Phát biểu với tờ “Minh báo” của Hong Kong hôm 13/1, Chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế Ma Cao, ông Antony Wong Dong giải thích máy bay chiến đấu của Trung Quốc có động cơ, bộ phận được coi là “tim” của máy bay chiến đấu, vẫn lệ thuộc vào công nghệ của nước khác như Ukraine…, nếu không thể khắc phục, vị trí thứ hai sẽ bị đe dọa.
Trong khi đó, trang tin của tạp chí chuyên ngành không quân “Flight International” (Anh) vừa công bố Báo cáo Phát triển Không lực Toàn cầu năm 2013, cho thấy Trung Quốc đã vượt Nga, đứng thứ 2 thế giới về số lượng máy bay chiến đấu.
Theo báo cáo, thực lực không quân Trung Quốc đang được tăng cường. Trong năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành bay thử máy bay vận tải chiến lược Y-20, máy bay trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh J-15 cũng được bay thử ở phạm vi rộng hơn.
Xét về số lượng, hiện nay, không quân Trung Quốc có 1.453 chiếc máy bay chiến đấu, chiếm 10% của thế giới, đứng sau Mỹ, nước có 2.740 chiếc máy bay chiến đấu, chiếm 19% của thế giới.
Như vậy, trong năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Nga, nước đứng thứ ba thế giới, có 1.438 chiến đấu cơ, nhưng theo ông Antony Wong Dong, đó là do mấy năm nay Nga có một lượng lớn máy bay già cỗi phải “về hưu”, xét về chất lượng, máy bay chiến đấu của Nga vẫn hơn máy bay chiến đấu của Trung Quốc một bậc.
Trong một diễn biến liên quan, tạp chí “Kanwa Defense Review” số tháng 1/2014 phát hành ở Hong Kong cho biết Trung Quốc rất muốn có thêm nhiều động cơ máy bay loại D30Pk-2 sau khi tập đoàn sản xuất động cơ Satun của Nga hoàn thành hợp đồng xuất khẩu phân lô 240 chiếc động cơ D30Pk-2 cho Trung Quốc.
Bên cạnh việc thay thế động cơ cho máy bay đa năng IL-76 MD/TD, những chiếc động cơ D30Pk-2 nhập khẩu từ Nga có thể được Trung Quốc sử dụng làm cơ sở nghiên cứu chế tạo động cơ nội địa WS-18, sản xuất thêm nhiều máy bay ném bom chiến lược H-6K và máy bay vận tải chiến lược Y-20.
Ngoài động cơ D30Pk-2, trong năm 2014, Trung Quốc còn nhập khẩu thêm một lô động cơ AL-31FN mà theo tạp chí “Kanwa Defense Review” là nhằm sản xuất thêm nhiều máy bay chiến đấu J-10.