“Đây là một trong những công nghệ hiện đại nhất mà người Đức có được ở giai đoạn cuối chiến tranh, và tập đoàn Northrop đã có câu trả lời về công nghệ giúp máy bay chiến đấu chống lại radar của quân đồng minh thời đó. Đây là “vật thể bay” tốt hơn bất kỳ máy bay nào đang hoạt động cho đến những năm 1960”, Mike Jorgenson, nhà làm phim tài liệu nổi tiếng, cho biết.
May mắn cho thế giới là Ho 229 không được sản xuất loạt trước khi Đức quốc xã đầu hàng vào tháng 5/1945. Ngay sau khi tiếp quản Tây Đức, các nhà nghiên cứu Mỹ đã đóng gói và chuyển về nước mẫu Ho 229 đầu tiên, và giao cho công ty sản xuất B-2 tái hiện lại Ho 229.
Sử dụng loại radar giống với lực lượng bảo vệ bờ biển Anh sử dụng trong Thế chiến II, các kỹ sư Mỹ đã phát hiện Ho 229 có thể bay ở độ cao khoảng 30 m trên eo biển La Manche, nhờ đó có thể “vô hình” trước Không quân Hoàng gia Anh, một lợi thế được phát hiện quá muộn để Đức quốc xã có thể tận dụng.
Ý tưởng và thiết kế
Đầu những năm 1930, anh em nhà Horten, tác giả của Ho 229, bắt tay vào nghiên cứu thiết kế kiểu “cánh bay” với mục đích cải thiện hoạt động của tàu lượn. Thời đó, Chính phủ Đức tài trợ cho các câu lạc bộ tàu lượn do sau Thế chiến I, Hiệp ước Versailles cấm Đức sản xuất máy bay. Thiết kế mới này bỏ đi những phần không cần thiết để đạt trọng lượng nhẹ nhất có thể.
Năm 1943, hãng sản xuất Reichsmarschall Göring đề xuất sản xuất một máy bay ném bom có khả năng mang tải trọng 1.000 kg đi xa hơn 1.000 km với vận tốc 1.000 km/h. Dự án được đặt tên 3 X 1000.
Trước đó, các máy bay ném bom thông thường của Đức có thể bay tới bộ chỉ huy Đồng minh ở Anh, song bị nhiều tổn thất trước các chiến đấu cơ của Đồng minh. Khi đó, dường như không có cách nào để đạt được những mục tiêu trên, các động cơ turbine phản lực Jumo 004B có thể đạt được tốc độ yêu cầu nhưng tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu.
Anh em nhà Horten nhận ra rằng, thiết kế phần cánh bay lực cản thấp có thể đáp ứng được tất cả yêu cầu trên và đã đề xuất dự án Ho IX như một bước cơ bản cho việc sản xuất máy bay ném bom.
Bộ Không quân đế chế của nước Đức phát xít đã chấp thuận đề nghị của Horten, nhưng yêu cầu bổ sung vào thiết kế 2 khẩu pháo 30 mm, vì cho rằng nó có thể sử dụng như một máy bay chiến đấu với tốc độ cao hơn đáng kể so với các máy bay Đồng minh lúc đó.
Ho 229 là một thiết kế hỗn hợp, với phần vỏ trung tâm được làm bằng ống thép và phần xà dọc của cánh làm bằng gỗ. Cánh máy bay làm từ các tấm ván gỗ dán chứa carbon, mỏng, được dính với nhau với hỗn hợp mùn cưa và than củi.
Công nghệ tàng hình
Reiman Horton cho biết, ông đã trộn bụi than với hồ dán để “hút” sóng điện từ, có thể tạo một lớp lá chắn bảo vệ trước hệ thống radar cảnh báo sớm trên mặt đất Chain Home của Anh. Biện pháp này được Northrop-Grumman thử nghiệm năm 2008 và khẳng định có thể giảm tới 20% phản xạ của sóng radar.
Thiết kế Ho 229 sử dụng thiết kế cánh hiện đại so với các máy bay thời đó. Phần cánh có độ xoắn giữ đầu cánh và cánh phụ ở trạng thái song song với mặt đất.
Khu vực trung tâm xoắn lên trên, làm chệch hướng không khí trong khi bay và hỗ trợ khi cất cánh, tránh được tình trạng mất cân bằng cho máy bay.
Horten cũng chú ý thử nghiệm ống gió và thiết kế mặt cắt ngang của cánh một cách kỹ lưỡng. Thiết kế này giúp Ho 229 cất cánh dễ dàng và vững chắc trong mọi điều kiện hoạt động.
Các biến thể còn “sống sót”
Biến thể đầu tiên Ho IX V1 bay thử nghiệm vào ngày 1/3/1944, tiếp theo đến tháng 12/1944, biến thể Ho IX V2 chạy bằng động cơ Jumo 004 xuất hiện. Göring tin tưởng bản thiết kế và yêu cầu sản xuất loạt khoảng 40 máy bay.
Ý định này vẫn tiếp tục được nhen nhóm kể cả khi HO IX V2 gặp nạn sau khi động cơ bốc cháy chỉ 2 giờ sau chuyến bay thử ngày 18/2/1945. Ngày 12/3/1945, Ho 229 được bổ sung vào chương trình sản xuất vũ khí chiến đấu với chi phí thấp của Jäger-Notprogramm.
Biến thể tàu bay Ho IV cổ hiện có mặt trong Bảo tàng những máy bay nổi tiếng ở Chino, California, Mỹ. Chiếc Ho 229 duy nhất, biến thể V3, đã “đầu quân” cho Bảo tàng Hàng không và vũ trụ quốc gia Paul E. Garber ở Suitland, Maryland.
Năm chiếc máy bay Ho 229 được tìm thấy trong nhà máy sản xuất Gothaer Wagonfabrik đã bị binh lính quân đoàn VIII Mỹ phá huy vào tháng 4/1945 nhằm “thủ tiêu” công nghệ để tránh rơi vào tay Hồng quân Liên Xô.
"Tái xuất giang hồ"
Các kỹ sư của Tập đoàn Northrop-Grumman “kết” Ho 229 từ lâu, thậm chí một vài người đã tới chiêm ngưỡng phiên bản V3 tại cơ sở Smithsonian, Silver Hill, Maryland, từ đầu những năm 1980.
Đầu năm 2008, Northrop-Grumman, phối hợp với nhà sản xuất phim tài liệu Michael Jorgensen, một “fan cuồng nhiệt” của máy bay và kênh National Geographic sản xuất một bộ phim tài liệu để xác định liệu Ho 229 có phải là máy bay ném bom tàng hình đầu tiên trên thế giới hay không.
Thiết kế, công nghệ của Ho 229 áp dụng cho máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ sau này.
Một nhóm các kỹ sư của Northrop-Grumman đã thử nghiệm điện từ ở phần chóp làm bằng gỗ của V3. Họ kết luận rằng, đã có một yếu tố trong hỗn hợp keo hồ khiến tín hiệu radar chậm lại khi đi qua trước mặt máy bay.
Trong một thử nghiệm các tính năng tàng hình của thiết kế, Northrop-Grumman tái sản xuất V3 với một hỗn hợp hồ ở phần chóp. Sau khi đầu tư chi phí khoảng 250.000 USD và 2.500 giờ làm việc, biến thể Ho 229 của Northrop được đem ra thử nghiệm đo tiết diện radar (RCS) ở Tejon, California ở các bước sóng radar giống hệt hệ thống Chain Home của Anh trong những năm 1940.
Thử nghiệm RCS cho thấy, Ho 229 bay từ Pháp tới vùng bờ biển Anh với tốc độ 885 km/h, ở độ cao 15-30 m và không bị radar Chain Home phát hiện.