Cán cân quân sự năm 2016

Bình Nguyên |

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố báo cáo Cán cân quân sự năm 2016, theo đó ngân sách quốc phòng Mỹ cao áp đảo so với các nước trên thế giới.

Trong khi đó, chi tiêu cho quốc phòng tại châu Á cũng gia tăng mạnh trong năm qua...

Mỹ vẫn dẫn đầu chi tiêu ngân sách quốc phòng

Báo cáo của IISS mang tên “Cán cân quân sự 2016” được IISS công bố ngày 9-2 vừa qua ghi nhận sự nổi lên của các cường quốc châu Á và xu hướng này vẫn còn rõ ràng trong năm 2016.

Bản báo cáo cho biết, tại châu Á, Trung Quốc đứng đầu với 145,8 tỷ USD chi tiêu ngân sách cho quốc phòng năm 2015, tăng 11%. Tiếp theo là Phi-líp-pin, tăng 10% ngân sách để hiện đại và bảo dưỡng các khí tài.

Trong khi đó, Ấn Độ chi 48 tỷ USD cho quốc phòng, Nhật Bản chi 41 tỷ USD và Ô-xtrây-li-a chi 23 tỷ USD.

Theo ghi nhận của IISS, trong năm 2015, tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng của châu Á đã vượt qua mức của toàn thể các nước châu Âu trong NATO vào năm 2012.


Chi tiêu quốc phòng của một số nước trên thế giới. Đồ họa: IISS.

Chi tiêu quốc phòng của một số nước trên thế giới. Đồ họa: IISS.

 

Trong khi đó, tại châu Âu, sau nhiều năm cắt giảm ngân sách, nguồn chi cho quốc phòng, lần đầu tiên kể từ năm 2008, đã giữ được ổn định trong năm 2015 nhưng nguồn thu này lại không chắc chắn.

Theo IISS, năm 2015, chỉ có 4 trong tổng số 26 nước thành viên NATO dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng. 22 nước còn lại chỉ dành được 1,1% GDP cho quốc phòng.

Đặc biệt, cùng với Pháp và Anh, những thành viên mới của NATO như Ba Lan và các nước vùng Ban-tích đã nỗ lực rất nhiều trong việc đóng góp ngân sách cho liên minh quân sự này.

Theo báo cáo của IISS, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về chi tiêu ngân sách cho quốc phòng khi rót 598 tỷ USD vào lĩnh vực quốc phòng trong năm 2015. Con số này gần bằng ngân sách quốc phòng của 14 quốc gia trong nhóm cao thứ hai cộng lại.

Báo cáo của IISS năm nay đặc biệt còn chỉ ra cán cân quyền lực đang thay đổi ở vịnh Ba Tư, một phần do quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt với I-ran, giá dầu thấp và xung đột ở các nước lân cận.

Theo IISS, A-rập Xê-út có ngân sách 82 tỷ USD, mức cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc liệu ngân sách quốc phòng của A-rập Xê-út có thực sự lớn hay không, khi con số của IISS còn bao gồm các khoản tài trợ cho Bộ Nội vụ nước này.

Cũng theo IISS, năm 2015 Ấn Độ đã vượt Pháp để giành vị trí thứ 6 trong tốp 15 quốc gia dành nhiều ngân sách cho quốc phòng, đứng sau Mỹ, Trung Quốc, A-rập Xê-út, Nga và Anh. Pháp đứng ở vị trí thứ 7.


Các tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1 Iraq mới mua từ Nga.

Các tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1 Iraq mới mua từ Nga.

Sự phát triển công nghệ có thể làm thay đổi cán cân quân sự

Báo cáo Tương quan quân sự 2016 cũng khảo sát chặt chẽ quá trình hiện đại hóa các loại phương tiện chiến đấu bọc thép của Nga, hệ thống tên lửa đạn đạo mới của Trung Quốc và cả vấn đề không gian mạng.

"Khả năng tiếp cận công nghệ cao liên quan đến quân đội đang tăng mạnh và sự phân cấp trong sân chơi công nghệ đặt ra thách thức lớn với chính phủ các nước.

Theo đó, các quốc gia không những phải bắt kịp và theo dõi chặt chẽ sự phát triển của công nghệ mới nhất mà còn đối mặt với ranh giới mong manh giữa công nghệ dân sự và quân sự, hệ thống tấn công và phòng thủ quân sự", Tổng giám đốc IISS Giôn Chíp-man (John Chipman) phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Luân Đôn (Anh) ngày 9-2.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sự phát triển của công nghệ mới đồng nghĩa với việc phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng đang mất đi lợi thế công nghệ.

Việc Nga và Trung Quốc đang phát triển nhiều hệ thống vũ khí và tiến bộ công nghệ mới trong thời gian gần đây cho thấy cán cân quyền lực có thể đang thay đổi.

Do đó, năm 2017, Lầu Năm Góc đề xuất tăng ngân sách quốc phòng nhằm vượt hay ít nhất cũng bắt kịp với tốc độ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và Nga.

“Khả năng siêu việt về công nghệ quân sự của các nước phương Tây trong hai thập niên vừa qua đang bị xói mòn.

Việc giảm tốc hay chuyển đổi xu hướng (xói mòn) này sẽ là một nhiệm vụ quan trọng của các nhà hoạch định chiến lược phương Tây trong thập niên tới”, Tổng giám đốc IISS Giôn Chíp-man nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại