Thực hư thông tin này như thế nào? Dưới đây là nội dung bài viết của nhà báo - chuyên gia về các vấn đề đối ngoại Rakesh Krishnan Simha trên tờ Russia & India Report (trụ sở tại Moscow):
Dấu chấm hết cho F-35
Sau khi hứng chịu những chỉ trích gay gắt trong nhiều năm về khả năng tác chiến và giá cả, tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ cuối cùng sẽ bị “khai tử”.
Hôm thứ Ba (31/3), Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rằng họ “gần như chắc chắn” sẽ khai tử chương trình tiêm kích tàng hình F-35, sau khi nhận được quyết định thông qua cuối cùng của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter.
Cách ví von "F-35 đắt hơn cả nước Úc" xuất phát từ một bài viết trên tờ The Atlantic.
Theo tờ báo này, Washington dự định mua tới 2.443 chiếc F-35 với chi phí 382 tỷ USD.
Nếu cộng thêm 650 tỷ USD chi phí vận hành và bảo dưỡng do Văn phòng kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO) ước tính thì tổng chi phí dành cho F-35 sẽ lên tới mức 1 nghìn tỷ USD.
The Atlantic cho rằng, con số này còn cao hơn cả GDP của toàn nước Úc (924 tỷ USD).
Với 1 nghìn tỷ USD đã đầu tư vào quá trình phát triển và giai đoạn sản xuất ban đầu, chương trình máy bay chiến đấu kết hợp (JSF) F-35 được biết tới là mẫu tiêm kích “còn đắt đỏ hơn cả nước Úc”.
Các thông tin ban đầu cho biết, quyết định chấm dứt hợp đồng quốc phòng lớn nhất trong lịch sử là do mối đe dọa từ phía các phiên bản tiên tiến của máy bay chiến đấu Su-27 do Nga chế tạo.
Siphon Cash, người phát ngôn Lầu Năm Góc nói với tờ USA Today:
“Chúng ta không thể lờ đi thực tế rằng trong các kịch bản chiến tranh, các máy bay chiến đấu Flanker đã đánh bại F-35.
“Dù không có khả năng tàng hình nhưng các máy bay chiến đấu Flanker lại trở nên vượt trội hơn qua mỗi biến thể mới”.
Sự xuất hiện sắp tới của T-50 cũng có thể là một lý do. Trong xu hướng lo ngại chung, một số phi công Mỹ đã xin nghỉ hưu sớm ngay khi Nga bắt đầu giới thiệu những mô hình ban đầu của tiêm kích thế hệ năm.
Nỗi sợ hãi của người Mỹ trước các máy bay chiến đấu Flanker...
... và T-50 đã khiến Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định "khai tử" F-35?
John Kwitter, một phi công F-35 ở căn cứ Không quân Elgin, Floria nói:
"Cha của tôi, một cựu phi công Không quân Mỹ (USAF) trong những năm 1970, đã bị chiếc MiG-25 Foxbat làm kinh hãi và phải mất nhiều năm để hồi phục.
’Foxbat’ là một từ mang lại nỗi sợ hãi lớn trong USAF thời đó và khiến nhiều phi công thuộc thế hệ của cha tôi lo sợ.
F-35 dường như sẽ trở thành một mục tiêu dễ xơi đối với các phi công Nga điều khiển chiếc T-50 nên tôi đã quyết định sẽ không để mình vì thế mà phải vào viện tâm thần".
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình rằng F-35 là một thứ vô dụng biết bay.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Andrew McLaiyyer tuyên bố:
“Tôi sẽ không bỏ qua cho bất cứ kẻ “chân ướt chân ráo” nào hủy bỏ chương trình quân sự tràn đầy tinh thần ái quốc của chúng tôi”.
Ông McLaiyyer vừa nói, vừa ký tên vào một bản dự luật của Quốc hội, trong đó cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục, y tế và phiếu thực phẩm.
“F-35 có một số vấn đề nhưng chúng có thể dễ dàng bị loại bỏ nếu phát triển xa hơn nữa” – McLaiyyer nói với tờ Washington Post, cơ quan ngôn luận của chính phủ Mỹ.
“Việc khắc phục những vấn đề này chỉ là vấn đề thời gian” – McLaiyyer khẳng định.
Thượng nghị sĩ McLaiyyer từ chối bình luận về những đồn đoán cho rằng sự nhiệt huyết của ông đối với chương trình F-35 là do bang Florida mà ông McLaiyyer đại diện có số lượng căn cứ dành cho F-35 lớn nhất.
Ông McLaiyyer bước đi nhanh chóng khi được hỏi về những cáo buộc cho rằng ông được một nhà thầu phụ Không quân Mỹ cung cấp gái gọi ở Las Vegas.
Trong khi đó, tại Bethesda, Maryland, Lockheed Martin, nhà phát triển F-35, đang tìm cách “chữa cháy”. Tập đoàn này tuyên bố đang phát triển một mẫu động cơ mới chạy bằng nước.
“Động cơ chạy bằng nước sẽ giúp giảm 2/3 chi phí vận hành của F-35” - Bruce Fibber, CEO của F-35 tuyên bố.
Nhưng liệu điều này có mang lại sự thay đổi nào đối với khả năng tác chiến của F-35?
“Động cơ mới sẽ cho phép F-35 bay với tốc độ ánh sáng” – Fibber nói, “Trong nước chứa cả oxy và hydro. Hydro có thể cháy trong không khí và tạo ra một lực đẩy khổng lồ. Do không khí là vô hạn nên chiếc máy bay sẽ có tốc độ không giới hạn”.
Theo bài viết, Lockheed Martin đang chế tạo động cơ chạy bằng nước cho F-35.
Khi được hỏi rằng liệu đây có phải là một ý tưởng viển vông hơn mà Lockheed Martin đang cố thuyết phục mọi người tin tưởng hay không, Fiber tỏ vẻ khó chịu ra mặt, ném micrô vào phóng viên và vặn hỏi rằng phải chăng anh ta làm việc cho người Nga.
“Sao anh dám nghi ngờ những gì tôi nói, chúng ta đều là người Mỹ, tôi chẳng có lý do gì để nói dối” – Fibber gắt lên.
Trong khi đó, đã có sự lo ngại đáng kể từ phía các đồng minh của Mỹ như Úc và Anh – hai quốc gia đã dốc túi đầu tư vào chương trình F-35.
Không có máy bay chiến đấu yểm hộ, họ rơi vào cảnh phải vò đầu bứt tai để nghĩ cách bảo vệ không phận.
Trong khi các đồng minh NATO từ chối bình luận về điều này, người Úc cho biết họ có đã có tính toán.
Chuẩn tướng Fred Rednekk thuộc Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) cho biết:
“Chúng tôi sẽ tuyển các phi công chiến đấu xuất sắc về toán học, với chỉ số IQ 160 hoặc cao hơn”.
“Sẽ không có vấn đề gì nếu các phi công này điều khiển những chiếc F-18 đã lỗi thời, họ sẽ đủ khả năng tính toán rất nhanh và đánh bại các máy bay chiến đấu Nga trong biên chế của Indonesia và Trung Quốc”.
Tuy nhiên, tờ Sydney Morning Herald cho biết, không công dân Úc nào có IQ vượt quá 110.
Trên thực tế, người duy nhất có chỉ số IQ 110 là một công dân nhập cư 65 tuổi, người Trung Quốc, cư trú ở Melbourne.
Song, những nỗ lực để tuyển người đàn ông này vào RAAF đều vô ích.
“Tôi nói với không quân rằng tôi không muốn tự sát; Tôi không muốn phải đối mặt với các máy bay chiến đấu Flanker trong một cuộc không chiến” – Người này nói.
Mỹ sẽ có máy bay vô hình
Trong khi đó, Boeing, đối thủ chính của Lockheed Martin, tuyên bố rằng, hãng này đã phát triển một mẫu chiến đấu cơ “vô hình”.
“Hãy quên máy bay tàng hình đi, chúng vẫn có thể bị các radar tiên tiến của Nga phát hiện”, Steve Skammer, CEO của Boeing nói, “Máy bay của chúng tôi không thể bị bất cứ ai phát hiện, thậm chí cả người Mỹ”.
Khi được đề nghị giới thiệu mô hình máy bay “vô hình” đang thiết kế, ông Skammer nói:
“Tôi vừa nói với anh rồi mà, máy bay của chúng tôi vô hình với tất cả mọi người”.
Skammer khẳng định rằng, không ai có thể nghi ngờ khả năng của máy bay vô hình bởi không ai có thể trông thấy nó:
“Chiếc máy bay không tạo ra tiếng động khi cất cánh, vì vậy, lực lượng gián điệp không thể phát hiện ra nó”, Skammer giải thích để gạt bỏ những nghi vấn, “Tưởng tượng mà xem, người Nga sẽ không hề hay biết thứ gì tấn công họ”.
Boeing dự kiến sẽ sản xuất hơn 3.000 máy bay này với chi phí chỉ bằng một nửa so với F-35. Những máy bay sẽ chỉ do các phi công của Boeing điều khiển.
Sau khi đọc xong bài viết này, hẳn sẽ có rất nhiều người bất ngờ và hoài nghi những thông tin mà nhà báo Rakesh Krishnan Simha đưa ra.
Theo chúng tôi tìm hiểu, thông tin về việc Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hủy bỏ chương trình F-35 không hề xuất hiện trên bất cứ phương tiện truyền thông nào của Mỹ.
Ngoài ra, những đoạn trích dẫn mà bài viết dẫn lại từ các tờ báo Mỹ như Washington Post, USA Today trên thực tế… không tồn tại.
Vậy Rakesh Krishnan Simha đã lấy thông tin từ đâu?
Câu trả lời có lẽ nằm ở ngày xuất bản của bài báo, đó là ngày 1/4/2015, hay còn gọi là ngày Cá tháng tư.
Bài báo này phần nhiều là một câu chuyện được tác giả thêu dệt, có lẽ mục đích là để "troll" người Mỹ và mỉa mai chương trình tiêm kích đắt đỏ F-35 của nước này.
Ở phần bình luận phía dưới bài viết, nhiều độc giả đã tinh ý nhận ra chi tiết này, song cũng có nhiều người tham gia bình luận rất sôi nổi, thậm chí đồng tình với quan điểm của tác giả.