Trang mạng Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh) dẫn bài viết trên tạp chí quốc phòng Kanwa (trụ sở tại Canada) cho biết:
Trung Quốc đang nỗ lực phát triển một mẫu máy bay có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng (VTOL) để phục vụ các mục tiêu chiến lược và kinh tế.
Bắc Kinh được cho là đã phát triển công nghệ VTOL trong hơn 1 thập kỷ qua nhưng có vẻ nước này sẽ mất thêm 15-20 năm nữa mới có thể cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Kanwa cho biết thêm rằng trong chương trình VTOL này, Trung Quốc đã không tìm sự hỗ trợ hay hợp tác cùng phát triển công nghệ VTOL với Nga để đẩy nhanh tiến độ.
Mặc dù tiềm năng hợp tác trong tương lai giữa 2 nước vẫn còn rộng mở, như Nga có thể cung cấp cho Trung Quốc công nghệ máy bay VTOL siêu thanh Yak-141, nhưng khả năng hợp tác rất thấp.
Đó là bởi Bắc Kinh chưa từng bắt tay với nước khác để phát triển một dự án quân sự lớn như vậy, còn Nga có vẻ không sẵn lòng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.
Máy bay phản lực cất/hạ cánh thẳng đứng Yak-141 của Nga.
Theo Sina, máy bay VTOL là loại vũ khí mạnh nhất dành cho các tàu đổ bộ tấn công và Trung Quốc cũng đã tuyên bố rằng họ đang phát triển các tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn.
Máy bay VTOL vận hành từ tàu đổ bộ tấn công sẽ hỗ trợ trên không cho các lực lượng đổ bộ, lực lượng chống ngầm. Trong thời bình, nó còn có thể được huy động để thực hiện nhiệm vụ cứu trợ thảm họa.
Theo Sina, trước tình hình phức tạp tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như vấn đề Đài Loan, máy bay VTOL sẽ mang lại một bước tiến chiến lược lớn cho Hải quân Trung Quốc.
Đặc biệt, Sina nhận định, các máy bay VTOL rất thích hợp để hoạt động tại các khu vực ven biển của Trung Quốc hoặc các đảo và đá ngầm ở Biển Đông.
Đó là do chúng vẫn có thể cất và hạ cánh ngay cả khi đường băng bị hư hại, giúp tiết kiệm thời gian quý báu trong các tình huống tác chiến.
Quan trọng hơn, máy bay VTOL sẽ giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho Trung Quốc bởi chúng thúc đẩy sự phát triển các tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn. Trong khi đó, loại tàu này có chi phí rẻ hơn nhiều so với chi phí đóng các tàu sân bay.
Chẳng hạn, 1 chiếc tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ có chi phí đóng lên đến 4,5 tỷ USD, còn 1 tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp chỉ tốn khoảng 700 triệu USD.
Máy bay VTOL không phải là không có điểm yếu. Chúng bị hạn chế bởi mức tiêu thụ nhiên liệu cao và có thể ngốn đến 1/3 lượng nhiên liệu chỉ để cất cánh, khiến chúng không thích hợp với các nhiệm vụ tầm xa.
Chúng cũng không thể mang một lượng lớn vũ khí nên khả năng tác chiến khá yếu. Loại máy bay này còn khó điều khiển và đòi hỏi nhiều thời gian để bảo dưỡng, sửa chữa hơn.
Ngược lại, máy bay VTOL vẫn có điểm thu hút riêng, do nó không cần đường băng và có thể cất cánh từ không gian hẹp, các sân bay bị hư hại, đường cao tốc.
Chúng dễ dàng được che giấu khi ở trên mặt đất và khả năng cất cánh nhanh của chúng giúp giảm thời gian chuẩn bị đường băng và thời gian đáp ứng hoạt động.
Với những khả năng độc đáo của máy bay phản lực chiến đấu và trực thăng, máy bay VTOL cũng có thể thực hiện các thao tác cơ động phức tạp và dừng đột ngột trên không để tránh tên lửa.
Theo Sina, phát triển thành công máy bay VTOL rất quan trọng, nó sẽ cho thấy Trung Quốc đạt được bước đột phá lớn trong lĩnh vực quạt động cơ, công nghệ vectơ đẩy, thiết kế khí động học và các vật liệu mới mà có thể áp dụng cho nhiều mẫu máy bay khác.