Bức ảnh đồ họa trên cho thấy tất cả các loại vũ khí mà T-50 mang theo, trong số đó có tên lửa Izdelie 810, một phiên bản cải tiến từ tên lửa R-37M được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao, và Hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không (AWACS) từ khoảng cách 400 km.
Bên cạnh đó là tên lửa không đối không K-77M được tích hợp với radar AESA (radar quét mạng pha điện tử chủ động); tên lửa hành trình chống tàu Kh-35UE; tên lửa chống bức xạ Kh-58UShKE; tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos-NG hợp tác sản xuất cùng với Ấn Độ và bom KAB.
Tính cơ động và linh hoạt của T-50
Ngoài ra, PAK FA có tính năng tàng hình đặc biệt, nó có thể làm giảm tiết diện radar xuống còn một quả bóng quần vợt nhìn từ góc tối ưu.
Để bảo đảm được tính năng trên, các kỹ sư thiết kế đã đưa hết hệ thống vũ khí của máy bay vào bên trong và thay đổi nhiều bộ phận bằng các chất liệu hấp thụ sóng radio.
T-50 cũng mang theo hệ thống định vị quán tính BINS-SP2M nâng cấp, có khả năng lưu trữ các thông tin của máy bay và xác định tham số của các vật thể bay khác. Nó cũng có thể phối hợp với vệ tinh vũ trụ GLONASS.
Được biết, PAK-FA sẽ được sản xuất hàng loạt từ năm 2016. Đến cuối năm 2014, đã chế tạo được 5 máy bay như vậy và 3 chiếc khác đang trong quá trình sản xuất.
Trước đó, Tập đoàn chế tạo máy bay nói rằng cho đến năm 2020, không quân Nga sẽ nhận 55 chiếc máy bay chiến đấu T-50.
Ngoài khả năng bay với vận tốc tối đa tới 2.600 km/h, T-50 được biết đến là một “robot biết bay” nhờ hệ thống điều khiển hoàn hảo và là “báu vật” của ngành hàng không quân sự Nga.
T-50 được phát triển theo chương trình PAK FA tại Cục thiết kế thử nghiệm Sukhoi nhằm cạnh tranh với F-22 Raptor (Mỹ) - chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 duy nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại.
T-50 hứa hẹn sẽ là một thay thế xứng đáng cho các mẫu tiêm kích phản lực Su-27 và MiG-29 của Nga.