Máy bay tàng hình (còn gọi là phi cơ tàng hình hay không hạm tàng hình) là một loại máy bay hơn hẳn những máy bay thông dụng khác, áp dụng công nghệ tàng hình để chống lại việc bị phát hiện từ radar. Máy bay tàng hình được chia làm các loại như máy bay ném bom tàng hình (máy bay B-2 Sprit) và máy bay chiến đấu tàng hình (máy bay F-22 Raptor)…
Máy bay F-22 Raptor (Mỹ):
Nói đến máy bay chiến đấu (chiến đấu cơ) tàng hình, trước hết, xin nói đến các chú “Chim ăn thịt” F-22 Raptor của Quân đội Mỹ.
F-22 Raptor là máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình thế hệ 4 do hãng Lockheed Martin sản xuất.
F-22 có một số tính năng cơ bản sau: Tàng hình, tác chiến 24/7 mà không bị radar đối phương phát hiện; có khả năng bay tuần tiễu ở tốc độ siêu âm, đạt được tốc độ Mach 1,5 (510m/s) mà không cần đốt nhiên liệu lần hai; linh hoạt trong quá trình bay, cho phép thao diễn tốt ở tốc độ cao; hệ thống radar hiện đại cho phép kiểm soát đa hướng; phối hợp tốt cùng với các máy bay cũng như các loại trang bị vũ khí khác.
Về hệ thống vũ khí, F-22 được trang bị một khẩu pháo 6 nòng M61A2 20mm phía bên cánh phải và có thể thay đổi tùy theo nhiệm vụ.
Để chiến đấu trên không, F-22 sẽ mang theo 6 tên lửa AIM-120C AMRAAM tầm xa (tầm bắn 90 km) và hai tên lửa AIM-9 Sidewinder ở hai khoang cạnh thân.
Để tấn công mặt đất, bốn tên lửa AIM-120C ở khoang giữa thân sẽ được thay bằng hai bom thông minh GBU-32 JDAM loại 204 kg (hoặc bỏ cả 6 tên lửa AMRAAM để thay bằng hai bom GBU-30 JDAM loại 454 kg).
Trong nhiệm vụ tuần tiễu, F-22 chỉ mang theo bốn thùng dầu phụ và 8 tên lửa tầm ngắn AIM-9.
Máy bay F-35 Lightning II (Mỹ):
Ngay sau khi chính thức biên chế Chim ăn thịt F-22 cho Không quân Mỹ năm 2005, Mỹ tiếp tục nghiên cứu và phát triển máy bay tàng hình được mệnh danh là “Tia chớp” F-35 Lightning II.
F-35 Lightning II được phát triển từ máy bay X-35 theo dự án máy bay tiêm kích tấn công kết hợp (JSF), là loại máy bay tiêm kích một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình, đa năng, có thể thực hiện các nhiệm vụ như: Yểm trợ trên không, ném bom chiến thuật và chiến đấu không đối không. Tuy nhiên, “Tia chớp F-3” lại không được thiết kế để hoạt động trong điều kiện giông bão.
F-35 Lightning II được trang bị 1 pháo GAU-12/U 25mm; 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất; tên lửa chống tăng Brimstone, bom chùm và tên lửa chống bức xạ cao tốc (HARM) cũng như một số loại vũ khí khác.
Mặc dù chưa được chính thức biên chế hoạt động và gặp nhiều trở ngại trong quá trình sản xuất, nhưng “Tia chớp F-35” luôn được Quân đội Mỹ rất kỳ vọng và mong muốn sớm sở hữu loại máy bay này. Các kỹ sư thiết kế F-35 cho biết họ đang tiến hành khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, thời điểm hoàn tất chiến đấu cơ F-35A, F-35B, F-35C lần lượt vào các năm 2016, 2018 và 2017.
J-20 (Trung Quốc):
Không chịu thua Mỹ trong cuộc tranh đua ở “làng máy bay chiến đấu tàng hình”, Nga và Trung Quốc cũng đã “khoe” các máy bay của mình như T-50, J-20 và J-31. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng hai loại máy bay J-20 và J-31 của Trung Quốc chỉ có thể hoạt động sau năm 2018.
“Chúng tôi không cho rằng hai loại máy bay tàng hình J-20 và J-31 của Trung Quốc có thể đạt được khả năng hoạt động trước năm 2018”, ông David Helvey, Trợ lý thứ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á phát biểu với Flight Global.
Tháng 3 vừa qua, truyền thông Trung Quốc đã tiết lộ các bức ảnh về máy bay tiêm kích tàng hình J-20 số hiệu 2002 bay lượn trên bầu trời với khoang vũ khí để mở.
Trước đó, Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm máy bay J-20 vào tháng 1.2011 và J-31 trong tháng 10.2012. Các chuyến bay thử nghiệm này là một minh chứng rõ nét trong tham vọng phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến thế hệ thứ năm của Trung Quốc. Đồng thời, Lực lượng Không quân hạm Trung Quốc cũng đạt được những tiến bộ đáng kể khi đưa máy bay tiêm kích hạm tàng hình J-15 bắt đầu vào hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh vào tháng 11.2012. Nhưng Mỹ dự đoán máy bay này sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa để có thể sẵn sàng chiến đấu trước khi Trung Quốc có đủ một nhóm tác chiến biên đội tàu sân bay.
Về vũ khí, máy bay J-20 có thể mang được 2 tên lửa tầm ngắn PL-10 trong mỗi khoang vũ khí phụ và 6 - 8 tên lửa tầm trung PL-12 trong khoang vũ khí chính giữa thân máy bay. Tên lửa PL-10 là một trong những vũ khí không quân mới do Trung Quốc tự phát triển. Một cánh cửa khoang vũ khí phụ của máy bay J-20 mở ra và sau đó đóng lại ngay sau khi tên lửa PL-10 cùng với giá treo của nó được đẩy ra ngoài. Thiết kế này của J-20 sẽ giúp cho tên lửa được phóng đi trong thời gian nhanh nhất có thể.
Ở thiết kế của máy bay tàng hình F-22 Raptor, cửa khoang vũ khí sẽ phải chờ cho tới khi tên lửa được nhả ra và phóng đi, vì thế ảnh hưởng lớn tới khả năng tàng hình của nó. Ngược lại, với thiết kế của J-20, máy bay vẫn có thể tàng hình trong suốt quá trình phóng tên lửa bởi khoang vũ khí đã đóng lại.
Mặc dù các phương tiện truyền thông Trung Quốc ca ngợi về cơ chế phóng tên lửa của J-20 nhưng theo biên tập viên trưởng của tạp chí Quốc phòng Quốc tế, ông Chen Kuo nói rằng, điều quan trọng là J-20 có thể bắn được tên lửa tầm ngắn khóa mục tiêu từ mọi góc độ như khả năng của máy bay F-22 hay không. Trong trường hợp này, tên lửa PL-10 không thể nào so sánh được với khả năng khóa mục tiêu ở tên lửa tầm ngắn AIM-9X của Không quân Mỹ.
Su-T-50 (Nga):
Cùng góp mặt với làng máy bay chiến đấu tàng hình trên thế giới, Nga muốn dùng Sukhoi T-50 để “sánh vai” với các máy bay tàng hình của Mỹ và Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Su-T-50 sẽ bắt đầu phục vụ trong lực lượng không quân Nga vào năm 2016 và không phải thời điểm năm 2015 như đã thông báo trước đó, đây là xác nhận của đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng 4.2013.
Sukhoi T-50, hay còn được biết đến với cái tên PAK-FA (máy bay chiến đấu chiến thuật tương lai cho không quân), được giới thiệu lần đầu tiên vào hồi cuối tháng 1.2010 và hiện diện công khai lần đầu ở triển lãm hàng không Moscow trong năm 2011.
Sukhoi T-50 sẽ trở thành lực lượng máy bay chiến đấu nòng cốt của Không quân Nga trong tương lai, đây là loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm, được trang bị các thành phần của công nghệ tàng hình, siêu cơ động, khả năng bay siêu hành trình (bay siêu âm mà không cần đốt sau), và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến (bao gồm một radar mảng pha chủ động X-band).