Vũ khí siêu thanh được hiểu là những vũ khí có tốc độ cao hơn Mach 5 (6.125 km/h).
Các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, tham gia cuộc đua nghiên cứu vũ khí siêu thanh là vì 2 nguyên nhân:
Muốn tạo ra một công cụ có thể xóa sổ một quốc gia nào đó trên thế giới chỉ trong 1 giờ từ khi ra quyết định tiêu diệt.
Và để có một ưu thế tuyệt đối khi xuyên qua hàng phòng thủ của đối phương. Nước chiến thắng trong việc chạy đua nghiên cứu vũ khí siêu thanh sẽ có ưu thế tuyệt đối khi chiến tranh xảy ra.
Trong những dự án thành công của Mỹ không thể không nói đến dự án X-51A.
Dự án này được thiết kế để bay với tốc độ Mach 6 hoặc hơn, gấp 6 lần tốc độ âm thanh và đủ nhanh để có thể bay từ New York sang London trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Dự kiến, tên lửa Х-51А có thể được trang bị sau năm 2015.
Giới chức quân sự Mỹ hy vọng có thể phát triển tên lửa hành trình tốc độ cao dựa trên chương trình này. Nếu thành công, phương tiện quân sự đạt được tốc độ siêu vượt âm sẽ trở thành vũ khí bất khả xâm phạm.
Hiện nay, hầu như chưa có hệ thống vũ khí đánh chặn nào có thể ngăn cản các đòn tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm.
Thành công của vụ thử X-51A vừa qua xóa tan đám mây u ám bao trùm lên các lần thất bại trước đây của dự án.
Trong 3 vụ thử trước đó, chỉ có vụ thử thứ nhất vào năm 2010 là “thành công 95%” khi tên lửa duy trì được tốc độ Mach 5 trong vòng 3 phút, nhưng trong khi bay đã phát hiện sự không ổn định của tên lửa.
Khác với Mỹ, Nga và Trung Quốc trước đây phát triển vũ khí siêu thanh mục tiêu chính là để phòng thủ nhiều hơn là tấn công.
Nga và Trung Quốc nhận ra nếu họ chậm chân, để Mỹ phát triển xong vũ khí của mình thì họ sẽ rơi vào thế yếu trước tiềm lực của Mỹ.
Hồi giữa năm 2014, Trung Quốc đã công khai dự án chế tạo vũ khí siêu thanh Wu-14 với chức năng giống loại tương tự của Mỹ là HTV-2 loại vũ khí đã bị thất bại chỉ sau 4 giây thử nghiệm ở Alaska khiến giới chức quân sự Mỹ cho rằng kế hoạch phát triển nó hoàn toàn phá sản.
Người Trung Quốc với Wu-14 cũng không khá hơn Mỹ là bao nếu không nói họ còn thất bại nặng nề hơn khi không thể tạo ra một vũ khí tương xứng được với X-51A.
Trong khi Mỹ với Trung Quốc quyết tâm tiến thẳng tới hiện đại mà không thành công thì người Nga chọn giải pháp trung gian trong việc phát triển vũ khí siêu thanh.
Cùng với Ấn Độ, Nga đã phát triển thành công tên lửa BrahMos với tốc độ thực tế là Mach 2.8, nhưng trong phòng thí nghiệm lý thuyết BrahMos có thể đạt tới tốc độ Mach 5.2.
Trong cuộc đua chế tạo vũ khí siêu thanh bên nào tới đích trước thì cán cân phân bổ lực lượng an ninh toàn cầu sẽ lệch về nước đó.
Nga, Mỹ hay Trung quốc thành công trước trong việc phát triển vũ khí siêu thanh thì đều trở thành nước có tiềm năng quân sự vượt trội so với đối phương.