"Bộ mặt" Không quân TQ thay đổi như thế nào trong năm 2013?

Ly Vy |

(Soha.vn) - Trong năm 2013, lĩnh vực hàng không quân sự Trung Quốc đã có nhiều động thái đáng chú ý, tiêu biểu là việc thử nghiệm nhiều loại máy bay mới.

 	Đầu tiên là việc bay thử máy bay vận tải hạng nặng Y-20 vào cuối tháng 1/2013. Đây là loại máy bay được truyền thông Trung Quốc tung hô sẽ "tăng cường khả năng trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc".

Đầu tiên là việc bay thử máy bay vận tải hạng nặng Y-20 vào cuối tháng 1/2013. Đây là loại máy bay được truyền thông Trung Quốc tung hô sẽ "tăng cường khả năng trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc".

Nguyên mẫu thử thứ 2 của Y-20 đã bay thử thành công vào ngày 20/12 vừa qua. Dự kiến, tới năm 2016, không quân Trung Quốc sẽ tiếp nhận 20 máy bay Y-20.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, nước này cần ít nhất 100 chiếc Y-20 để nâng cao khả năng mở rộng sức mạnh trên toàn cầu.
 

Cũng trong năm nay, Trung Quốc còn công bố một loạt các biến thể của máy bay vận tải Y-8 từ: tuần thám biển, trinh sát đến cảnh báo sớm, săn ngầm.

Trong đó đáng chú ý là chuyến bay thử đầu tiên của mẫu máy bay săn ngầm Y-8FQ Cub hay còn được gọi là GX-6 High New 6, được "quảng cáo" là có sức mạnh tương đương với loại máy bay săn ngầm P-3C nổi tiếng của Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc đang tự hạ thấp mình khi so sánh loại máy bay sản xuất ở thế kỷ 21 với loại máy bay Mỹ phát triển cuối thập niên 60 của thế kỷ 20.
Bên cạnh đó, mẫu máy bay chiến tranh tâm lý Cao Tân 7 (Gaoxin-7) được thiết kế từ máy bay Y-8 đã lộ diện hình ảnh đầu tiên vào tháng 7/2013. Đây là loại máy bay được thiết kế chuyên làm nhiệm vụ tâm lý chiến. Gaoxin-7 được trang bị các thiết bị điện tử giúp xâm nhập vào sóng phát thanh, truyền hình của đối phương để thực hiện chiến tranh tâm lý, ngoài ra máy bay cũng có thể sử dụng để rải truyền đơn.
Mặc dù chi tiết về loại máy bay này được tiết lộ rất ít, nhưng báo chí Trung Quốc đã so sánh Gaoxin-7 với chiếc EC-130J “Commando Solo” của không quân Mỹ. Theo giới phân tích, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng Gaoxin-7 nếu xảy ra xung đột giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan hoặc với các nước tranh chấp trên Biển Đông.
Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tăng cường trang bị máy bay thế hệ mới, trong bối cảnh căng thẳng với các nước trong khu vực Biển Đông, Hoa Đông ngày càng gia tăng. Chỉ riêng trong năm 2013, tỷ lệ máy bay thế hệ mới trong Không quân Trung Quốc đã lên đến 50%, trong khi năm 2007, con số này chỉ là 25%.
2013 cũng là năm Trung Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay tiêm kích J-10B. Theo truyền thông Trung Quốc, J-10B có khả năng chống lại các tiêm kích tiên tiến khác được triển khai ở châu Á như F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ, F-15J của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản và F-15K của Không quân Hàn Quốc.
J-10B được trang bị các thiết bị điện tử, radar mạng pha thế hệ mới do Trung Quốc sản xuất nhưng vẫn phải sử dụng động cơ AL-31FN nhập khẩu từ Nga. Mặc dù khả năng tác chiến của nó chưa bao giờ được kiểm chứng nhưng phi công Trung Quốc đã vỗ ngực tự tin rằng có J-10B, Không quân, Hải quân Trung Quốc không có gì phải sợ các tiêm kích tiên tiến của Mỹ và châu Âu trong khu vực.
Sự xuất hiện của máy bay ném bom H-6K cũng là tâm điểm của sự chú ý trong năm nay. H-6K trang bị tên lửa hành trình Trường Kiếm 10 (CJ-10) với tầm bắn 1.500-2.000km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
H-6K được cho là có thể tấn công các mục tiêu xa xôi như đảo Guam, Hawaii của Mỹ và có khả năng tấn công nhiều mục tiêu khác nhau mà không cần rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Nếu điều này là đúng, H-6K sẽ là mối đe dọa lớn với các nước trong khu vực.
Nhìn chung, ngành công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều điểm yếu. Sự yếu kém về công nghệ chế tạo động cơ phản lực luôn là điểm yếu cố hữu của nước này khi mà các chuyên gia đánh giá công nghệ động cơ phản lực của Trung Quốc đi sau Nga và phương Tây đến 20 năm. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc Trung Quốc vẫn phải nhập động cơ AL-31FN của Nga trang bị cho tiêm kích J-10B, thay vì động cơ nội địa WS-10A.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc quá mải mê đầu tư phát triển các loại máy bay chiến đấu đã hạn chế nguồn lực cho việc phát triển, nâng cấp đội máy bay vận tải, tiếp dầu của nước này. Không quân vận tải Trung Quốc hiện nay vẫn được đánh giá là còn yếu kém khi so sánh với Mỹ, Nga, số lượng các máy bay vận tải chiến thuật của Trung Quốc chỉ bằng 1/13 Mỹ và số lượng các máy bay vận tải hạng nặng chiến lược của Trung Quốc chỉ bằng 1/14 Mỹ.
Với máy bay tiếp dầu thì tình trạng còn "thảm" hơn khi Trung Quốc hiện nay chỉ có 10 máy bay tiếp dầu được phát triển từ máy bay ném bom H-6, vốn không đủ sức tiếp dầu xa. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn đang đau đầu cho việc tìm kiếm các máy bay tiếp dầu mới khi mà Nga vẫn chưa chịu bán máy bay tiếp dầu Il-78 cho Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại