Ai đã khiến Trung Quốc tan tành giấc mộng máy bay ném bom Tu-160?

Hải Vy |

Không chỉ vấp phải rào cản từ Nga, giấc mơ Tu-160 của Trung Quốc còn gặp bàn tay ngăn trở của Mỹ.

Trang mạng Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh) dẫn một bài viết đăng trên báo Nga cho biết, Trung Quốc từng có ý định mua máy bay ném bom chiến lược hạng nặng siêu thanh, cánh cụp cánh xòe để đáp ứng nhu cầu về máy bay ném bom tầm xa.

Tu-160 hiện vẫn là loại máy bay ném bom lớn nhất thế giới, với khả năng mang theo một lượng lớn bom, trong đó có các đầu đạn hạt nhân.

Bên cạnh đó, theo Sina, với tầm hoạt động lên tới 14.000km, Tu-160 sẽ cho phép Trung Quốc tấn công lục địa Mỹ ở tốc độ siêu thanh.

Song thật không may cho Trung Quốc, dây chuyền sản xuất Tu-160 đã phải dừng lại cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Chưa hết, trong suốt những năm 1990, Nga đã dứt khoát cự tuyệt đề nghị mua Tu-160 của Bắc Kinh.

Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 bay trên bầu trời   Quảng trường Đỏ hôm 9/5/2015, trong Lễ duyệt binh Ngày Chiến   thắng tại Nga.
Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 bay trên bầu trời Quảng trường Đỏ hôm 9/5/2015, trong Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Nga.

Trung Quốc sau đó đã chuyển hướng sang 19 máy bay ném bom Tu-160 mà Ukraine nhận được vào năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã. Khi đó, Kiev được cho là không đủ khả năng sử dụng và bảo trì chúng.

Bắc Kinh đã tìm cách mua số Tu-160 này, cùng với các tiêm kích Su-33 và tên lửa không đối không R-27 nhưng không thành công, do Nga gây sức ép, buộc Ukraine từ chối các đề nghị của Trung Quốc.

Tới năm 1999, Ukraine chuyển lại 8 chiếc Tu-160 cho Nga để trả các khoản nợ mua năng lượng. Sau đó, để ngăn chặn Nga và Trung Quốc có được 8 máy bay ném bom Tu-160 còn lại, Mỹ lập tức ra tay can thiệp.

Một thỏa thuận tiêu hủy các vũ khí còn lại của Liên Xô đã được Ukraine ký kết với Mỹ và châu Âu.

Trong đó, Kiev đã đã tháo dỡ 8 chiếc Tu-160 còn lại, cùng hơn 40 máy bay ném bom Tu-22M3, 230 tên lửa chống tàu tầm xa Kh-22 và 483 tên lửa hành trình tầm xa X-55 vào năm 2006.

Đổi lại, chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 15 triệu USD, trong đó 8 triệu USD được dùng để tiêu hủy các loại vũ khí này.

Gần đây, Nga đã đề cập tới kế hoạch sản xuất hàng loạt phiên bản nâng cấp của Tu-160, với công nghệ tàng hình nâng cao và nhiều cải tiến khác. Điều này làm dấy lên câu hỏi: Liệu Trung Quốc có lại tìm cách mua các máy bay ném bom này nữa hay không?

Báo chí Nga cho rằng mặc dù Trung Quốc là đối tác quan trọng của Nga nhưng Tu-160 là máy bay ném bom chiến lược tạo nên xương sống của lực lượng răn đe hạt nhân Nga. Vì vậy, không đời nào Moscow bán chúng cho Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác.

Bắc Kinh có lẽ sẽ thấy hối hận khi không mua được các máy bay ném bom "Thiên nga trắng" Tu-160 từ Ukraine vào những năm 1990.

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự Trung quốc thì cho rằng đúng là Trung Quốc từng muốn mua Tu-160 từ Nga nhưng bây giờ, Bắc Kinh chẳng có lý do gì để làm như vậy, bởi họ đang sản xuất hàng loạt máy bay ném bom H-6 theo giấy phép mẫu Tu-16 của Liên Xô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại