Tàng hình hoặc kỹ thuật làm giảm khả năng vũ khí bị đối phương phát hiện ra đã được ứng dụng từ thời thượng cổ. Ví dụ điển hình nhất là may một cái túi quần và giấu cục đá vào trong đó.
Hàng nghìn năm sau, với khả năng phát hiện các đối tượng trên mặt đất, trên không, trên biển bằng cách sử dụng bức xạ điện từ (radar) khiến việc ngụy trang trở nên khó khăn hơn.
Các ý tưởng làm cho một chiếc máy bay trở nên vô hình với sóng radar đã được các nhà khoa học nghĩ đến từ những năm Chiến tranh thế giới thứ 2.
Tuy nhiên chỉ sau khi Pyotr Ufimtsev, nhà toán học người Nga viết một bài báo về sự tán xạ sóng radar, kỹ thuật tàng hình mới trở nên thực tế hơn.
Những kỹ sư hàng không của Lockheed Martin đã nhìn thấy tiềm năng tàng hình từ lý thuyết của nhà toán học người Nga.
Kết quả của ứng dụng này là sự ra đời máy bay ném bom tàng hình đầu tiên trên thế giới F-117A Nighthawk vào năm 1983. Kể từ đó, tàng hình trở thành một phần không thể thiếu trong các vũ khí của Mỹ.
Dưới đây là danh sách 5 vũ khí tàng hình đáng sợ nhất của Mỹ.
SR-71 Blackbird
Giới quân sự đánh giá SR-71 Blackbird là thành tựu công nghệ hàng không lớn nhất thời chiến tranh Lạnh.
Vốn nổi tiếng là chiến đấu cơ nhanh nhất từng được chế tạo, SR-71 còn có tính năng tàng hình mà ít người biết đến.
SR-71 có thể đạt tốc độ tối đa tới Mach 3,2 (3.800 km/h). Blackbird cất cánh lần đầu vào năm 1962, điều thú vị ở chỗ nó là một trong những máy bay đầu tiên trên thế giới tích hợp 4 tính năng tàng hình vào trong thiết kế.
Đầu tiên, các bề mặt được thiết kế để tránh phản xạ sóng điện từ, tiếp đến phần cánh, đuôi và thân máy bay chế tạo từ vật liệu composite xen kẽ titan. Vật liệu tổng hợp đã chứng minh khả năng hấp thụ sóng điện từ rất tốt.
Thứ 3 là 2 động cơ cỡ lớn J-58 với cách bố trí đặc biệt ở hai bên cánh, giúp tối ưu luồng không khí đi qua động cơ và thân máy bay.
Tính năng thứ 4 được áp dụng trên SR-71 là lớp sơn màu đen đặc biệt chứa các hạt Ferrite có tác dụng hấp thụ sóng radar, mang lại cho máy bay này biệt danh Blackbird.
Các ứng dụng tàng hình giúp làm giảm diện tích phản xạ radar của Blackbird xuống còn khoảng 10 m2 so với 100 m2 của F-15 Eagle đời đầu.
F-117 Nighthawk
F-117 - Máy bay ném bom tàng hình đầu tiên trên thế giới.
Đây là chiếc máy bay tàng hình đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới. F-117 thường bị nhầm lẫn là một máy bay tiêm kích. Thực ra, bản chất thiết kế của nó là máy bay ném bom chiến thuật và không có khả năng đối không.
F-117 là thành quả của Dự án Have Blue của Tập đoàn Lockheed (này là Lockheed Martin) với 2 công nghệ tàng hình lần đầu được áp dụng. Máy bay trong dự án Have Blue nhấn mạnh đến việc giảm tối đa mặt cắt radar hơn là hiệu suất khí động học.
Để bù lại phần thiếu ổn định trong khí động học, các kỹ sư đã áp dụng công nghệ “fly-by-wire” được phát triển cho F-16 nhằm ngăn chặn sự mất kiểm soát khi đang bay. Tổng cộng 59 chiếc F-117 đã được sản xuất.
F-117 xuất kích làm nhiệm vụ lần đầu tiên vào năm 1989 để ném bom các mục tiêu trong cuộc xâm lược Panama.
Đến chiến dịch Bão táp Sa mạc, F-117 thực hiện các phi vụ ném bom Baghdad vào ban đêm cũng như tham gia hoạt động lập vùng cấm bay trên bầu trời Iraq những năm 1990.
Sau đó, F-117 còn nhận nhiệm vụ không kích Kosovo năm 1999, ném bom trong chiến dịch Tự do Iraq năm 2003. Nighthawk chính thức ngừng hoạt động trong Không quân Mỹ từ năm 2008.
B-2 Spirit
B-2 - Máy bay ném bom chiến lược tàng hình duy nhất trên thế giới.
Được tiết lộ lần đầu vào năm 1988 bởi tập đoàn Northrop, B-2 là máy bay ném bom chiến lược tàng hình đầu tiên của Mỹ cũng như thế giới.
Nó có thiết kế khí động học độc đáo, không có cánh đuôi đứng giúp giảm tối đa mức độ phản xạ radar. Với khả năng tàng hình tối ưu, B-2 có thể xâm nhập mạng lưới phòng không đối phương một cách hiệu quả.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kế hoạch sản xuất 132 B-2 giảm xuống còn 21 chiếc. Sự thành công của F-117 đã chứng minh tính hữu ích của máy bay tàng hình với khả năng tấn công chính xác cao.
Những quái vật tàng hình B-2 liên tục được cập nhật các công nghệ mới. Phi cơ này có thể mang bom thông thường, bom thông minh JDAM, bom hạt nhân chiến thuật B61 và gần đây là bom xuyên boongke cỡ lớn MOP.
B-2 xuất kích làm nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên trên bầu trời Kosovo vào năm 1999, ném bom các mục tiêu ở Afghanistan trong chiến dịch Tự do bền vững năm 2004, chiến dịch Tự do Iraq năm 2003 và không kích Libya năm 2011.
F-22 Raptor
F-22 Raptor - Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Không quân Mỹ.
Đây là tiêm kích tàng hình duy nhất đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. F-22 được thiết kế để thay thế cho F-15, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2005, nó là chiến đấu cơ tốt nhất thế giới, ưu việt hơn hẳn các máy bay hiện tại.
Không giống các thiết kế tàng hình trước đây, F-22 vẫn đảm bảo tính năng tàng hình trong thiết kế khí động học tiêu chuẩn. Điều đó mang lại cho tiêm kích này lợi thế không chiến vượt trội so với đối phương.
Ban đầu Không quân Mỹ dự định đặt hàng 750 chiếc F-22, nhưng đơn hàng sau đó giảm xuống còn 187 chiếc.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio
Tàng hình không chỉ được áp dụng trên máy bay, tàu ngầm đã được tích hợp tính năng tàng hình trong nhiều thập kỷ. Trong số các tàu ngầm, sự kết hợp mạnh mẽ nhất giữa sát thương và tàng hình gần như chắc chắn là tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio.
Có một huyền thoại phổ biến rằng, tàu ngầm lớp Ohio chưa bao giờ bị phát hiện bởi tàu ngầm Liên Xô hay các hệ thống dò tìm khác. Ohio có lượng giãn nước khi lặn 18.450 tấn, lớn nhất trong các tàu ngầm từng chế tạo cho Hải quân Mỹ.
Tính năng tàng hình của nó kết hợp giữa thân hình trụ, thiết bị chống ồn và cô lập âm thanh phát ra khi hoạt động cùng vật liệu hấp thu bức xạ sóng âm.
Tổng cộng có 18 tàu ngầm lớp Ohio được sản xuất, trong đó có 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược và 4 tàu ngầm tấn công hạt nhân.