Chuyên gia Nga-Mỹ "mổ xẻ" khả năng tàng hình tăng Armata

PVD |

Các chuyên gia Nga và Mỹ đều tỏ ra hoài nghi về khả năng "tàng hình" trước radar của siêu tăng T-14 Armata.

Các chuyên gia về xe tăng của cả Nga và Mỹ đều tỏ ra hoài nghi về tuyên bố gần đây của công ty UVZ rằng xe tăng chiến đấu chủ lực mới T-14 Armata của họ là "vô hình" với radar.

Tuyên bố trên do Giám đốc hiệp hội nhà máy sản xuất UralVagonZavod (UVZ) ở Nizhi Tagil, ông Vyacheskav Khalitov cho biết trên đài tiếng nói Moscow hôm 3/7 vừa qua.

"Về cơ bản chúng tôi đã tạo ra một xe tăng tàng hình", ông Khalitov nói và cho biết rằng, tính năng tàng hình của xe tăng Armata được xây dựng dựa trên việc sắp xếp các thiết bị trong khoang.

Khalitov cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới xe tăng bị phát hiện và bị tấn công bằng vũ khí chống tăng chính là bức xạ hồng ngoại (IR) mà nó phát ra, vì thế người ta luôn muốn giảm thiểu bức xạ IR càng nhiều càng tốt.

Nói về tiết diện phản xạ tín hiệu radar của xe tăng, ông Khalitov cho biết, khung gầm xe tăng T-14 đã được phủ một lớp sơn hấp thụ tín hiệu sóng radar và một số vật liệu đặc biệt làm cho nó khó bị radar phát hiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ với nhiều năm kinh nghiệm trong quá trình thiết kế ra các thế hệ xe tăng hiện nay và cả các chuyên gia Nga từng làm việc trong các chương trình trước đây của Liên Xô cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng làm giảm tiết diện phản xạ radar trên xe tăng Armata.

Các chuyên gia Mỹ và Nga tỏ ra nghi ngờ khả năng tàng hình của xe tăng T-14.

Các chuyên gia Mỹ và Nga tỏ ra nghi ngờ khả năng tàng hình của xe tăng T-14.

Một sỹ quan nghỉ hưu của quân đội Mỹ, người đã từng là một chuyên gia cấp cao trong chương trình phát triển xe tăng M1 Abram của General Dynamics đã phân tích thiết kế xe tăng T-14 và nêu ra một số yêu cầu khác trong việc làm giảm độ bộc lộ tín hiệu xe tăng, ông nói với IHS Jane's:

"Những yếu tố sau phải được chứng minh, bao gồm việc lắp đặt các thiết bị sinh nhiệt ở sâu bên trong xe tăng sẽ không giúp giảm độ bộc lộ IR; công nghệ ảnh nhiệt hiện đại rất nhạy và khi xe tăng di chuyển, hoặc nhả đạn pháo, hay thậm chí một thành viên kíp xe bị bộc lộ ra bên ngoài cũng đủ để tạo ra một nền nhiệt.

Thêm vào đó, khi một động cơ đủ mạnh để giúp một chiếc xe tăng nặng 40 - 50 tấn di chuyển, nó sẽ phải nóng lên và phát xạ tín hiệu nhiệt.

Còn các chuyên gia Nga - những người làm về kỹ thuật giảm tiết diện phản xạ tín hiệu radar thì nói rằng, hầu hết những nghiên cứu kiểu này ở Nga đều được thực hiện với mục đích ứng dụng chính là cho các máy bay quân sự - để giám bớt tiết diện phản xạ nhìn từ radar của một máy bay khác hay một trạm radar của hệ thống tên lửa phòng không trên mặt đất.

Công nghệ này chưa tối ưu để có thể bảo vệ các mục tiêu mặt đất từ các cuộc tấn công trên không.

"Bạn làm cách nào để giảm tiết diện phản xạ tín hiệu sóng radar (RCS) cho các vũ khí này cũng rất khác nhau", một chuyên gia Nga nói.

"Đối với các mục tiêu trên không, bạn sẽ cố gắng giảm RCS để làm cho đối phương khó khóa được mục tiêu hơn.

Còn với các mục tiêu mặt đất, bạn sẽ cố gắng làm cho đối phương không phân biệt được chiếc xe tăng với môi trường xung quanh nó.

Hai phương pháp này không nhất thiết phải áp dụng dập khuôn cho nhau bởi cách giải quyết vấn đề là khác nhau".

Theo các chuyên gia Mỹ, xe tăng T-14 Armata có thiết kế sắp xếp kiểu mô-đun bên trong khoang chứa đạn pháo và tháp pháo hoàn toàn tách biệt với khoang chứa kíp xe.

Cách bố trí này đã được chứng minh trong các thiết kế xe tăng được các quốc gia khác phát triển để tăng cường khả năng bảo vệ cho kíp lái.

(Chuyên gia Mỹ đã "dìm hàng" xe tăng Nga hơi quá, bởi trên thực tế T-14 Armata là xe tăng đầu tiên trên thế giới có thiết kế khoang điều khiển cho kíp xe nằm tách biệt với khoang chứa đạn và tháp pháo được điều khiển từ xa.

Một số quốc gia phương Tây cũng từng thử nghiệm một số thiết kế như vậy nhưng họ đều đã từ bỏ vì nhiều lý do khác nhau).

Các chuyên gia Mỹ không đánh giá cao về đặc điểm thiết kế tách riêng kíp xe với khoang chứa đạn của T-14. Họ cho rằng thiết kế này giống như việc quân đội Mỹ đã từng làm được 40 năm trước với xe tăng Abrams.

"Người Nga đã tụt lại phía sau chúng ta (Mỹ) về lĩnh vực này. Nguyên nhân là học thuyết tác chiến của họ ở cự li gần, sử dụng số lượng áp đảo và khả năng bắn nhanh để tấn công tầm gần - khi đó độ chính xác của hỏa lực không phải là điều quá quan trọng.

Điển hình trong cuộc chiến vùng Vịnh, xe tăng Abram của Mỹ luôn có lợi thế hơn xe tăng Nga 2 lần", một sỹ quan Mỹ nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại