Chiến đấu cơ F-35 Mỹ và Su-35 Nga: Kẻ tám lạng, người nửa cân (I)

Tuấn Phong |

(Soha.vn) - Các chuyên gia quân sự nhận định rằng để sánh tầm được với F-22 và PAK FA T-50, F-35 còn cần một quãng thời gian dài để tiếp tục nghiên cứu và phát triển. Đối thủ chính của nó hiện nay là Su-35 với độ linh hoạt và cơ động cao.

F-35 và Su-35: Cuộc chiến nảy lửa trên không

F-35 và Su-35: Chiến đấu cơ nào đáng gờm hơn?

Cho đến nay, những chiếc tiêm kích F-35 vẫn gặp rất nhiều sai sót trong hệ thống điện tử và sẽ còn phải thay đổi, sửa chữa nhiều nếu không muốn gặp các tai nạn đáng tiếc trên không. Trong khi đó, đối thủ chính của nó là Su-35 đang lên như diều gặp gió và trở thành thế lực mới trong làng máy bay tiêm kích với vị trí máy bay tiêm kích thế hệ 4++.

Thừa hưởng từ F-22 hệ thống điện tử, khả năng tác chiến cho đến tính năng sáng giá nhất là công nghệ tàng hình nhưng F-35 lại chưa đạt được kỳ vọng của các kỹ sư thiết kế ra nó sau hàng loạt các sự cố và tai nạn trên đường băng cất cánh.

Su-35: Đối thủ nặng ký của F-35
Su-35: Đối thủ nặng ký của F-35 

Tuy nhiên, F-35 cũng  đã khắc phục được một số nhược điểm trên F-22 ở hệ thống sơn phủ tàng hình. Ngoài ra, F-35 có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và có cả một biến thể có thể cất hạ cánh thẳng đứng với hệ thống động cơ có thể xoay 120 độ. Lớp sơn tàng hình trên F-35 đã được gia cố khá chắc chắn và không bị xước hay tróc nhiều như F-22 trước đây, rõ ràng đây là một trong những thay đổi đáng kể giúp nó có thể hoạt động bền bỉ hơn trong mọi thời tiết mà vẫn đảm bảo được các thông số bay và khả năng tàng hình trước hệ thống radar của địch.

Khả năng cất hạ cánh thẳng đứng là một trong số những ưu điểm lớn nhất của dòng máy bay này so với đối thủ chính Su-35 bởi chưa có một chiếc Su-35 nào có thể cất cánh từ hàng không mẫu hạm hay đường băng ngắn cả. Tất cả những chiếc Su-35BM mới nhất đều phải cất cánh từ sân bay đất liền và tầm hoạt động giảm đi khá nhiều so với những chiếc F-35B linh hoạt của Hải quân Mỹ. Nhờ vậy, tầm tác chiến của F-35 được nâng lên rất nhiều. Nếu xét về tầm tác chiến và khả năng cơ động trên mọi khu vực hoạt động thì F-35 vượt trội hơn Su-35.

F-35 cất cánh từ một căn cứ không quân tại Florida, Mỹ
F-35 cất cánh từ một căn cứ không quân tại Florida, Mỹ

F-35 cũng sử dụng hệ thống radar đa nhiệm tương tự F-22 nhưng là phiên bản mới hơn APG-81, phiên bản nâng cấp từ APG-77. Mặc dù tầm hoạt động của APG-81 kém hơn APG-77 nhưng nó được trang bị những công nghệ hoạt động tầm xa và khả năng phát hiện mục tiêu trên không nhạy hơn rất nhiều so với APG-77. Tuy nhiên, điều khiến F-35 gây thất vọng chính là khả năng yếu kém của APG-81 trong việc định vị và xác định các mục tiêu mặt đất.

Có lẽ, trong quá trình phát triển, các kỹ sư đã chú trọng quá nhiều vào công tác nâng cấp cải tiến radar để đối phó với những chiếc Flanker đến từ Nga mà quên mất mục đích của dự án JSF là phát triển mẫu máy bay tấn công kết hợp, nghĩa là vừa phải tham gia không chiến vừa có khả năng oanh tạc các mục tiêu mặt đất. Vì vậy, giới chuyên môn có một nhận định như sau: “Xét về mọi mặt, F-35 đã vượt qua các tiêu chí đánh giá một cách xuất sắc. Nhưng nếu nói về oanh tạc và tấn công mục tiêu mặt đất, F-35 có phần thua kém đối thủ Su-35 đến từ Nga”.

Ngoài ra, F-35 còn được trang bị các hệ thống cảm biến phụ trợ khác, chúng đều sử dụng chung băng tần với hệ thống radar APG-81. Tương tự như F-22, tất cả các tín hiệu và dữ liệu thu thập được từ radar và cám biến sẽ được truyền về hệ thống xử lý tập trung với quy mô trung tâm hóa trên F-35.

Để tránh đi vào sai lầm của F-22 khi các kỹ sư đã quá chú trọng vào công tác tập trung hóa mà quên đi khả năng hệ thống quá tải khi phải xử lý quá nhiều dữ liệu cùng một lúc gây ra những chậm trễ trong quá trình tính toán và xử lý. Những chiếc F-35 vẫn tập trung hóa xử lý dữ liệu nhưng chia thành các module riêng lẻ tương tự như công nghệ trên T-50.

Ngoài ra, nó còn được trang bị một hệ thống thông minh nhận dạng qua các xử lý trên hệ thống ngắm và điều khiển tích hợp trên mũ của phi công lái. Hệ thống này theo dõi sát sao những hành động của phi công và các kết quả xứ lý, sau đó đưa ra các kế hoạch tác chiến tầm gần hoặc không chiến tầm xa cho phi công lựa chọn. Nhìn chung, F-35 vượt trội hơn Su-35 về điểm này, khi Su-35 không có hệ thống thông minh mà hầu như vẫn phải xử lý các thông tin và đưa lên bảng điểu khiển.

Buồng lái của F-35
Buồng lái của F-35

Được trang bị công nghệ tập trung hóa thế nên có rất ít các nút điều khiển trên F-35, nhìn chung, buồng lái của F-35 giống hoàn toàn với F-22. Các thông số được xử lý và đưa ra các phương cách cho phi công lựa chọn. Bên cạnh đó còn một màn hình lớn khác nhằm xử lý các số liệu bay của F-35 rồi truyền dẫn thẳng đến mũ phi công trong trường hợp nó đang bị quá tải hay gặp sự cố với các hệ thống trên máy bay.

F-35 còn được trang bị công nghệ tác chiến khuất tầm nhìn BVR nhằm hạn chế tối đa việc bị tấn công từ phía sau hoặc bị tấn công từ 2 bên sườn máy bay. Hệ thống này được trang bị các công nghệ tích hợp theo dõi các chuyển động nhiệt từ cự ly 160nm.

Ngay khi phát hiện ra các mối nguy hiểm gồm tên lửa phòng không SAM, tên lửa không đối không AAM từ máy bay địch, bộ xử lý trung tâm sẽ xử lý nhanh chóng sau đó truyền dẫn đến một màn hình phụ và phát đi những tín hiệu báo động cho phi công.

Điểm đặc biệt là hệ thống này còn tính toán, phân tích và đưa ra các kết quả xem loại tên lửa này thuộc loại nào trong số những dữ liệu nó được nạp sẵn, nếu không, nó sẽ theo sát đường bay của tên lửa và phân tích các thông số kỹ thuật, đồng thời đưa ra các phỏng đoán để phi công nắm được và có thể xử lý bằng cách phóng mồi bẫy hoặc xử lý các động tác bay cắt đuôi gồm Slider hay Knot Zero nhằm đánh lừa tên lửa dẫn đường.

Không chỉ mang chức năng phòng vệ, BVR còn được liên kết với hệ thống kiểm soát hỏa lực gồm các tên lửa thuộc dòng AMRAAM AIM-120D dẫn đường thông qua cơ chế radar chủ động để bám sát các mục tiêu tiếp cận nó từ phía sau. Cự ly hoạt động là 80nm và cự ly để nó khóa tên lửa tấn công đối thủ là dưới 50nm. AIM-120D sẽ được dẫn đường bởi các radar phía sau của F-35 thông qua hệ thống BVR nhằm truy tìm chính xác và tấn công phá hủy mục tiêu. Nó còn được trang bị nhiều loại tên lửa tấn công khác như AIM-9X Sidewinder, IRIS-T hay MBDA Meteor với các cơ cấu dẫn đường khác nhau. Hệ thống BVR của F-35 được cho là có khả năng phóng đi các tên lửa ở bất kỳ cao độ nào mà có thể tấn công chính xác trong khi nó đang bay với vận tốc siêu âm trên không.

Động cơ AB-1 và cũng chính khuyết điểm lớn nhất của F-35

Động cơ AB-1 và cũng chính là khuyết điểm lớn nhất của F-35

Hiện nay, điểm gây thất vọng nhất của F-35 và cũng là điểm yếu duy nhất tồn tại trong một khoảng thời gian rất lâu đó chính là động cơ của nó. Cả ba biến thể được trang bị cho quân đội Mỹ đều gặp những sự cố nghiêm trọng trong hệ thống động cơ, nó liên tục xảy ra các lỗi kỹ thuật khiến cho F-35 không thể đạt được kỳ vọng như ban đầu. Là một trong số các máy bay thuộc dự án tiêm kích chiến lược hiện đại nhưng với những lỗi như vậy đã khiến chi phí cho dự án tốn kém quá nhiều. Ngoài ra, chi phí cho mỗi chiếc không hề rẻ chút nào lên đến 153 triệu USD cho phiên bản thông thường, còn nếu muốn sở hữu 1 chiếc F-35B/C thì số tiền phải chi là 196 và 199 triệu USD.

(Còn tiếp)

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại