còn một số quốc gia khác, như Pakistan và Triều Tiên, cũng được cho là quan tâm tới mẫu máy bay này.

Quốc gia khách hàng đã xác nhận chắc chắn mua Su-35 là Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ mua tổng cộng 24 chiếc, với mức giá từ 83 triệu – 85 triệu USD/chiếc.

Nhiều ý kiến hoài nghi rằng, động cơ chính của Không quân Trung Quốc đằng sau thương vụ này là để tiếp cận với công nghệ Su-35 (PLAAF), từ đó phát triển chương trình máy bay chiến đấu nội địa.

Một yếu tố đặc biệt có liên quan khác là động cơ của Su-35. PLAAF cần có được loại động cơ mạnh hơn để trang bị cho các máy bay chiến đấu thế hệ 5 như J-20 và J-31.

Động cơ AL-41F1S
Động cơ AL-41F1S

Mặc dù Trung Quốc đang phát triển động cơ nội địa WS-15 nhưng động cơ AL-41 của Su-35 vẫn là giải pháp tạm thời lý tưởng.

Xét tới những lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt lên Bắc Kinh sau năm 1989 thì Nga đang trở thành nguồn cung cấp công nghệ quân sự thực tế và hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.

Indonesia gần đây tuyên bố sẽ mua 16 máy bay Super Flanker để thay thế những chiếc F-5 “Tiger” (do Mỹ chế tạo) đã già cỗi.

Su-35 đã phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh trong gói thầu của Indonesia, đặc biệt là các mẫu máy bay chiến đấu đã đề cập ở phần đầu bài viết.

Trước đó, Jakarta đã có một thời gian dài phụ thuộc vào thiết bị quân sự phương Tây. Năm 1986, Indonesia mua một lô tiêm kích F-16 để bổ sung cho các máy bay chiến đấu F-5E Tiger.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Indonesia vào năm 1999, những máy bay này nhanh chóng xuống cấp do thiếu phụ tùng thay thế.

Cuối cùng, Không quân Indonesia đã mua máy bay chiến đấu của Nga, với 2 mẫu máy bay đang chú ý nhất là Su-27 và Su-30.

Một động lực khiến Indonesia mua Su-35 có lẽ cũng là để tránh tình cảnh tương tự xảy ra trong tương lai.

Xem Su-35 tiêu diệt "máy bay địch"

Có thông tin Bình Nhưỡng gần đây đã tỏ ý quan tâm đến chiến đấu cơ Su-35.

Theo tờ JoongAng Ilbo, một phái đoàn quân sự của Triều Tiên đã gặp gỡ các quan chức Nga vào tháng 11/2014 để trao đổi khả năng mua mẫu máy bay này cho lực lượng không quân đang suy yếu.

Tuy nhiên, do lệnh cấm vận vũ khí quốc tế đối với Bình Nhưỡng, Moscow đã từ chối đề nghị này.

Pakistan là khách hàng tiềm năng khác cho máy bay Super Flanker. Theo nhà phân tích Dave Majumdar trên tạp chí National Interest, Nga có vẻ đang đàm phán để bán máy bay Su-35 cùng với các trực thăng tấn công Mi-35 Hind-E cho Pakistan.

Có lẽ đáng ngạc nhiên hơn cả là Nga dường như không hiểu rằng đối tác Ấn Độ của họ sẽ phản ứng cực kỳ tiêu cực đối với một thỏa thuận như vậy.

Su-35 chỉ mang lại cho Pakistan một chút lợi thế trước máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi Su-30MKI của Ấn Độ nhưng nó sẽ thúc đẩy New Delhi tìm đến các mẫu máy bay chiến đấu tiên tiến của phương Tây hoặc tự sản xuất trong nước.

Nhìn chung, một số quốc gia châu Á đang có nhu cầu mua máy bay chiến đấu Super Flanker. Tuy nhiên, đa phần là do tác động của nhân tố chính trị, hoặc có thể họ không có đủ khả năng mua máy bay phương Tây hoặc lo ngại về các lệnh cấm vận trong tương lai.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa Su-35 là mẫu máy bay thua kém mà nó cho thấy cuộc cạnh tranh tại thị trường này rất khốc liệt và nhân tố chính trị vẫn đóng vai trò nhất định trong chương trình mua sắm vũ khí của các quốc gia.

Sản lượng xuất khẩu vũ khí của Nga tới khu vực này đang giảm xuống do các khách hàng lớn và quen thuộc của Nga tại đây đã tự phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hoặc đa dạng hóa nhà cung cấp vũ khí.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Benjamin David Baker

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại