Chuyên gia Nga: Xe tăng TQ kém xa T-90, “tuổi gì” đọ Armata?

Thắng Nam |

Sau khi các chuyên gia quân sự Bắc Kinh lên tiếng chê bai siêu tăng Armata, chuyên gia Nga đã ngay lập tức phản bác và chỉ ra những yếu kém của công nghiệp xe tăng Trung Quốc.

Sau khi xuất hiện công khai tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, siêu tăng T-14 Armata của Nga đã chứng tỏ vị thế của xe tăng chiến đấu chủ lực số 1 thế giới và nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các chuyên gia quân sự.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc lại nhận định xe tăng nước này sản xuất không kém gì so với Armata. Chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga đã có bình luận đáp trả những bài viết trên tạp chí quân sự Trung Quốc.

Theo ông Kashin, trong bài viết trên website của Tập đoàn công nghiệp vũ khí Trung Quốc, các chuyên gia chủ yếu miêu tả đặc tính ưu việt của “gà nhà”, bao gồm những nhận định hết sức sai lầm, đồng thời không nắm được sự khác biệt của ngành sản xuất xe tăng Nga - Trung.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata

Số lượng và chất lượng xe tăng xuất khẩu Nga vượt trội Trung Quốc.

Bài viết cho rằng, Nga chỉ có thể xuất khẩu ra nước ngoài các biến thể hiện đại hóa của dòng tăng T-90, trong khi đó Trung Quốc bán ra thị trường thế giới tới 3 dòng: VT-1, VT-2VT-4, có khả năng “đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của mọi các khách hàng trên thế giới”.

Ông Kashin chỉ rõ, trong bản đồ đánh dấu thị phần xe tăng thế giới mà phía Trung Quốc nêu ra, có 2 khiếm khuyết rất lớn.

Thứ nhất, Trung Quốc đánh giá quá “khiêm tốn” về thị trường tiêu thụ của dòng xe tăng xuất khẩu chủ lực T-90, trong khi tổng lượng cung ứng ra thị trường thế giới của dòng xe tăng Nga nhiều gấp bội so với cả 3 loại xe tăng xuất khẩu của Trung Quốc.

Từ năm 2004 trở lại đây, riêng T-90 tiêu thụ ở thị trường Ấn Độ và Algeria đã cao hơn nhiều lần tổng số lượng xuất khẩu của tất cả các loại xe tăng đời mới của Trung Quốc, trong khi đó Azerbaijan, Turkmenistan cũng đã được cung cấp các loại xe tăng Nga.

Thứ 2, T-90 không phải là sản phẩm xuất khẩu duy nhất của Nga. Đối với những khách hàng không có nhu cầu quá cao, Nga tiếp tục bán biến thể hiện đại hóa của dòng xe tăng T-72, mà tính năng còn vượt trội tăng chiến đấu chủ lực Type 96 của Trung Quốc.

Về mặt công nghệ, các phiên bản nâng cấp đời trước của T-72 chẳng kém gì VT-2 (nâng cấp sâu từ MBT-2000) của Trung Quốc), ví dụ như T-72M1 bán cho Venezuela.

Biến thể hiện đại hóa mạnh nhất của T-72 là T-72B3M còn mạnh hơn rất nhiều so với các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện trang bị cho lục quân Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc dường như đã “quên” một điều rất quan trọng là, xe tăng VT-1 (MBT-2000) phải phụ thuộc vào động cơ diesel của Ukraine. Chính nó đã từng khiến Trung Quốc mất đi hợp đồng béo bở với Peru, trong khi sản phẩm của Nga hoàn toàn nội địa hóa.

Dòng tăng VT-4 (MBT-3000) đã sử dụng động cơ quốc nội Trung Quốc nhưng hoàn toàn chưa có thành tích gì trong xuất khẩu, còn cần thời gian để kiểm chứng.

Những tính năng ưu việt thể hiện trên giấy và việc được đưa vào biên chế quân đội nước này hoàn toàn không phải là “cây đũa thần” giúp nó thành công trên thị trường xuất khẩu.

Xe tăng VT-1A/MBT-2000 của Trung Quốc
Xe tăng VT-1A/MBT-2000 của Trung Quốc

Trung Quốc còn xa mới chế tạo được xe tăng như Armata

Các bài viết về xe tăng T-14 Armata trên những website quân sự Trung Quốc cũng làm mọi người hết sức khó hiểu. Các chuyên gia nước này cho rằng Armata cần phải nghiên cứu, điều chỉnh thêm, bởi trong lễ duyệt binh ngày 9/5/2015 đã phát sinh sự cố trên Quảng trường Đỏ.

Tuy nhiên mọi người đều biết rằng sự cố dừng xe trong buổi tổng duyệt chỉ là lỗi chủ quan do nhân viên điều khiển thiếu kinh nghiệm.

Những người lái xe tăng trong cuộc duyệt binh đều chỉ là binh sĩ bình thường, hơn nữa họ cũng chưa có thời gian tiếp xúc với Armata, những căng thẳng tinh thần đã gây ra sự cố nói trên. Sau khi thay thế bằng kíp lái chuyên nghiệp, Armata đã tiếp tục cuộc duyệt binh một cách bình thường.

Nếu không do các sĩ quan chuyên nghiệp hay nhân viên thử nghiệm xe có kinh nghiệm của nhà sản xuất điều khiển, lỗi này có thể xảy ra ở bất cứ loại xe tăng thế hệ mới nào.

Các chuyên gia Trung Quốc còn nêu một vấn đề hết sức buồn cười là giá thành của T-14 đắt ngang M1A1 Abrams của Mỹ, dẫn tới khách hàng sẽ quan tâm hơn đến tính năng kỹ thuật phổ dụng và giá thành rẻ hơn nhiều của xe tăng xuất khẩu Trung Quốc.

Ông Kashin mỉa mai, các nhà chuyên môn của Trung Quốc dường như không hiểu một nguyên tắc mang tính tất yếu trong phát triển trang bị mới là xe tăng T-14 Armata hiện mới đang sản xuất một loạt rất nhỏ, nên đương nhiên là trong giai đoạn này giá thành của nó sẽ đắt.

Tuy nhiên, tổng số xe sản xuất sẽ phải lên đến hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn chiếc. Trong tương lai, khi nhà phát triển đã sản xuất được các loạt lớn, giá thành của xe tăng sẽ hạ xuống rất nhiều, song hành cùng với tính năng cực kỳ ưu việt của nó.

Các chuyên gia Trung Quốc tán dương các loại xe tăng nước này được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực hết sức tiên tiến, trong khi xe tăng thế hệ mới nhất của Nga thì “không được như vậy”. Ông Kashin đánh giá đây là quan điểm “hết sức ngô nghê”.

Xe tăng VT-2 của Trung Quốc
Xe tăng VT-2 của Trung Quốc

Đầu tiên, vị chuyên gia Nga đặt câu hỏi, có mấy người nắm được thông tin về hệ thống kiểm soát hỏa lực của Armata? Ông nhấn mạnh, so với biến thể hiện đại hóa mới nhất T-90AM, xe tăng chiến đấu chủ lực tốt nhất của Trung Quốc vẫn còn kém xa, sánh sao được với Armata.

Hơn nữa, xe tăng T-14 đã thiết lập cơ sở cho khả năng sử dụng các hệ thống ngắm chuẩn vũ khí đa kênh, khiến tất cả thành viên trên xe đều có thể điều khiển được chúng, đặt nền móng cho việc điều khiển tự động hóa hoàn toàn xe tăng trong tình huống cần thiết.

Chuyên gia Trung Quốc còn nêu lên một vấn đề được ông Kashin đánh giá là nhận định “vô cùng kỳ quặc” là xe tăng Trung Quốc đều sử dụng phiên bản cải tiến của pháo tăng loại 125 mm của Liên Xô, ưu việt hơn pháo 125 mm trang bị trên Armata!!!

Ông Kashin chỉ ra rằng, loại pháo hiện đang đang lắp trên T-14 cùng một thiết kế cơ bản với pháo trên các xe tăng của PLA, Nga lại có sự kế thừa công nghệ của Liên Xô và đã từng hoàn thiện tính năng của nó trước Trung Quốc một thời gian đủ dài để vượt trội “đứa con rơi”.

Hơn nữa, 125 mm chỉ là loại pháo được dùng trong giai đoạn đầu tiên của T-14. Tương lai, siêu tăng Armata sẽ được trang bị siêu pháo cỡ nòng lớn nhất thế giới là 152 mm. Khi đó, sự so sánh của người Trung Quốc về loại tăng tiên tiến nhất của họ là VT-4 lại càng khập khiễng.

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, tăng Armata lắp đặt động cơ diesel quốc nội có công suất khoảng 1.200 mã lực (Hp), nhưng trên thực tế siêu tăng thế hệ mới của Nga sử dụng động cơ diesel số một thế giới do Nga sản xuất, có công suất cực mạnh 1.500 hp và cực bền.

Các kỹ sư Trung Quốc cũng tuyên bố họ có khả năng nghiên cứu chế tạo và lắp đặt động cơ 1.500 hp trên xe tăng VT-4. Đương nhiên lý thuyết là thế, nhưng việc Trung Quốc có sản xuất được không thì mới đáng bàn. Nếu đủ khả năng họ đã không phải nhập động cơ của Ukraine.

Xe tăng VT4/MBT-3000 của Trung Quốc
Xe tăng VT4/MBT-3000 của Trung Quốc

Nga đi trước Trung Quốc vài chục năm về lý luận phát triển xe tăng

Vấn đề quan trọng nhất được ông Kashin chỉ ra là sự khác biệt trong tư duy phát triển xe tăng giữa Nga và Trung Quốc.

Lịch sử ngành chế tạo xe tăng Trung Quốc ra đời và phát triển trên cơ sở lý luận xe tăng kiểu Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và tiến hành nâng cấp theo tính giai đoạn hàng chục năm.

Thông thường là dựa vào sự hấp thụ thiết kế của nước ngoài để tiến hành nâng cấp và từng bước hoàn thiện các thiết kế kiểu cũ.

Thế nhưng Nga đã loại bỏ lý luận này sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ vào đầu thập niên 1990. 10 năm trước, quân đội Nga đã chấm dứt nâng cấp dòng tăng T-90, khi các phiên bản lúc đó đã đủ đáp ứng yêu cầu trước mắt, đồng thời dồn sức thiết kế phiên bản hoàn toàn mới.

Về lý luận, thiết kế và tiêu chuẩn công nghệ của siêu tăng Armata hoàn toàn khác biệt với các thế hệ xe tăng trước, thể hiện ở những đặc điểm mới như:

Tháp pháo không người lái, khoang điều khiển độc lập, pháo tăng độc nhất trên thế giới, hệ thống bảo vệ chủ động và bị động thế hệ mới, có khả năng đánh chặn cả tên lửa…

Điểm đặc biệt nhất là biến thể xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân hạng nặng… đều được lắp đặt trên khung gầm Armata. Các thiết kế xe tăng Trung Quốc theo mô hình Liên Xô những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước đều không thể làm như vậy.

Hiện nay, Nga đang tiếp tục hoàn thành nhiều công việc cực kỳ phức tạp mà chưa nước nào làm được trong vòng vài chục năm gần đây. Loạt xe chiến đấu lục quân đang nghiên cứu, phát triển như T-15 Armata, Kurganets-25, Boomerang… đã được đầu tư lớn về nhân lực và vật lực.

Tuy nhiên, những nỗ lực mà Nga đã bỏ ra sẽ cung cấp sự bảo đảm chắc chắn về ưu thế công nghệ rõ rệt đối với bất cứ đối thủ cạnh tranh nào.

Trong khi đó, những trang bị hiện có như xe tăng T-90, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 vẫn đủ sức cạnh tranh với bất cứ nhà cung cấp vũ khí nào, trong đó có Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại