Thuật ngữ cuộc chơi có “tổng bằng không” nghĩa là các bên chơi không có cùng thắng hoặc cùng thua, hay thắng ít thua nhiều mà hoặc là thua hoặc là thắng. Chẳng hạn, nếu như coi tranh chấp chủ quyền trên bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines như một cuộc chơi thì đây là một cuộc chơi có “tổng bằng không”. Tức là Trung Quốc có được bãi cạn đó thì ngược lại Philippines bị mất nó.
Sự cạnh tranh khốc liệt về địa chính trị và tranh chấp chủ quyền căng thẳng giữa các bên liên quan bởi nguyên nhân chính là do một bên nào đó tin rằng sức mạnh quân sự sẽ hướng cuộc chơi đi đến kết quả có “tổng bằng không”.
Đáng tiếc, thực thế tại châu Á-TBD lại không như vậy, hay ít ra trong năm 2013 này cho thấy, nếu tin dùng sức mạnh quân sự, thì khả năng xảy ra kết quả chắc chắn nhất là một chiến thắng theo kiểu PYRRHIC, thành ngữ để chỉ một chiến thắng với những tổn thất có tính hủy diệt ở phe chiến thắng, giá quá đắt chịu không nổi.
Tham vọng và mưu sâu của Trung Quốc
Sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và quân sự đã khiến cho Trung Quốc có điều kiện để thực hiện tham vọng ấp ủ từ lâu của mình.
Trên Biển Đông, Trung Quốc muốn chiếm trọn toàn bộ như tấm bản đồ “đường 9 đoạn” mà họ kèm theo công hàm gửi LHQ đơn phương khẳng định chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với toàn bộ các hòn đảo lớn nhỏ trên Biển Đông và “các khu vực biển liền kề, các vùng biển liên quan”, biến EZZ thành “Vùng đặc quyền quân sự”, từ đó, đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông, khống chế các tuyến đường hàng hải quan trọng qua eo biển Malacca và có được một vùng tài nguyên biển rộng lớn nhất trong lịch sử.
(Trong khi đó các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia, vùng biển của họ chỉ còn 12 hải lý tính từ bờ, ra khỏi đó là phải xin phép Trung Quốc).
Biện pháp để thực hiện tham vọng này của Trung Quốc có 2 điểm chính cơ bản. Một là "cậy mạnh" , tức là sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và cả sức mạnh kinh tế để áp đặt chính trị lên các nước nhỏ láng giềng. Hai là ngăn cản việc quốc tế hóa Biển Đông, tức là giải quyết tranh chấp của 5 nước với Trung Quốc chỉ bằng song phương mà ngoài ra không có cường quốc nào can thiệp.
Như vậy, "cậy mạnh" và ngăn cản quốc tế hóa Biển Đông là 2 mệnh đề điều kiện của nhau. Muốn cậy mạnh có hiệu quả thì Biển Đông không được quốc tế hóa và chỉ khi Biển Đông không bị quốc tế hóa thì "cậy mạnh" mới phát huy được tác dụng, hiệu quả.
Tại sao Trung Quốc phải dùng biện pháp "cậy mạnh" mà không dùng biện pháp khác? Đơn giản là Trung Quốc muốn chia lại không những khu vực châu Á-TBD mà còn cả thế giới thì ngoài dùng sức mạnh quân sự ra Trung Quốc còn có gì mang tính thuyết phục hơn?
Làm gì để Trung Quốc phải “suy nghĩ 2 lần” trước khi muốn dùng biện pháp "cậy mạnh" và Biển Đông được quốc tế hóa mà thành công thì có nghĩa là chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn bị phá sản.
Nếu như cho rằng biện pháp "cậy mạnh" của Trung Quốc áp dụng với láng giềng trên Biển Đông là có cơ sở, là biện pháp khả thi thì biện pháp ngăn cản quốc tế hóa Biển Đông của Trung Quốc lại rất chủ quan.
Trung Quốc thừa biết Mỹ, đặc biệt Nhật Bản, nền kinh tế sống hay chết phụ thuộc hoàn toàn vào tuyến đường hàng hải trên Biển Đông không dễ dàng cho Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”. Đồng thời, 5 nước gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia cũng không dễ gì chấp nhận hễ “bước chân xuống biển” là phải xin phép Trung Quốc.
Rõ ràng là không mời thì Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ cũng nhảy vào vì lợi ích quốc gia, an ninh của họ và thực tế thì chẳng hạn như chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á-TBD đã chứng minh điều đó và không hối thì 5 nước chủ nhà này cũng tăng cường sức mạnh để bảo vệ chủ quyền.
Tuy nhiên, vì thế mà cho rằng các nhà chiến lược Trung Quốc dại dột, liều lĩnh, biết mà vẫn làm và trong khi Biển Đông giải quyết chưa xong thì khơi mào tranh chấp tiếp trên biển Hoa Đông, mở một lúc 2 mặt trận để hao tổn lực lượng…là “phạm thượng” đấy…
Ghìm chân Nhật Bản trên biển Hoa Đông
Trên biển Hoa Đông, do bị bao vây trong chuỗi đảo thứ nhất bởi các liên minh quân sự của Mỹ-Nhật Bản, Mỹ-Hàn và Mỹ-Philipines, là điều không thể chấp nhận của một cường quốc, cho nên, Trung Quốc buộc phải chặt đứt chuỗi đảo này để phá vây. Đồng thời, quan trọng hơn là ghìm chân Nhật Bản và Mỹ tại đây để rảnh tay ở Biển Đông trong nước cờ tiếp theo khi Trung Quốc đã xác định sức mạnh quân sự của cả khối ASEAN cũng chưa là gì so với Trung Quốc.
Và, quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư là điểm được chọn. Đây là nơi mà Trung Quốc có lợi thế nhất khi tác chiến so với Nhật Bản nếu xung đột quân sự xảy ra và do đó, cũng là nơi mà Trung Quốc dễ dàng gây áp lực nhất.
Điều không tính đến của Trung Quốc là khi kích hoạt tranh chấp trên Hoa Đông với Nhật Bản, Trung Quốc đã “tạo ra một con quái vật mà không thể nào đánh thắng được nó”. Con “quái vật” đó chính là Nhật Bản và đó cũng chính là mâu thuẫn không thể giải quyết trong chiến lược của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Nếu Trung Quốc không muốn Nhật Bản trở thành một quốc gia bình thường, muốn bị trói bởi điều 9 Hiến pháp hòa bình thì phải để Nhật Bản yên tâm trong cái ô an ninh của Mỹ. Còn nếu Trung Quốc cố sức để chia rẽ liên minh quân sự Mỹ-Nhật Bản để chơi rắn thì Nhật Bản sẽ tái vũ trang, xóa bỏ điều 9 trong cái gọi là Hiến pháp hòa bình. Vậy, Trung Quốc sẽ chọn đối đầu với một Nhật Bản độc lập, tự chủ, không bị ràng buộc bởi một điều gì hay chọn tồn tại một liên minh quân sự Mỹ-Nhật Bản bền vững?
Lịch sử cho thấy, Trung Quốc và Mỹ đã từng ở thế đối kháng với nhau “trên lợi ích của quốc gia khác” nên sẽ là dại dột nếu chấp nhận đối đầu với Nhật Bản. Tuy nhiên, tình thế Nhật Bản hiện giờ cho thấy sự lựa chọn của Trung Quốc đã không còn có ý nghĩa.
Rõ ràng là Nhật Bản đã, đang tái vũ trang để đối đầu với cái gọi là “sự bành trướng” lãnh thổ của Trung Quốc. Hành động của Nhật Bản trong những tháng ngày cuối năm 2013 đã nói lên một điều rằng, Nhật Bản chẳng còn gì để mất với Trung Quốc, Trung Quốc muốn chơi kiểu gì họ đều chấp nhận.
Đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh Senkaku/Điếu Ngư được đẩy lên sát miệng hố của chiến tranh…và chắc chắn cũng chỉ đến vậy vì có “say khướt rượu Mao Đài” thì Trung Quốc và Nhật Bản cũng chẳng dám và chẳng dại dột mang quân ra “oánh” nhau. Do đó, Nhật Bản vẫn có thừa sức mạnh và quyết tâm để bảo vệ tuyến đường hàng hải sống còn của mình trên Biển Đông.
Khi không ghìm chân được Nhật Bản tại Hoa Đông thì Trung Quốc sẽ tập trung các nguồn lực chủ yếu cho Biển Đông. Liệu có cần phải đặt câu hỏi không khi “chiến tranh Trung-Nhật” có vẻ như sắp đến nơi mà lực lượng hải quân tinh nhuệ, hiện đại nhất của Trung Quốc vẫn đều tập trung dành cho hạm đội Nam Hải?
Không cần! Ai theo dõi tình hình cũng đã nhận biết hết cả rồi.