Chiến hạm Mỹ dàn hàng trên biển Đông dằn mặt Trung Quốc

Chiếc soái hạm thuộc Hạm đội 7 (Mỹ) USS Blue Ridge cùng tàu khu trục tên lửa USS Chung-Hoon đã xuất hiện tại biển Đông vào hôm 29/5.

Chiến hạm Mỹ dàn hàng trên biển Đông dằn mặt Trung Quốc
Soái hạm của Hạm đội 7 USS Blue Ridge tại biển Đông

Hai tàu này hiện tuần tra tại khu vực biển Đông, biển Philippines, biển Java và eo Malacca, báo Thanh niên dẫn website của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc cho biết.

Nhóm tàu đang hợp tác trao đổi hải quân và huấn luyện với Hải quân Nhật, Indonesia, Campuchia và các quốc gia khác.

Theo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Chung-Hoon thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, trao đổi và hợp tác nhằm củng cố quan hệ hải quân và thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vào tháng 4, tàu USS Chung-hoon và tàu cứu hộ USNS Salvor của Hải quân Mỹ đã ghé thăm thành phố Đà Nẵng trong 5 ngày.

Mới đây, siêu tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ cũng thực hiện chuyến tuần tra thu hút nhiều sự chú ý tại biển Đông, giữa lúc tình hình trong khu vực đang căng thẳng vì những tranh chấp lãnh thổ.

Chiến hạm Mỹ dàn hàng trên biển Đông dằn mặt Trung Quốc
Chiếc USS Blue Ridge và USS Chung-hoon (trước) tại biển Đông

Theo đó, bắt đầu từ ngày 22/5, trên đường đến biển Đông, USS Nimitz đã tiến hành hàng loạt động thái biểu dương lực lượng như: Tiến hành các cuộc huấn luyện cất, hạ cánh khẩn cấp cho tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet, bổ sung đạn dược trên biển và huấn luyện bắn đạn thật với các mục tiêu cơ động trên biển.

Tất cả các hoạt động này không chỉ được các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ tuyên truyền rầm rộ mà nó còn được Bộ tư lệnh hải quân Mỹ và Hạm đội 7 thông báo công khai. Ví dụ như: Các phi vụ cất cánh của máy bay cảnh báo sớm (AWACS) E-2C “Hawkeye”, máy bay trinh sát - tác chiến điện tử EA-6B Prowler, vào ngày 22, hoạt động dồn dập của tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet ngày 23….

Trên tất cả các bức ảnh còn chú thích rõ: Tàu sân bay CVN-68 USS Nimitz trên biển Đông. Ngoài ra, nhiệm vụ của biên đội tàu sân bay này trên biển Đông được giải thích rõ là hợp tác an ninh khu vực và an toàn hàng hải. Trong khi đó, trên biển Đông đang có sự hiện diện tàu chiến của đầy đủ 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải của Trung Quốc.

Thông thường, Mỹ không bao giờ công khai hoạt động của các tàu chiến ở khu vực biển Đông, nhưng từ khi tình hình đối đầu Trung Quốc và Philippines ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Reef) - 1 phần lãnh thổ Việt Nam bị Philippines chiếm đóng phi pháp đang ngày càng căng thẳng, đột nhiên thông tin về hoạt động của các biên đội tàu Mỹ trở nên nhộn nhịp bất thường. Điều này không nằm ngoài mục đích cảnh cáo các tàu chiến Trung Quốc, răn đe Trung Quốc là Mỹ sẽ hậu thuẫn cho Philippines trong cuộc chiến sống còn trên biển Đông.

Từ đầu năm nay, hải quân Mỹ đã gia tăng đáng kể sự hiện diện trên biển Đông, đặc biệt là thời gian hoạt động càng ngày càng dài của các tàu sân bay. Mới chỉ tháng trước, tàu sân bay CVN-74 USS John C.Stennis vừa mới triển khai một loạt hoạt động quân sự trên biển Đông.

Khi đó, đích danh phóng viên của hải quân Mỹ đã phát đi một thông điệp từ trên tàu sân bay: “Biển Đông đang là trọng điểm tranh chấp của một số quốc gia vì lượng dự trữ dầu mỏ và tài nguyên hải dương phong phú, nhưng biển Đông là tuyến đường biển quốc tế cực kỳ quan trọng, mỗi năm hơn 1/3 lượng hàng vận tải biển trên thế giới lưu thông qua đây. Hải quân Mỹ cũng có trách nhiệm bảo vệ an ninh biển và an toàn hàng hải trên tuyến đường này”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại