Ngày 11/07, trong một cuộc họp báo, đại diện của Công ty chế tạo máy bay Sukhoi cho biết, tại triển lãm hàng không Paris 2013 vừa qua, Su-35 đã thể hiện tính năng siêu việt, nhận được sự tán thưởng từ rất nhiều chuyên gia quân sự trên thế giới. Thế nhưng, loại máy bay được họ phát triển trên cơ sở của Su-35 là Su-37 còn có tính năng vượt trội hơn nhiều so với nguyên mẫu của nó.
Đại diện của Công ty Sukhoi cho biết, hiện nay chính Su-37 mới là loại tiêm kích có tính năng cơ động hàng đầu thế giới, đủ khả năng chiến đấu sòng phẳng với F-22 của Mỹ. Điểm khác biệt lớn nhất của Su-35 và Su-37 là thế hệ sau được trang bị một loại động cơ phản lực vector hoàn toàn mới có lực đẩy lớn. Đồng thời, các thiết bị điện tử của nó cũng thuộc loại tiên tiến nhất mà Nga mới phát triển.
Nguyên mẫu bay đầu tiên của Su-37 được lắp ráp hoàn chỉnh năm 1993, đến ngày 02/04/1996 nó đã có chuyến bay thử đầu tiên thành công. Về ngoại hình, Su-37 hoàn toàn tương đồng với các máy bay thuộc họ Su-27, nhưng khung máy bay được chế tạo bằng một loại vật liệu composite và hợp kim nhôm-lithium tiên tiến nhất do Nga mới phát triển thành công.
Su-37 cũng có 12 điểm treo vũ khí, tổng trọng lượng vũ khí mang theo hơn 8 tấn cùng với 2 thùng dầu phụ và được thiết kế hệ thống tiếp dầu trên không để tăng cực đại bán kính tác chiến. Su-37 được lắp đặt 2 động cơ loại mới nhất của dòng AL-31F là AL-31FP(FU) có tổng lực đẩy 29.000 kg (14.500kg/1chiếc), ngang với lực đẩy của 117S (AL-41F-1S) trên Su-35.
Loại động cơ có lực đẩy cực lớn và kỹ thuật điều khiển luồng khí phụt linh hoạt giúp cho Su-37 có khả năng bay với vận tốc 2500km/h. Thế nhưng, lực đẩy vẫn chưa phải là ưu điểm lớn nhất của nó mà điểm đặc biệt nhất là tính linh hoạt tuyệt vời của động cơ.
Su-37 có thể thực hiện được những động tác kỹ thuật có độ khó rất cao, thể hiện một tính năng kỹ thuật bay siêu đẳng, với các động tác như: Lật nghiêng và bay cuộn tròn theo phương ngang, bay hành tiến theo hình xoắn trôn ốc, bay theo kiểu “Rắn hổ mang Pugachev”…
Máy bay có thể nâng không theo phương thẳng đứng với vận tốc cực đại, sau đó tắt máy. Gia tốc của động cơ và lực nâng của các cánh khiến nó như dừng lại giữa không trung khoảng 2 – 4s, sau đó lộn ngược ra phía sau và xoáy tròn lao xuống theo phương thẳng đứng rồi đột ngột chuyển hướng. Nói đơn giản là Su-37 có khả năng chuyển hướng gần như tại chỗ.
Với 12 điểm treo vũ khí, Su-37 có thể mang theo các loại tên lửa R-27, R-60, R-73, R-77, X-29 và X-31 (Kh-29 và Kh-31) và các loại bom điều khiển loại 500kg. Cho đến thời điểm hiện tại, công ty Sukhoi mới chế tạo được 2 nguyên mẫu của Su-37, nhưng 1 chiếc đã bị rơi trong một chuyến bay thử nghiệm vào ngày 19/12 năm 2002, hiện họ chỉ có mỗi nguyên mẫu bay duy nhất mang số hiệu 711.
Tuy nhiên, tại thời điểm chiếc Su-37 đó bị rơi, nó vẫn chưa được trang bị động cơ phản lực vector AL-31FP(FU), mà chỉ được trang bị 2 động cơ thế hệ AL-31F thông thường. Vì vậy, có thể nói, nó vẫn chưa phải là Su-37 ngày nay, mà tính năng chỉ tiệm cận với chiếc Su-35.
Tuy các tính năng của Su-37 chưa lộ diện hết nhưng các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, Su-37 và loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là Sukhoi T-50 PAK FA có tính năng tương đương nhau, đều có khả năng đấu tay đôi với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hiện đang sử dụng của Mỹ là F-22 Raptor.