Không quân Trung Quốc tổ chức lực lượng như thế nào?

Hoàng Ngân |

(Soha.vn) - Tờ Bình luận quân sự độc lập Nga cho biết trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có một số điều chỉnh trong hệ thống chỉ huy và cơ cấu tổ chức lực lượng không quân.

Tờ Bình luận quân sự độc lập Nga nhận định, trong thời gian gần đây, bên cạnh việc tăng cường phát triển lực lượng hải quân nhằm thực thi yêu sách chủ quyền và kiểm soát các vùng biển, Trung Quốc còn đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa lực lượng không quân nhằm giành ưu thế kiểm soát không phận trên đất liền cũng như trên biển. Mới đây, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông là một minh chứng điển hình cho ý định chiến lược này.

Nguồn tin cho biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có một số điều chỉnh trong hệ thống chỉ huy và cơ cấu tổ chức lực lượng không quân. Theo đó, Không quân Trung Quốc vẫn do Tư lệnh quân chủng trực tiếp lãnh đạo. Quân số của lực lượng không quân hiện nay lên tới 330.000 quân. Quân chủng không quân được phân thành các lực lượng như: không quân tiêm kích, tiêm kích ném bom, vận tải quân sự và trinh sát, thám báo.

 	Tiêm kích J-11 Trung Quốc

Tiêm kích J-11 Trung Quốc

Ngoài ra, lực lượng Không quân Trung Quốc còn có lực lượng phòng không mặt đất, bao gồm lực lượng tên lửa đất đối không, pháo binh, nhảy dù và đổ bộ đường không. Các quân đoàn cấp chiến dịch không quân Trung Quốc là lực lượng không quân thuộc quân khu hay tập đoàn quân, bên dưới có các binh đoàn, sư đoàn và trung đoàn không quân chiến thuật.

Mỗi sư đoàn không quân thuộc các quân khu được biên chế khác nhau, cụ thể số lượng phụ thuộc vào quân khu lớn nhỏ, ví dụ Quân khu Quảng Châu và Quân khu Thẩm Dương mỗi quân khu có 7 sư đoàn không quân. Hiện nay, biên chế Không quân Trung Quốc có 33 sư đoàn không quân, bao gồm 3 sư đoàn không quân ném bom, 4 sư đoàn không quân tiêm kích ném bom, 24 sư đoàn tiêm kích và 2 sư đoàn vận tải. Lực lượng nhảy dù, đổ bộ đường không được bố trí trong 7 đơn vị không quân trực thuộc 7 đại quân khu.

Trong điều kiện ngày nay, mục tiêu huấn luyện chiến đấu và giảng dạy của Quân đội Trung Quốc đều có sự thay đổi so với “Đại cương huấn luyện và sát hạch quân sự” được phê chuẩn thực hiện vào năm 2009. Những hướng dẫn mới nhấn mạnh, điểm xuất phát chủ yếu trong huấn luyện chiến đấu cho các lực lượng là hiệp đồng tác chiến của các quân binh chủng. Phối hợp huấn luyện, diễn tập chung, mục đích nhằm trang bị cho người chỉ huy có tư duy chiến lược linh hoạt và khả năng chỉ huy tác chiến nhạy bén, hiệp đồng tác chiến có hiệu quả cao.

Máy bay huấn luyện L-15
Máy bay huấn luyện L-15

Từ năm 2005 đến nay, số lượng bay phục vụ huấn luyện sơ cấp và cao cấp đã tăng gấp 1,5 lần. Trong quá trình huấn luyện bay, các đơn vị huấn luyện tích cực sử dụng máy bay L-15. Học viên chuyên ngành không quân tiêm kích, tiêm kích ném bom, ném bom mỗi năm yêu cầu phải thực hành ít nhất 150 giờ bay, còn học viên thuộc lực lượng không quân vận tải phải đạt hơn 200 tiếng.

Hiện nay, theo ước tính, mạng sân bay Không quân Trung Quốc có khoảng 400 sân bay, trong đó 350 sân bay được bố trí thường xuyên và phân tán cho việc khi triển khai các nhiệm vụ cấp chiến dịch. Mỗi sân bay thường bố trí một binh đoàn không quân. Các căn cứ không quân chính thường được bố trí 2 đến 3 sân bay và các cơ sở hạ tầng liên quan như hệ thống bảo đảm hậu cần, kỹ thuật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại